Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 | 14:17

Bài học từ vụ thu hút đầu tư dự án trồng rau má: Cần thận trọng khi “xuống tiền”

Những năm gần đây, bà con nông dân ở một số tỉnh chuyển đổi sang trồng rau má, bước đầu mang lại thu nhập khá cao.

Vì thế, đã có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lấy rau má làm “miếng mồi” kêu gọi các nhà đầu tư với số tiền lớn.

Nhiều nhà đầu tư đã “xuống tiền” dù chưa hiểu biết gì nhiều về dự án, về doanh nghiệp và thiếu kiến thức về kinh tế. Đây là vấn đề cần được lưu tâm khi tham gia vào đầu tư.

Doanh nghiệp lấy rau má làm “miếng mồi”

Thời gian gần đây, một số báo đưa thông tin Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại CCV Group (Công ty CCV) kêu gọi đầu tư vào hoạt động của công ty là trồng rau má và kinh doanh một số sản phẩm liên quan đến rau má, đã huy động vốn từ cả nghìn người với số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, không những lợi nhuận chưa được nhận mà số vốn góp ban đầu cho công ty, nhà đầu tư cũng khó lấy lại.

Các nhà đầu tư Công ty CCV đội mưa căng băng rôn kêu cứu.

Gọi là nhà đầu tư, nghe có vẻ to tát, nhưng đa phần chỉ là những người dân bình thường, không có kiến thức kinh doanh, không có hiểu biết về lĩnh vực mà mình bỏ tiền vào. Họ đơn thuần chỉ là người có tiền nhàn rỗi, rồi mang tiền đó đi gửi vào doanh nghiệp để mong nhận được lãi suất cao.

Để thu hút được nhiều người tham gia, doanh nghiệp không gần ngại đưa ra mức lãi suất cao gấp 5 - 10 lần lãi suất tiền gửi thông thường của ngân hàng.

Lời nói đi đôi với hành động, lễ động thổ dự án “Thủ phủ vua rau má” diễn ra hoành tráng. Người đứng đầu doanh nghiệp mong muốn làm thay đổi vùng quê nghèo xứ miền tây sông nước, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trên mọi miền đất nước được làm giàu; đặc biệt, khao khát làm sống dậy một thương hiệu quốc dân.

Các nhà đầu tư được tài trợ miễn phí cho chuyến di chuyển vào Long An, nơi mà công ty nhận là đang sở hữu dự án trồng rau má lên đến hàng trăm hecta.

Với nông trường rộng lớn ở Long An, “vua” rau má, nông trường rau má đã trao giá trị, giúp thay đổi thu nhập, cuộc sống của nhiều bà con nơi đây. 

Được nhìn, được trải nghiệm và thưởng thức trực tiếp sản phẩm của công ty làm ra, để rồi, những ai còn vấn vương chút nghi ngờ đã hoàn toàn bị đánh gục bởi dự án nghìn tỷ, sở hữu hàng trăm hecta vùng nguyên liệu trồng rau má. Tuy nhiên, sau khi sự kiện diễn ra, doanh nghiệp cũng... mất bóng.

Các hộ dân cho biết, 2 huyện chuyên canh rau má là Bến Lức và Đức Huệ là đất của người dân tự canh tác bao đời nay và chưa từng có sự xuất hiện công ty mang tên CCV Group đến đầu tư hay hợp tác.

Trên Báo Công an nhân dân Online, chị Nguyễn Thị Thanh Yến (173 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã ký 18 hợp đồng với tổng số tiền đầu tư hơn 25,7 tỷ đồng vào Công ty CCV. Thời gian đầu, công ty trả lợi nhuận rất đúng hạn, tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2023, các hoạt động chi trả bị dừng lại. Công ty lấy lý do là dừng chi trả để kiểm toán và có thông báo đến tháng 6/2023 sẽ tiếp tục chi trả.

Ngay khi công ty dừng chi trả lợi nhuận vào tháng 3/2023, cộng thêm nghe ngóng được một số thông tin tiêu cực liên quan đến công ty này, chị Yến đã có dự cảm chẳng lành. Ngay lập tức, chị liên hệ với Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là bà Mai Hà Trang, và được bà Trang hứa hẹn khi giải quyết quyền lợi cho khách hàng, trường hợp của chị sẽ được giải quyết đầu tiên. Sang tháng 4/2023, số hợp đồng gần 10 tỷ đến hạn thanh toán, chị liên tục liên hệ và tìm gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Mai Hà Trang nhưng không thể gặp được nữa.

Tìm đến trụ sở công ty tại tầng 19 – 20 toà nhà Epic số 19 (ngõ 19 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) thì đội ngũ nhân viên công ty cũng chỉ còn lèo tèo vài người và không có chức năng giải quyết công việc. Từ đó đến nay, mọi nỗ lực tìm hướng giải quyết quyền lợi rơi vào bế tắc, lo nghĩ nhiều khiến chị ngày càng suy sụp, thời gian đến viện điều trị tâm lý  nhiều hơn ở nhà.

Ngoài chị Yến còn có chị Nguyễn Thu Trang (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đầu tư thử 120 triệu đồng, hay chị Bùi Thị Cúc (số 63, ngõ 2, Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) đã đầu tư vào công ty này 1,55 tỷ đồng nhưng đến nay không biết có đòi lại được hay không. Những nhà đầu tư này cho rằng, Công ty CCV đã xây dựng sẵn các kịch bản để tạo lòng tin, thu hút đầu tư của khách hàng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Cẩn trọng với hợp đồng “hợp tác đầu tư”

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, khó có dự án hay hoạt động sản xuất, kinh doanh nào mang lại lợi nhuận đến hơn 20%/năm, chứ nói gì đến 60%/năm như Công ty CVV Group cam kết.

Một buổi hội thảo, huy động vốn của CVV Group. Ảnh nhà đầu tư cung cấp.

Luật sư phân tích, nếu hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc các công ty gặp khó khăn thực sự, chưa có khả năng thanh toán lãi hay hoàn tiền thì giao dịch này chủ yếu chỉ dừng lại ở dân sự.

Để xác định hành vi vi phạm này có dấu hiệu hình sự hay không, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Tuy vậy, dù là dân sự hay hình sự thì trong những vụ việc như thế này, người góp tiền hợp tác vẫn là người chịu thiệt thòi”, luật sư nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định, thời gian qua, các vụ lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép diễn ra ngày càng nhiều.

“Điểm chung là, ban đầu, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.

Để tạo được lòng tin với khách hàng, các đối tượng thường mời những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, đồng thời sử dụng các trang mạng quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra và xác minh việc Công ty CCV huy động vốn của nhà đầu tư vào việc trồng rau má và kinh doanh một số sản phẩm liên quan đến rau má có vi phạm pháp luật hay không? Qua  việc phản ánh, Tạp chí Kinh tế nông thôn mong muốn góp thêm  tiếng nói cảnh báo đến nhiều người dân: Trước khi quyết định đầu tư vào cái gì, cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, nhất là trong lĩnh vực làm vườn.

Trong câu chuyện nói trên, để đảm bảo tính khách quan cho các bên, chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi của phía doanh nghiệp để có thể gửi tới bạn đọc thông tin một cách trung thực và đầy đủ nhất.

 

Công Minh
Ý kiến bạn đọc
Top