Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024 | 9:49

Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu nước sạch

Ba năm gần đây, khoảng trăm hộ dân ở thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên (Quảng Xương - Thanh Hoá) phải chịu cảnh nước sinh hoạt chảy về yếu, thậm chí còn xảy ra tình trạng bị mất nước nhiều ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh.

Các hộ này đã ký hợp đồng dịch vụ cấp nước sạch, trả chi phí lắp đặt và phí sử dụng nước sạch cho Công ty CP Đầu tư cấp nước An Bình.

Người dân kêu thiếu nước

Theo phản ánh của các hộ dân tại thôn Yên Cảnh, năm 2020, để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và kinh doanh, các hộ đã ký hợp đồng dịch vụ cấp nước sạch với Công ty CP Đầu tư cấp nước An Bình (Công ty An Bình). Theo đó, các hộ dân phải nộp số tiền ban đầu cho Công ty An Bình là 4,5 triệu đồng/hộ để lắt đặt đồng hồ và ống nước dẫn vào nhà.

Thiếu nước sạch, người dân thôn Yên Cảnh phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễn phèn.

Thế nhưng, niềm vui  không được bao lâu, chỉ sau vài tháng đi vào hoạt động, tình trạng áp lực nước yếu, thiếu nước, thậm chí mất nước dài ngày khiến cho cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Tình trạng này diễn ra nhiều năm, mặc dù đã phản ánh đến chính quyền và Công ty An Bình nhưng đến nay chưa có biện pháp khắc phục khiến người dân bức xúc.

Ông Bùi Sỹ Toàn (người dân thôn Yên Cảnh) cho biết: Tình trạng nước yếu, mất nước diễn ra sau 3 tháng lắp đặt, đỉnh điểm nhất vào cuối năm 2021, một tháng có nước được vài ngày, gia đình không thể tích trữ đủ nước để sinh hoạt, buôn bán. Tết Nguyên đán năm 2023, mất nước từ ngày 22/12/2022 – 17/1/2023 âm lịch, gia đình không có nước sạch phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn. Nhiều lần kiến nghị chính quyền xã, Công ty An Bình nhưng chỉ nhận được hứa hẹn chứ chưa khắc phục.

Đồng hồ đo nước luôn trong tình trạng bất động.

Chung tình cảnh, chị Nguyễn Thị Phượng, hàng xóm ông Toàn, chia sẻ: Gần 20 ngày nay, gia đình không có nước sạch từ nhà máy để sử dụng. Hàng ngày gia đình phải  sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn để phục vụ sinh hoạt; còn mua nước đóng bình để nấu nướng cho đảm bảo sức khoẻ.

“Cũng chỉ vì nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn, không đảm bảo sức khoẻ nên chúng tôi mới sử dụng nước sạch của Công ty An Bình, thế nhưng càng thất vọng khi đóng phí đầy đủ mà vẫn phải tiếp tục sử dụng nước giếng khoan qua ngày…”, chị Phượng nói.

Nhiều hộ dân tại đây cho biết thêm, không chỉ tình trạng thiếu nước, mất nước nhiều ngày mà chất lượng nước sạch cũng không đảm bảo, bể chứa nước sau một thời gian lắng đọng lớp bùn dày.

Ông Cao Xuân Tuấn, Trưởng thôn Yên Cảnh cho biết, trên địa bàn hiện có gần 260 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu sinh sống, có khoảng 50 – 60% số hộ sử dụng nước sạch, số còn lại nằm trong diện giải toả và không có nhu cầu sử dụng. Nhiều năm qua, các hộ đều trong tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt. Thế nhưng, với dịch vụ cấp nước kém chất lượng, các hộ đang xin được đấu nối nguồn nước của Công ty CP Cấp nước Thanh Hoá để sử dụng cho ổn định.

Nước giếng khoan bị đục, nổi váng trong bể chứa.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế nông thôn, các van khoá của đường ống nước sạch luôn trong tình trạng mở để chờ nước, đồng hồ đo nước nằm bất động. Nguồn nước người dân dùng để sinh hoạt hàng ngày được lấy từ giếng khoan, bế chứa nước mặc dù đã qua lọc nhưng vẫn bị đục, nổi váng, nhiều hộ phải xây dựng bể chứa nước mưa để phục phụ nấu nướng.

Cần sớm có giải pháp khắc phục

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, cho biết, tình trạng bị mất nước nhiều ngày, chất lượng nước không đảm bảo như người dân phản ánh xã đã nắm được, nhiều lần xã  mời phía công ty nước đến làm việc và yêu cầu sớm khắc phục cho người dân. Gần đây nhất, công ty báo cáo nguyên nhân mất nước là do bể lọc của nhà máy nước xảy ra sự cố, cần thời gian để xử lý nên ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân.

Ông Long cho biết thêm, để giải quyết tình trạng trên, xã đã kiến nghị UBND huyện Quảng Xương, huyện đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng làm việc với công ty nước để nâng công suất đảm bảo việc cấp nước phục vụ cho người dân.

Theo ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư cấp nước An Bình, nguyên nhân nguồn nước sạch yếu như người dân thôn Yên Cảnh phản ánh là do phải di chuyển đường ống nước để trả mặt bằng cho dự án của một tập đoàn khiến đường ống cấp nước xa hơn nên áp lực nước giảm. Để khắc phục tình trạng đó, công ty cũng đã lắp bơm tăng áp. Bên cạnh đó, tình trạng mất nước dài ngày là do mất điện kèm theo vị trí thôn Yên Cảnh nằm cách xa nhà máy nước (khoảng 10km), để có áp lực nước trở lại, cần có thời gian.

Cùng với đó, do người dân không xây dựng bể nước ngầm dự phòng nên vào cao điểm, nhiều người sử dụng, áp lực nước cũng giảm theo, xảy ra tình trạng nước yếu như phản ánh. Liên quan chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, theo ông Khánh, trong quá trình mất nước, lượng cặn có trong nước đọng lại trong ống dẫn, khi có nước áp lực cao sẽ cuốn theo lượng cặn này nên xảy ra tình trạng nước bị vàng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra ở cuối nguồn và với số lượng nhỏ.

“Chất lượng nước của nhà máy luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đều đảm bảo… Nước trong quá trình sản xuất sau khi đẩy ra đường ống đều đảm bảo, nếu không đảm bảo, nhà máy sẽ không được hoạt động”, ông Khánh khẳng định.

Được biết, xã Quảng Yên đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021; huyện Quảng Xương đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để cán đích NTM nâng cao trong năm 2024. Để việc xây dựng NTM ở huyện Quảng Xương nói chung và xã Quảng Yên nói riêng được thực chất, miễn nhiễm “bệnh thành tích”, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá cần xem xét, đánh giá sát sao tiêu chí nước sạch của các đơn vị cung cấp.

Trước những bất cập trong cung cấp nước sạch cho người dân  thôn Yên Cảnh,  đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá,  huyện Quảng Xương vào cuộc làm rõ phản ánh, kiến nghị của người dân, sớm có biện pháp khắc phục để cấp nước ổn định cho người dân, đảm bảo tiêu chí cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM.

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top