Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 4 năm 2024 | 20:55

Cần giảm thiểu thói quen đốt rơm, rạ ảnh hưởng đến môi trường

Tình trạng đốt rơm, rạ tự phát mỗi khi vào mùa vụ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này, cần có những giải pháp thay thế hiệu quả, bền vững.

Vì sao nông dân vẫn đốt rơm rạ?

Trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại các tỉnh miền Bắc, phần lớn rơm, rạ sau thu hoạch được bà con xử lý bằng cách đốt, có nơi lên đến 90%. Khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.

Không chỉ riêng miền Bắc, các tỉnh thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự, thông thường, cứ hết vụ lúa đông xuân, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang thường đốt rơm, làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo. Mặc dù, việc này giúp nông dân đỡ vất vả nhưng trong lúc thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, đốt đồng rất dễ xảy ra nguy cơ cháy lớn trên diện rộng, đồng thời làm giảm độ màu mỡ của đất, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân nên từ bỏ thói quen có hại này.

Việc đốt đồng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe người dân

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa đông xuân, anh Lê Văn Dũng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thường đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ sản xuất sau. Anh Dũng cho biết, cách làm này giúp đảm bảo tiến độ gieo sạ với các hộ canh tác lân cận. Đặc biệt, việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch sẽ giảm bớt tình trạng lúa chét, cỏ dại, sâu bệnh cho vụ sau.

“Tôi và nhiều bà con ở cánh đồng này từ lâu đã có thói quen đốt đồng để tiêu diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại còn trú ngụ trong rơm rạ. Ngoài ra, việc đốt đồng theo tôi nghĩ còn tạo ra một lượng phân tro từ rơm rạ để làm phân bón cho cây lúa ở vụ kế tiếp” - anh Dũng chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Dũng, ông Lê Trung Hậu (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, việc đốt đồng sẽ giúp việc cày đất được dễ dàng hơn. “Nếu để rơm rạ ở ruộng thì vụ tới rất khó làm đất. Do vậy, bà con đều đốt rơm rạ để tốt ruộng, đất bở hơn. Việc này sẽ tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên vùng sản xuất” - ông Hậu chia sẻ thêm.

Tác hại của việc đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp

Hành động đốt rơm rạ ngoài trời nói trên không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường.

Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy những nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Người bị bệnh luôn thiếu oxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi. Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong. Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây tai nạn giao thông…

Theo tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Đặc biệt, đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Bên cạnh đó, trong quá trình đốt rơm rạ sẽ vô tình tiêu diệt các loại côn trùng có ích, gây ra mất cân bằng sinh thái ruộng lúa.

Đây là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Cách xử lý rơm rạ hợp lý, an toàn với môi trường và sức khỏe con người

Nếu như biết cách sử dụng thì rơm rạ sẽ mang đến nhiều lợi ích, thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường thì có thể làm theo một số cách như dưới đây:

Làm phân bón hữu cơ: Cứ 1 hecta lúa sẽ cho khoảng 10 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón tuy nhiên nếu bạn không đốt mà đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Tính theo tỷ lệ chung của cả nước là 45 triệu tấn rơm rạ nếu đem xử lý sẽ được 20 triệu tấn phân hữu cơ, giúp người làm nông dân đỡ phải bỏ tiền mua phân hóa học tương đương với: 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali quy ra số tiền là gần 11.000 tỷ đồng.

Sử dụng để tạo độ phì nhiêu cho đất: Ở một số nơi còn sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ.

Tận dụng làm vật liệu vận chuyển: sử dụng để lót dưới những món đồ dễ vỡ hoặc lót trong các thùng hoa quả khi vận chuyển đi xa.

Bên cạnh đó, một số hộ nông dân đã sử dụng rơm để trồng nấm, theo một số nghiên cứu mới đây cứ 1 tấn rơm rạ đem đi trồng nấm sẽ thu được 780 kg nấm rơm tươi. Hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc (trâu, bò), rơm là thức ăn yêu thích của gia súc như trâu, bò,... rơm có thể để được lâu mà không bị hỏng. Chỉ cần phơi khô rồi chất thành đóng lớn cho gia súc ăn từ từ.

Có thể thấy, rơm rạ có rất nhiều lợi ích và điều quan trọng là chúng ta sử dụng cách nào để phát huy hết hiệu quả của nó đồng thời hạn chế những tác động gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm tới sức khỏe của cộng đồng.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Dangcongsan, baoangiang, baophapluat...)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top