Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2016 | 1:49

Châu Thành: Phát triển cây ăn trái theo hướng chuyên canh là định hướng lớn

Có thể khẳng định, Châu Thành (Hậu Giang) là vùng đất của hoa thơm trái ngọt với những đặc sản nổi tiếng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 của Châu Thành, mở rộng vùng chuyên canh cây ăn trái được coi là nhiệm vụ quan trọng. Nhân dịp Xuân Bính Thân - 2016, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, xung quanh vấn đề này.

Trong quy hoạch phát triển cây ăn quả của huyện Châu Thành, cây bưởi da xanh được đặc biệt quan tâm.

Nông nghiệp vẫn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Châu Thành, trong đó cây ăn trái là lĩnh vực chủ lực. Ông có thể đánh giá vài nét về tình hình phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái của huyện trong những năm qua?

Châu Thành may mắn được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi. Nhưng để có được những vườn cây bạc tỷ như hiện nay, nông dân Châu Thành cũng phải vật lộn, trăn trở tìm hướng đi.

Hơn 10 năm trước, diện tích vườn của huyện chưa nhiều, phần lớn là đất lúa. Sau đó, người dân mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái với các loại cây có múi như cam, bưởi, chanh hay măng cụt, nhãn, xoài…, hiệu quả cao gấp 4 đến 15 lần trồng lúa. Từ thực tiễn đó, tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả. Riêng huyện Châu Thành, do đất trồng lúa còn lại manh mún, nhỏ lẻ nên có kế hoạch chuyển đổi 100% diện tích.

Sự “cởi trói” của chính sách giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời, Châu Thành có thêm nhiều đặc sản mới. Diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện lên đến gần 10.572ha (tăng 65,79ha so với cùng kỳ), sản lượng đạt 98.041 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay, nhà vườn Châu Thành đứng trước nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh trên cây trồng ngày càng phức tạp, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh Greening (2.924,05ha cam sành bị nhiễm bệnh, đã tiêu hủy  2.682,44ha). Người dân đã chủ động đốn bỏ  cây bị bệnh chuyển sang trồng một số loại cây khác như chanh không hạt, bưởi, xoài Đài Loan, nhãn Ido, ổi Đài loan. Tập quán trồng nhiều loại cây trên vườn gây trở ngại trong vấn đề quản lý dịch bệnh. Thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định.

Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chúng tôi coi trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong năm qua, huyện đã tổ chức được 87 cuộc tập huấn với 1.872 nông dân tham dự, nội dung chủ yếu là biện pháp canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại, hướng dẫn nông dân cách tự ủ và sử dụng phân hữu cơ… Tổ chức 5 cuộc hội thảo đầu bờ với nội dung trẻ hóa  vườn bưởi, quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn, quản lý sâu đục trái bưởi… Nhằm khôi phục vườn bưởi đang có dấu hiệu lão hóa, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai kỹ thuật trẻ hóa, sử dụng phân hữu cơ và chăm sóc theo quy trình VietGAP. Tiếp tục triển khai vùng sản xuất cây giống sạch bệnh, lựa chọn phát triển vùng chuyên canh kết hợp củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu cho cây trồng. 

XDNTM cũng là điểm ấn tượng của Châu Thành trong những năm qua. Ông có thể chia sẻ một số kết quả thực hiện chương trình?

Cuối năm 2010, chúng tôi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn 7 xã, trong đó xã Đông Thạnh được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh. Bước vào thực hiện chương trình, bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi điểm xuất phát thấp, Đông Thạnh chỉ đạt bình quân 8 tiêu chí, các địa phương khác chưa đạt tiêu chí nào, thu nhập bình quân chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao, lên đến 19,14%; hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường, trạm chưa đảm bảo. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, sau 5 năm thực hiện XDNTM, chúng tôi đã đạt được kết quả khá cao và toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu, thu nhập bình quân đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7%, hệ thống thủy lợi khép kín 100% diện tích; có 1 xã được công nhận xã NTM, các xã còn lại đạt từ 9-15 tiêu chí.

Với tổng nguồn vốn huy động được là 432.207 triệu đồng, chúng tôi tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo đà cho các địa phương nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, huyện đầu tư khoảng 60.476 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông, xây mới các tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 88,206km; nâng cấp 39,951km đường giao thông nông thôn; xây mới và sửa chữa 54 cây cầu. Trong lĩnh vực thủy lợi, tiến hành nâng cấp, sửa chữa đê bao, cống đập đảm bảo phục vụ sản xuất với diện tích 9.219,53ha, chiều dài 377.114m, khối lượng thực hiện 791,391m3, với tổng kinh phí 45.713 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 10.344 triệu đồng.

Về hệ thống điện, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng mới 16 tuyến trung, hạ thế với tổng chiều dài 21.920m, cải tạo 26 tuyến với tổng chiều dài 49.472m và xây dựng mới 7 trạm biến áp, lắp mới và chuyển lưới được 9.333 hộ. Xây mới 6 trường học với tổng kinh phí 113.070 triệu đồng...

Ngoài những thay đổi cơ bản về hạ tầng, theo tôi, cái được lớn nhất mà chương trình XDNTM mang lại chính là đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân. Bà con ngày càng có ý thức trong bảo vệ môi trường như xử lý rác thải đúng theo hướng dẫn, xóa bỏ cầu tiêu cá, hạn chế tối đa việc lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân cũng không còn tư tưởng “mạnh ai nấy làm” mà đã xây dựng các mối liên kết để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hình thức liên kết tương đối đa dạng, bao gồm liên kết giữa nông dân với hợp tác xã; nông dân với doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp… Liên kết được thực hiện cả trong việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đâu là bài học được rút ra sau quá trình triển khai XDNTM, thưa ông?

Theo tôi, khi thực hiện bất kỳ chủ trương, chính sách nào, muốn thành công phải phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn, không trông chờ nguồn vốn từ Trung ương mà tập trung quyết liệt để thực hiện các tiêu chí bức xúc của dân, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó khơi dậy được tinh thần tự lực tự cường và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân trong xây dựng nông thôn mới. Đối với các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì trước hết tận dụng nguồn lực của Nhà nước để tạo đà, đồng thời huy động các nguồn lực khác. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm.

Bước sang năm mới 2016, ông có thể cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành đặt ra những mục tiêu gì, kế hoạch thực hiện như thế nào?

Năm 2016, chúng tôi tiếp tục kiên định với mục tiêu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt chất lượng, hiệu quả; nâng cấp hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn; thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM, thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, sẽ chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng cây ăn trái hoặc cây rau màu. Tập trung cải tạo vườn kém hiệu quả, phát triển diện tích trồng cây ăn trái được quy hoạch theo hướng chuyên canh cây bưởi được quy hoạch trồng tập trung (quan tâm đến cây bưởi da xanh). Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nông hộ theo mô hình trang trại, gia trại; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y. Phát triển thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, phương thức thực hiện chương trình XDNTM; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác này nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên những công trình có ý nghĩa và cấp bách nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, phấn đấu đến cuối năm 2016, Đông Phú được công nhận xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12-17 tiêu chí.

Xin chân thành cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Thành hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ở mức cao nhất.

Thái Đào (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top