Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 4 năm 2024 | 20:45

Nhiều trang trại chăn nuôi lợn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường

Từ nhiều tháng qua, người dân sinh sống ở ven khe Rào Trường (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) rất bức xúc trước việc nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết, không khí có mùi hôi thối.

Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi

Những năm gần đây, việc nuôi lợn theo mô hình trang trại đã thu hút nhiều hộ dân và doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư. Mô hình trang trại nuôi lợn chủ yếu được xây dựng ở vùng gò đồi, đầu nguồn và ven các con sông, khe suối nên nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước luôn hiện hữu.

Các trang trại nuôi lợn ở tỉnh Quảng Trị phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, một số có quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thể thống kê đầy đủ về nguồn xả thải từ các trang trại nuôi lợn, do đó gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Từ nhiều tháng qua, người dân sinh sống ở ven khe Rào Trường (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) rất bức xúc trước việc nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết, không khí có mùi hôi thối. Nguồn nước từ khe Rào Trường dùng để sinh hoạt và sản xuất hàng ngày nên khi bị ô nhiễm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Cá chết trên khe Rào Trường đoạn qua xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN DO

Theo người dân địa phương, tình trạng cá chết ở khe Rào Trường đã lặp đi lặp lại nhiều lần do nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân đã phản ánh với các cấp chính quyền nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Từ ngày 1/4 đến nay, người dân địa phương lại phát hiện cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường, khi nguồn nước ở đây đổi màu đen, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Cao Văn Hướng, người sinh sống ven khe Rào Trường cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt là do trang trại nuôi lợn xả thải ở phía đầu nguồn. Giếng nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày chỉ cách khe Rào Trường từ 10-15m. Nguồn nước từ khe Rào Trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Ngày 2/4, Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hà đã lập biên bản vụ việc, xác nhận cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường như phản ánh của người dân là đúng. Nguyên nhân là do trang trại nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Lợi ở phía thượng nguồn khe Rào Trường xả nước thải.

Quản lý trang trại lợn này xác nhận, đã trực tiếp mở cống xả nước thải ra khe Rào Trường và không thực hiện thông báo cho chính quyền địa phương. Trang trại này có công suất nuôi 7.000 con lợn thịt/lứa, được tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép môi trường năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hà, nguồn nước khe Rào Trường bị ô nhiễm đã xảy ra vài lần, trong đó lần bị ô nhiễm xảy ra ngày 2/4 là quá nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và tỉnh tiến hành lấy mẫu nước để kiểm tra.

Điều đáng quan tâm nữa là nguồn nước từ khe Rào Trường chảy về phía hạ nguồn, trong đó một phần đổ về sông Sa Lung. Con sông này cấp nước tưới cho 419ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn; đồng thời cấp nước phục vụ sản xuất trong lưu vực, vùng thượng nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho thị trấn Bến Quan và dân cư xã Vĩnh Hà với lưu lượng 2.000 m3/ngày đêm.

Sông Sa Lung có diện tích lưu vực 410km2 chảy qua địa phận các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn, Hiền Thành, cùng hai thị trấn Hồ Xá và Bến Quan của huyện Vĩnh Linh với chiều dài 59 km. Năm 2023 nguồn nước từ sông Sa Lung bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguồn thải từ chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi nói chung và từ sinh hoạt ra sông Sa Lung, là một trong những nguyên nhân khiến thông số E.coli vượt giới hạn. Đơn cử, tháng 9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị quan trắc chất lượng nước sông Sa Lung ngay chân đập Sa Lung tại thời điểm xả đập (ngày 5/9/2023) cho thấy, có hai thông số Coliform và E.coli vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt); trong đó thông số E.coli cao bất thường khi vượt giới hạn B1 tới 47,6 lần.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã có Thông báo số 3623/TB-STNMT ngày 25/9/2023 và đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh phối hợp rà soát, ngăn chặn nguồn thải; đặc biệt các nguồn thải có nguy cơ phát sinh E.coli vào môi trường từ chăn nuôi, sinh hoạt.

Hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn hầu hết được xây dựng ở vùng gò đồi đầu nguồn hoặc ven các sông, suối trên địa bàn các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh. Do đó, khi gặp sự cố hoặc nguồn xả thải không đảm bảo quy định về môi trường, các trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng.

Thời gian qua người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã phản ánh về việc, trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý một số chủ trang trại nuôi lợn vi phạm quy định về môi trường. Minh chứng là tháng 11/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi.

Cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 114 triệu đồng đối với hai chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cam Chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn về chất thải từ 10 lần trở lên. Cả hai chủ trang trại nuôi lợn này buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục là xây dựng, sửa chữa hệ thống xử lý chất thải, nước thải đúng theo quy định; sử dụng biện pháp sinh học để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại khu vực sông, suối xung quanh các trang trại.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị Trần Văn Quảng cho biết, nước xả thải từ chăn nuôi lợn ra sông Sa Lung nói riêng và các sông, suối nói chung là một trong những nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ngành Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, trong đó quy định chủ trang trại nuôi lợn bắt buộc phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt quy chuẩn về bảo vệ môi trường./.

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại Sơn La: Chủ động rà soát, phòng ngừa ô nhiễm

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 569 trang trại, gồm 13 trang trại quy mô lớn, 304 trang trại quy mô vừa, 252 trang trại quy mô nhỏ. Bên cạnh các trang trại được đầu tư tập trung, vẫn phổ biến hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, nằm xen kẽ khu dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, UBND các huyện, thành phố đã rà soát các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi để kịp thời hỗ trợ di dời. Thành lập, duy trì Tổ công tác cấp huyện kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mộc Châu, qua rà soát, toàn huyện có hơn 20.000 hộ gia đình, cá nhân hoạt động chăn nuôi tại 13 xã, trong đó, có 2 trang trại quy mô lớn, 413 trang trại quy mô vừa, 346 trang trại quy mô nhỏ và trên 19.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chủ động kiểm soát ô nhiễm, huyện Mộc Châu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý một số cơ sở chăn nuôi chưa chú trọng bảo vệ môi trường, còn để rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường.

Sở TN&MT tỉnh kiểm tra khu vực hệ thống xử lý nước thải của Trại lợn Cao Đa, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Mai Sơn cũng là địa phương có số lượng lớn cơ sở chăn nuôi, với 106 trang trại, gồm: 7 trang trại đại gia súc; 94 trang trại tiểu gia súc; 5 trang trại gia cầm. Trong năm 2023, chính quyền địa phương đã phát hiện, xử lý 7 cơ sở có vi phạm về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tổng tiền phạt gần 150 triệu đồng.

Còn tại Quỳnh Nhai, qua rà soát, toàn huyện có 1.996 cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi nông hộ đang hoạt động. Kết quả kiểm tra, đa số các cơ sở đều chưa đáp ứng yêu cầu theo Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018, chưa xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu Điều 60 Luật Chăn nuôi năm 2018.

Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang tập trung

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, những năm qua, hoạt động chăn nuôi đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu nhập cho nhiều tổ chức, hộ gia đình. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng đàn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi cũng gia tăng, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi lạc hậu.

Ngày 18/4/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Song, quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chăn nuôi, những năm qua, Sở TN&MT đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi quy mô tập trung thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Trong năm 2023, đã tham mưu UBND tỉnh cấp 2 giấy phép môi trường; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường với 3 cơ sở; khảo sát thực trạng thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi (bò) trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tiếp nhận 3 phản ánh liên quan đến chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, huyện Mường La, Mộc Châu; đã chuyển nội dung phản ánh cho UBND cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng di chuyển hoạt động chăn nuôi về các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La. Với điều kiện địa chất của tỉnh, có nhiều hang động caster, chất thải chăn nuôi nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Do đó, thời gian tới, Sơn La sẽ xem xét phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô, cơ cấu đàn hợp lý, tạo sự dịch chuyển theo hướng chuyển đổi nhanh, bền vững từ chăn nuôi nông hộ nhỏ sang chăn nuôi tập trung với hình thức trang trại, đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi phù hợp với đặc điểm, lợi thế của tỉnh nhằm khai thác lợi thế về đất đai, lao động và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái. Huy động được các nguồn lực tham gia phát triển chăn nuôi, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, phải được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng và mục đích khác, đảm bảo không gây ô nhiễm.

Sở TN&MT sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng, vận hành các công trình xử lý chất thải phát sinh, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Hướng dẫn, đôn đốc yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường chăn nuôi (nếu có).

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn quản lý với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ baotainguyenmoitruong, plo, TTXVN...)
Ý kiến bạn đọc
Top