Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024 | 15:16

Doanh nghiệp thủy sản lo ngại về chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline khi xuất khẩu thủy sản sang Nhật

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm, hiện có một bất cập lớn do quy định quá nghiêm ngặt của Nhật Bản so với nhiều quốc gia khác đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản.

Điều này đang gây khó khăn và bất lợi rất lớn cho thủy sản của Việt Nam, vì kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản cho hay, hiện đang có một bấp cập lớn liên quan đến chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản.

Cụ thể, về chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline, quy định của Nhật được cho là "quá nghiêm ngặt" so với ngưỡng chấp nhận của nhiều thị trường khác. Điều này đang gây khó khăn và bất lợi rất lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản, vì kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.

Theo tìm hiểu sơ bộ của VASEP và các doanh nghiệp, hiện nay, nhiều thị trường không cấm sử dụng kháng sinh Doxycycline (thuộc nhóm Tetracycline) trong nuôi thủy sản và không kiểm tra dư lượng của kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản nuôi nhập khẩu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, hiện đang có một bất cập lớn liên quan đến chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline.

Một số thị trường như EU, Trung Quốc, New Zealand có kiểm tra chỉ tiêu này nhưng đều quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) là 100 ppb. Đây là mức được cho là phù hợp, có đánh giá rủi ro, mà thủy sản nuôi có kiểm soát chặt của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.

Tuy nhiên, Nhật Bản mới chỉ quy định mức MRL của Doxycycline trong sản phẩm của Bộ Cá vược (Perciformes) là 50ppb và chưa quy định mức MRL đối với các sản phẩm thủy sản khác. Mà theo quy định hiện hành của Nhật Bản, đối với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chưa có quy định mức MRL sẽ áp dụng chung mức 10 ppb (Uniform limit) cho các chỉ tiêu này. Điều này có nghĩa là ngưỡng chấp nhận tối đa của Nhật Bản đối với chỉ tiêu Doxycycline trong thủy sản nhập khẩu đang nghiêm ngặt hơn 10 lần so với ngưỡng chấp nhận tối đa của nhiều thị trường khác.

Vì vậy, VASEP vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT, đề nghị Bộ xem xét, có ý kiến với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản để phía Nhật Bản ban hành các quy định về giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các thị trường khác như EU, Trung Quốc, New Zealand.

Nhật Bản là một trong ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2023 Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này là 1,516 tỷ USD.

Trước bất cập này, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, có ý kiến với cơ quan kiểm soát của Nhật Bản để phía Nhật Bản điều chỉnh quy định về giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top