Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 1 năm 2021 | 21:22

Cần truy cứu trách nhiệm các đơn vị, cá nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên

Nhiều đơn vị, cá nhân lợi dụng làm dự án để khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, vận chuyển tài nguyên ra khỏi dự án, hủy hoại môi trường, đắp đập, chặn dòng sông, phá nát đường dân sinh, gây thất thoát nguồn tài nguyên lớn của Nhà nước…

Đơn cử như vụ việc, lợi dụng làm dự án khu dân cư, trường học tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã vận chuyển tài nguyên ra khỏi dự án dự án gây thất thoát nguồn tài nguyên lớn nhưng chính quyền vẫn “im lặng” hoặc đá "quả bóng" trách nhiệm vòng vo.
 
Chính quyền TP Uông Bí “đã biết” nhưng có lẽ đang vận dụng phương thức "để lâu ...hóa bùn"  để cho sự việc trên dần vào quên lãng và đến nay vẫn chưa có hình thức xử lý. Các đơn vị liên quan là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Công an Thành phố,… thì im lặng không trả lời hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho đơn vi khác coi như mình vô can!
3056_dji_0004.jpg
Toàn cảnh dự án Trường THCS chất lượng cao (CLC) và khu dân cư đô thị dân cư khu 5A tại phường Quang Trung, TP Uông Bí do CTY TNHH MTV Hướng Tâm làm chủ đầu tư (Nguồn: Tầm nhìn)
Theo ông Lê Ngọc Hà – Phó Chánh văn phòng TP Uông Bí cho biết, phía Ủy ban Thành phố đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý đô thị Thành phố để xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm.
 
Phía ông Bùi Đức Anh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ông là người mới nhận chức vụ nên sự việc vẫn chưa nắm được và cần hỏi lại các cán bộ trực tiếp xử lý. Được biết, ông Bùi Đức Anh đã nhận chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường từ ngày 04/12/2020. Vậy kể từ ngày nhận chức, những sự việc làm thất thoát tài nguyên như trên liệu ông Bùi Đức Anh có sát sao xử lý?
 
Cùng đó, ông Đào Văn Phức – Trưởng phòng Quản lý đô thị cho rằng, ông Phức đã nắm được thông tin nhưng nội dung sự việc lại liên quan đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, việc vận chuyển do Đội Cảnh sát giao thông thành phố Uông Bí quản lý.
 
Theo văn bản số 2508/GP-UBND của UBND TP Uông Bí về việc gia hạn cấp phép vận chuyển đất đổ thải của Cty TNHH xây dựng và vận tải Hưng Thịnh từ dự án trường THCS CLC và khu dân cư đô thị tại khu 5, Phường Quang Trung.
 
UBND TP Uông Bí đã giao cho phòng Tài Nguyên và Môi Trường phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan tằng cường quản lý bảo vệ môi trường, đất đai tài nguyên, khoáng sản, thuế khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định pháp luật.
 
Giao phòng Quản lý đô thị tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và việc thực hiện của các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố.
 
Giao Công an Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát việc vận chuyển của Cty TNHH xây dựng và vận tải Hưng Thịnh. Phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm của Công ty trong quá trình vận chuyển như: Chạy quá tốc độ, cơi nới thành thùng, lấy đất và vận chuyển đổ đất không đúng nơi quy định… Báo cáo UBND Thành phố để xem xét việc tiếp tục cấp phép.
 
Với văn bản này, UBND TP Uông Bí đã chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các phòng ban, tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý của các phòng ban giường như không hoạt động. Vì vậy, Báo Tầm nhìn đề nghị UBND TP Uông Bí làm rõ, xử lý các phòng ban chuyên môn để sự việc xảy ra.
 
Trước đó, theo phản ánh của nhiều người dân khu 5A, 5B, phường Quang Trung, Tp Uông Bí hàng ngày có hàng chục chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành, thùng đi qua khu dân cư để đưa đất đi san lấp các dự án trên địa bàn TP Uông Bí gây bụi bặm và làm hư hỏng nặng con đường dự án 5B.
3101_dji_0142.jpg
Khu vực công ty Hướng Tâm - Vận Tải Hưng Thịnh đang đổ đất ra ngoài phạm vi cấp phép (Nguồn: Tầm nhìn)
Cụ thể, các xe tải này được vận chuyển đất từ dự án Trường THCS chất lượng cao (CLC) và khu dân cư đô thị dân cư khu 5A  tại phường Quang Trung, TP Uông Bí do CTY TNHH MTV Hướng Tâm làm chủ đầu tư. Công Ty TNHH MTV Hướng Tâm có hợp đồng kinh tế về việc thuê vận chuyển đất đổ thải với Công Ty TNHH xây dựng và Vận tải Hưng Thịnh.
 
Trong tháng 10, 11/2020 xuất hiện xe tải chở đất thải “đi lạc” và đổ vào đất Công ty CP Cơ Khí Uông Bí quản lý với khối lượng khổng lồ ước tính có thể lên đến hàng vạn khối. Theo Giám đốc Công ty CP Cơ khí Uông Bí ông Nguyễn Đình Dũng cho biết, số đất thải do Cty TNHH xây dựng và vận tải Hưng Thịnh chở từ dự án của Cty Hướng Tâm, công ty của ông không mua từ đây mà mua đất từ mỏ đất Bắc Sơn. Vậy không hiểu lý do gì số đất này lại được Công ty Hướng Tâm và Vận tải Hưng Thịnh đổ vào đây.
 
Được biết trước đó, sự việc tương tự cũng đã từng xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng công trình: Đấu nối đường Hậu Cần với đường Hạ Long. Theo người dân phản ánh, hàng chục nghìn mét khối đất cũng được Công ty Hướng Tâm chuyển đi, trong khi dự án không đi đến những khu vực trên.
 
Điều đáng nói, chỉ trong vài năm gần đây, Công ty TNHH MTV Hướng Tâm đã trúng thầu làm chủ đầu tư hoặc được giao thực hiện nhiều dự án trên những lô đất được đánh giá là “kim cương” nhưng không qua đấu giá đất. Và đặc biệt, đó là tất cả các dự án mà Công ty TNHH MTV Hướng Tâm đã trúng thầu hoặc được giao thực hiện đều nằm cạnh hoặc nằm trong khuôn viên của một dự án đất vàng nào đó.
 
Về vấn đề này, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có sự bảo kê, bao che và nâng đỡ "không trong sáng" từ phía các cơ quan chức năng TP. Uống Bí đối với Công ty TNHH MTV Hướng Tâm?.

Ngang nhiên “đắp đập, chặn dòng” sông Phó Đáy?

Theo phản ánh của nhiều người ở thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho hay, Công ty TNHH một thành viên Lê Phát An (Công ty Lê Phát An) đang khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân địa phương.

Chưa dừng lại đó, một số người dân bức xúc nói: “Nhiều xe tải chở cát, sỏi lên tới khoảng 40-50 khối, thì có con đường nào chịu thấu. Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Do vậy, nhiều gia đình bức xúc phải ra chặn đường phản đối kịch liệt”.

Được biết, theo Giấy phép khai thác số 38 ngày 30/8/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty Lê Phát An thể hiện: Công ty Lê Phát An được phép khai thác cát, sỏi trên sông Phó Đáy, đoạn chảy qua xã Tuân Lộ, xã Hợp Hoà, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

 

bài-5-ảnh-1.jpg
Địa điểm khai thác khoáng sản bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường của Công ty Lê Phát An.

Công ty Lê Phát An được khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên, phương tiện khai thác là tàu hút với tổng diện tích là 45,78 ha. Tổng trữ lượng khai thác toàn mỏ là 664.450m3 trong thời gian khai thác là 23 năm. Đồng thời yêu cầu Công ty Lê Phát An tiến hành khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất, và phương tiện theo đúng quy định trong giấy phép.

Được biết, Công ty Lê Phát An đang “phớt lờ” quyết định được cấp phép, ngang nhiên khai thác lấn vào diện tích canh tác đất ở bên bờ sông của một số hộ dân. Thậm chí, Công ty Lê Phát An còn “đắp đập, chặn dòng” sông Phó Đáy để phục vụ khai thác cát, sỏi.

Hàng loạt các xe tải chở cát, sỏi có dấu hiệu quá khổ quá tải, không dược che chắn khiến đất đá rơi vương vãi gây ô nhiễm môi trường. Nhiều đoạn đường dẫn vào điểm khai thác bị xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

 

bài-5-ảnh-2.jpg
Xe chở cát, sỏi có dấu hiệu quá tải bị người dân chặn (ảnh cắt clip do người dân cung cấp).

Trước thực trạng trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa (Sơn Dương), ông Hiếu nói: “Qua phản ánh cũng đã cho anh em đi kiểm tra và tháng 7 vừa rồi có làm lấn vào khu vực không được cấp phép thì UBND huyện xử phạt. Xe trọng tải dân có ý kiến đã cho anh em xuống đình chỉ, tạm dừng và chỉ cho những xe chở đảm bảo để tránh rung động. Còn về giấy tờ địa chính đang cầm và anh em đang đi kiểm tra đất đai hết nên chưa thể cung cấp được. Về vấn đề chặn dòng sông Phó Đáy, phòng tài nguyên UBND huyện cũng đã về kiểm tra”.

 

bài-5-ảnh-3.jpg

Nhiều đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng gây mất an toàn giao thông.

Theo ông Chương Thanh Đại, Phó Giám đốc Công ty Lê Phát An xác nhận: Việc khai thác cát sỏi được UBND tỉnh cấp phép. Công ty thực hiện đúng theo giấy phép. Đúng là Công ty có chặn dòng sông, nhưng việc chặn dòng sông để phục vụ tưới tiêu của bà con trong vùng. Công ty cũng có kí hợp đồng thuê đất của bà con xung quanh, việc đường nứt, vỡ thì hàng năm Công ty đều có hỗ trợ… Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ, các giấy tờ có liên quan thì ông Đại hẹn sẽ cung cấp sau (!?).

Trước vấn đề trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý quyết liệt nếu có sai phạm, tránh tình trạng “mất bò, mới lo làm chuồng”.

Chính quyền địa phương làm ngơ cho khai thác đất trái phép hoành hành

Cụ thể, tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa hoạt động khai thác đất diễn ra hàng ngày hàng giờ. Không khó để có thể thấy hình ảnh những chiếc xe ben trọng tải lớn ì ạch chở đất lưu thông trên địa bàn huyện. Ngoài những điểm mỏ được cơ quan chức năng cấp phép khai thác thì cũng đang tồn tại những điểm mỏ khai thác đất trái phép, chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Người dân xã Xuân Cao phản ánh tại địa điểm dốc Quế có hoạt động khai thác đất trái phép. Một số quả đồi đã bị đất tặc ngang nhiên đưa máy móc tới để múc đất. Xe ben trọng tải lớn vào chở đất thường xuyên, quần thảo trên đường, khiến môi trường và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường giao thông liên xã có nguy cơ xuống cấp, thất thoát nguồn tài nguyên của nhà nước.

Tuy nhiên, khi vấn đề trên được đề cập thì Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cao lại cho rằng: Việc khai thác đất trái phép này diễn ra lén lút. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã kịp thời lập biên bản và báo cáo cấp trên xử lý. Hiện tại trên địa bàn xã không còn "đất tặc" lộng hành?!

 

dattac.jpg
Một phần đồi đất bị khai thác trái phép trước đó nhiều ngày

Những trao đổi này lại hoàn toàn mâu thuẫn khi vào ngày 7/1/2021, có mặt tại địa điểm dốc Quế, PV đã ghi nhận được toàn bộ hành vi khai thác đất trái phép đang diễn ra rầm rộ tại đây.

Đúng như phản ánh của người dân và khác xa lời của lãnh đạo địa phương, một chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất, gầu múc cắm sâu, "ngoạm" đầy ắp đất rồi đổ lên thùng xe ben loại 30 tấn. Trong khoảng thời gian ngắn, sau khi đã "ăn no" đất,  xe ben ì ạch bò khỏi khai trường.

Cứ như thế, nhiều xe ben trọng tải lớn nhởn nhơ quần thảo đường liên xã, "cõng" đất ra khu công nghiệp để san lấp mặt bằng khiến bụi tung mù mịt. Con đường liên xã vốn đã bé nay phải oằn mình chống chọi với xe tải nặng.

Tại thời điểm ghi nhận, một số xe tải hiệu “Hổ vồ” (Howo) đang chờ lấy đất, đỗ choán đường dân sinh như xe tải bks: 36C-23065, 37C-19628... tất cả đều mang logo Đức Vượng.

Liền kề với khu đồi đang bị khai thác là một quả đồi khác cũng "chung số phận". Những dấu răng của máy xúc, lốt bánh xe tải chằng chịt vẫn hằn rõ trên nền đất. Diện tích đất bị khai thác ước chừng lên đến hàng nghìn mét vuông.

Theo tìm hiểu, việc khai thác đất trái phép này đã diễn ra trong nhiều ngày, đều do một cá nhân trên địa bàn thực hiện. Đất khai thác sẽ được bán cho những ai có nhu cầu san lấp mặt bằng.

 

dattac2.jpg
Khu vực đang khai thác đất trái phép

Trước sự việc trên, PV đã kịp thời thông báo với vị Chủ tịch UBND xã Xuân Cao về hành vi khai thác đất trái phép. Thế nhưng thay vì có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, lập biên bản thì vị chủ tịch xã lại chỉ đạo cán bộ địa chính tới hiện trường với lí do đang bận họp.

Ngạc nhiên hơn, sau một khoảng thời gian chờ đợi khá lâu, vẫn không thấy vị cán bộ địa chính xã có mặt để lập biên bản việc khai thác đất trái phép. Lúc này, máy xúc vẫn múc đất, xe tải vẫn thản nhiên chở đất khỏi khai trưởng. Tất cả hoạt động diễn ra giữa ban ngày và công khai trước sự "im lặng" và có ý "câu giờ" của chính quyền địa phương.

Vấn đề này đã khiến nhiều người dân cảm thấy bất ngờ và khó hiểu khi đất tặc đang hoành hành, Chủ tịch UBND xã Xuân Cao đã nắm được thông tin nhưng lại tỏ ra thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra.  Đến đây, bạn đọc có quyền đưa ra những câu hỏi nghi vấn trong hoạt động khai thác đất trái phép và liệu có nhóm lợi ích hay là hoạt động "bảo kê" cho đất tặc hay không?

Trao đổi nhanh với báo chí, ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường và Công an huyện giám sát việc khai thác đất trái phép.

Vậy, đằng sau việc ngang nhiên khai thác đất trái phép mà không vướng phải sự can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương là như thế nào? Chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên của chính quyền xã Xuân Cao có được thực hiện đúng hay không?

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng Hợp
Ý kiến bạn đọc
Top