Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 2023 | 13:25

Làm gì để giảm cảnh báo vi phạm đối với nông sản, thực phẩm?

Trong 10 tháng năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, chỉ có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam (giảm khoảng 15% so với năm 2022). Làm gì để giảm cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản Việt Nam?

Dư lượng hóa chất là một trong những vi phạm chiếm tỷ lệ cao

Tồn dư các chất hóa học trong nông sản thực phẩm chủ yếu do các hóa chất có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: kim loại nặng như asen; cadimi; đồng; chì,... dư lượng nitrat; dư lượng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng và các hóa chất khác như dầu mỡ, hóa chất bảo quản,… Các thuốc bảo vệ thực vật này được phun, bón cho cây trồng trong quá trình sản xuất, chuẩn bị thu hoạch, khi các chất này có dư lượng tồn dư trong thực phẩm vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Dư lượng hóa chất chiếm tỷ lệ cao.

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), trong 10 tháng đầu năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, chỉ có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam (giảm khoảng 15% so với năm 2022).

Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản (19), bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác (13). Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết,  đã có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ và Trung Bộ... về tình trạng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo do có hóa chất, kháng sinh.

Văn bản nêu rõ 9 tháng năm 2023, số vụ việc hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, trường hợp bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh chiếm tỉ trọng cao. Châu Âu là thị trường đưa ra cảnh báo nhiều nhất, ngoài ra còn có Anh, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Nhật Bản.

Sản phẩm bị cảnh báo gồm cá trê, cá diêu hồng, cá tra, tôm thẻ, cá chẽm, đùi ếch, cá ngừ, mực nang. "Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và còn nhiều hạn chế trong việc kiểm soát tại cơ sở chế biến" - ông Tiệp chỉ rõ.

Nguyên nhân sản phẩm nông sản Việt Nam còn tồn dư hóa chất

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc nông dân, nhà phân phối vì lợi nhuận mà lạm dụng một số hóa chất như: Ethephon, chất 2,4D, Methamidophos... trong canh tác và bảo quản rau, quả sau thu hoạch đang gây nguy hại tới sức khỏe. Trong quá trình canh tác, người nông dân phun chất kích thích khiến cho rau, quả tăng kích thước nhanh bất thường, bên cạnh đó việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu bệnh khi cây trái đang trong quá trình cho thu hoạch cũng là một trong những nguyên nhân gây tồn dư hóa chất.

Trong bảo quản, giới phân phối, kinh doanh sử dụng hóa chất bảo quản để diệt côn trùng, vi khuẩn và làm chậm quá trình lão hóa, giữ cho hoa quả tươi lâu. Thí nghiệm Ethephon, Methamidophos, chất 2,4D… trên chuột, thỏ cho thấy thuốc có khả năng gây độc cấp tính đường miệng, đường da, hô hấp, mắt… Còn người tiêu dùng ăn những loại rau, quả ngâm các hóa chất này trong thời gian dài sẽ có nguy cơ ung thư cao.

Việc sử dụng sai thuốc BVTV cũng đã diễn ra, một số thuốc trên nhãn bao bì ghi không có hoạt chất này nhưng khi doanh nghiệp, người nông dân mua ngoài thị trường phun lên cây trồng, củ, quả, nhưng khi test lại thấy xuất hiện có hoạt chất bị cấm. Điểm nguy hại là có những doanh nghiệp xuất khẩu đang làm sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cấm hoạt chất đó làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất.

Cần tăng cường kiểm tra

Trước thực trạng trên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã yêu cầu các DN ưu tiên nguồn lực để cải thiện năng lực của hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại nhà máy và chú trọng kiểm soát các cơ sở cung cấp nguyên liệu.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm để tránh bị các thị trường cảnh báo, ảnh hưởng uy tín hàng Việt.

Đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ USD/năm, ngành điều của Việt Nam gần đây nhận nhiều ý kiến phàn nàn của các thị trường nhập khẩu về việc chất lượng sản phẩm có dấu hiệu đi xuống, trong đó có 2 thị trường lớn là châu Âu và Mỹ.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho hay 3 chỉ tiêu bị cảnh báo nhiều nhất đối với ngành điều là sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm, DN chạy đua sản xuất để giao hàng nên rất dễ lơi lỏng kiểm soát chất lượng.

Chưa kể, cuối năm là mùa mưa bão của Việt Nam nên sâu bọ, côn trùng có môi trường lý tưởng để phát triển. "DN khi xử lý sâu mọt nếu không bảo đảm thời gian cách ly sẽ dẫn tới nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Xử lý được vấn đề này thì lại phát sinh vấn đề khác" - ông Nhựt nêu thực tế.

Ông Bạch Khánh Nhựt cũng kiến nghị cơ quan quản lý ngành, địa phương có biện pháp hỗ trợ DN khắc phục vi phạm khi vừa chớm, tránh tình trạng vi phạm kéo dài sẽ khiến các nhà nhập khẩu giảm giá mua hàng và ảnh hưởng vị thế ngành điều Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP. Đà Nẵng), trình độ chế biến của DN Việt Nam hiện ở mức cao nhưng khâu nguyên liệu chưa tốt. Trong bối cảnh chi phí nuôi thủy sản cao nhưng giá đầu ra thấp, một số hộ nuôi trồng đã dùng kháng sinh để bảo đảm tỉ lệ sống cho tôm, cá.

Điều này khiến DN chế biến rất khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. "Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát các vùng nuôi, nhất là khi tình trạng mua bán kháng sinh còn quá dễ dàng như hiện nay" - ông Lĩnh kiến nghị.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu, cũng rất cần các cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra các vùng trồng, các đơn vị sơ chế biến. Đặc biệt người nông dân phải ý thức được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình đang thu hoạch sản phẩm, bảo quản là không được phép. Có như vậy chúng sản phẩm nông sản của chúng ta mới vượt qua được các rào cản về kỹ thuật ở các quốc gia nhập khẩu sản phẩm nông sản, nông sản Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường và sẽ không còn sự cảnh báo của các quốc gia đối với sản phẩm nông sản của chúng ta nữa.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top