Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 12 năm 2020 | 22:59

Chủ động khắc phục nguyên trạng tại các công trình xây dựng vi phạm?

Liên quan đến những dự án, công trình xây dựng sai phạm được người dân phản ánh, nhiều hạng mục tại dự án đang được phía chủ đầu tư triển khai khắc phục trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, còn một số DA khác đang được “hợp thức hóa sai phạm"

Liên quan đến phản ánh của người dân về việc lập dự án nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (chi lưu của sông Thanh Hà, đoạn chảy qua xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) nhưng lại cố tình thực hiện sai thiết kế, khai thác tài nguyên đất sâu xuống lòng suối để đem bán,... Việc làm này của Công ty cổ phần Gạch ngói Hòa Bình (Công ty Gạch ngói Hòa Bình) không chỉ đi ngược lại mục tiêu đề ra của Dự án, mà còn gây ảnh hưởng đến an toàn đê trước mùa mưa bão, khiến người dân địa phương bức xúc, phản ánh nhiều lần lên các ngành, các cấp...
 
Cụ thể, vào tháng 5/2018, Công ty Gạch ngói Hòa Bình có trụ sở tại thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã lập phương án thực hiện đầu tư công trình nạo vét dòng chảy suối Gạo và suối Cái và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Triệu Phát là đơn vị thiết kế Dự án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình phê duyệt vào tháng 8-2018, được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý vào tháng 9-2018. Theo nội dung phương án và biện pháp thi công đã được phê duyệt, dự án nạo vét suối Gạo và suối Cái được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2018-2019, nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo dài 0,65 km, trong đó phạm vi chiều rộng lòng suối cách chân đê từ 10 m đến 15 m mỗi bên, chiều sâu trung bình là 2,5 m; tổng khối lượng nạo vét gần 42 nghìn m3. Giai đoạn 2, nạo vét khơi thông lòng suối Cái dài 2,3 km...
 
Tuy nhiên, công ty đã tự ý thi công khi chưa có giấy phép và không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thi công đã đưa máy múc đất, có chỗ múc sâu tới 6 đến 7 m; khoảng cách tới chân đê không đúng quy định, sai hoàn toàn thiết kế đã được phê duyệt, băm nát lòng suối Gạo. Người dân trong xã phản ánh, việc Công ty Gạch ngói Hòa Bình đến thi công múc đất ầm ầm ở lòng suối mà không thông báo cho nhân dân biết là sai quy định. Giờ đây nhìn lòng suối nham nhở khiến người dân ai cũng xót xa...
unnamed_3-1608031577822.jpg
Lòng suối Cái, suối Gạo trước đó bị Công ty Công ty Cổ phần Xây dựng Toàn Phát khai thác “tận diệt”. Ảnh Trần Hảo
Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao (tên xã mới sáp nhập từ xã Thanh Lương và xã Cao Thắng) xác nhận: Phía Công ty Gạch ngói Hòa Bình thi công sai thiết kế, múc đất mang đi bán gây bức xúc trong nhân dân. Đang múc chỗ này, người dân phát hiện ra ngăn cản lại tiếp tục chuyển sang chỗ khác múc tiếp... Khi xã phát hiện sai phạm, lập biên bản xử phạt theo quy định nhưng phía công ty không chấp hành.
 
Theo Quyết định phê duyệt dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình do Phó Giám đốc Sở Quách Tự Hải ký (nay ông Hải đã nghỉ hưu) thì dự án nêu trên có tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư do công ty tự huy động. Số tiền đầu tư của công ty được tính vào chi phí thiết kế, thi công, nhân công, thuê máy móc của công ty trong quá trình thi công. Nội dung phương án thực hiện là: nạo vét một số đoạn bồi lắng, san gạt, tạo phẳng lòng dẫn chủ lưu nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình. Giai đoạn 1 (2018-2019) tổng số lượng  nạo vét đất cấp II là 41.958 m3; giai đoạn 2 (2019-2020) là: 7.194 m3. Khối lượng đất trong quá trình nạo vét được sử dụng để san lấp mặt bằng tại địa điểm gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh và một số hộ dân, tổ chức có nhu cầu san lấp đầm, ao, cải tạo vườn cây trong khu vực...
 
Tuy nhiên, theo người dân trong xã, Công ty Gạch ngói Hòa Bình đã không nạo vét đúng thiết kế mà còn múc sâu xuống lòng suối rồi lấy đất chở đi nơi khác bán. Tại hiện trường, Ông Quách Công Hữu, người dân thôn Xuân Thanh, xã Thanh Cao cho biết, việc Công ty Gạch ngói Hòa Bình múc đất sai thiết kế để trục lợi, cố tình múc đất đi bán không đúng quy định là không thể chấp nhận được, bởi lòng suối bị múc khoét sâu khi có mưa nước chảy trong núi ra rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của đê trước mùa mưa bão đang đến gần.
 
Mới đây, ngày 14/12, đại diện các cơ quan liên quan gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lương Sơn, UBND xã Thanh Cao, thôn Xuân Thanh cùng các hộ dân đã tiến hành ký biên bản nghiệm thu việc khắc phục sai phạm dự án nạo vét suối Cái, suối Gạo tại Hòa Bình.
 
Theo đó, sau khi kiểm tra việc khắc phục hiện trường công trình, bà con nhân dân thôn Xuân Thanh cùng đại diện các cơ quan liên quan xác nhận Công ty Gạch ngói Hòa Bình (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Toàn Phát) đã khắc phục xong sai phạm theo đúng với phương án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình phê duyệt.

Triển khai lên kế hoạch tháo dỡ phần sai phạm?

Liên quan đến phản ánh của người dân về hàng loạt hạng mục công trình xây dựng trái phép trên một phần thửa đất số 39+40+129+130+135+136+137, tờ bản đồ số 20, ở số 222, đường Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu của Công ty TNHH Việt Trung 1.

Mới đây, ngày 15/12, Công ty TNHH Việt Trung 1 đã ký biên bản tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do công ty này làm chủ đầu tư tại 222, Lưu Chí Hiếu (phường 10, TP.Vũng Tàu).

Theo đó, Công ty TNHH Việt Trung 1 thừa nhận hành vi vi phạm về trật tự xây dựng và cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trong thời hạn 1 tháng (từ ngày 15/12/2020, đến ngày 15/1/2021). Trong quá trình tháo dỡ, Công ty TNHH Việt Trung 1 chịu hoàn toàn trách nhiệm, chi phí, đồng thời gửi kế hoạch tự tháo dỡ đến UBND phường 10 để theo dõi, giám sát.

Trước đó, liên quan đến những sai phạm tại đây, ngày 14/10/2019, UBND phường 10 đã kiểm tra hiện trạng và lập Biên bản vi phạm hành chính số 31/BB/VPHC và Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc đối với việc vi phạm này. Từ đó, UBND phường 10 đề xuất Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu ban hành quyết định (QĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty TNHH Việt Trung 1, do ông Trần Thanh Tịnh làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.

 

131029709_203859651333143_4323778131754012702_n.jpg
Các công trình vi phạm của Công ty TNHH Việt Trung 1.

Ngày 31/10/2019, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP Vũng Tàu có Báo cáo số 2680/BC/QLĐT đề xuất Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu ban hành QĐ xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng này.

Theo Báo cáo số 2680, thửa đất số 39+40+129+130+135+136+137, tờ bản đồ số 20, ở số 222, đường Lưu Chí Hiếu đã được cấp GCNQSDĐ cho Công ty Việt Trung 1 vào ngày 31/12/2002. Tuy nhiên, công ty này đã tổ chức thi công xây dựng 8 căn nhà gỗ “hoành tráng” không có giấy phép. Các công trình đều có kết cấu như sau: Móng BTCT, đá bó nền, khung cột gỗ, xa2 gồ gỗ, vì kéo gỗ, mái lợp ngói. Các công trình trái phép, lần lượt có diện tích là: 10,5m x 19,4m= 203,7m2; 22,3m x 12m=267,6m2; 27,6 m x 20m = 552m2; 30m x 10,4m =312m2; 3,8m x 6,8m = 51,68m2; 69m2; 17,5m x 2 =35m2; 24,9m2.

Theo Phòng QLĐT TP. Vũng Tàu vị trí khu đất thuộc quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu tái định cư Chí Linh (khu 58,8ha), phường 10, TP Vũng Tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 9156/QĐ/UBND ngày 23/10/2001. Theo quy hoạch được phê duyệt thì vị trí khu đất trên thuộc quy hoạch công trình công cộng (chợ bãi đỗ xe), công viên cây xanh và nhà thấp tầng, xây dựng theo dự án đầu tư.

Ngoài ra vị trí thửa đất trên thuộc khu vực đã có QĐ số 7399/QĐ/UBND ngày 8/10/2004 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về việc thu hồi 573.131,2m2 đất tại khu Chí Linh và giao toàn bộ diện tích đất công cho Công ty Quản lý khai thác quỹ đất tỉnh để thực hiện việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi và lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư TP Vũng Tàu. Như vậy trường hợp này phải bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

Cuối cùng phòng QLĐT TP Vũng Tàu đề xuất Chủ tịch UBND TP này phải có QĐ xử phạt hành chính với Công ty TNHH Việt Trung 1, do ông Trần Thanh Tịnh làm giám đốc. Căn cứ pháp lý là Điểm c, Khoản 3, Điều 15; Điều 69; Điều 70; Điều 77 Nghị định số 139/2017 ngày 27/11/2017 của Chính phủ và các tài liệu có trong hồ sơ. Mức xử phạt hành chính bằng tiền là 40 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty này phải tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được QĐ xử phạt. Nếu Công ty không tự nguyện tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định và phải chịu các chi phí tổ chức cưỡng chế. Tùy mức độ vi phạm Công ty còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Thay vì khắc phục sai phạm, một dự án được hợp thức hóa công trình trái phép?

Tháng 7-2019, khi tỉnh Lâm Đồng mới chỉ đồng ý chủ trương thì Công ty Thành Thành Công Đà Lạt đã xây dựng công trình cầu đáy kính khổng lồ ngay bên trong danh thắng Thung lũng tình yêu. Thay vì xử lý sai phạm nghiêm trọng này thì UBND tỉnh Lâm Đồng lại đưa ra chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu vực có công trình sai phạm.

Tính đến nay (tháng 12-2020), công trình này vẫn chưa được cấp phép. Đáng nói, trong chủ trương đầu tư UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra, doanh nghiệp thực hiện công trình không được thay đổi diện tích rừng, tuy nhiên Công ty Thành Thành Công trong quá trình xây dựng đã đốn hạ cây rừng.

Tổng cộng có 27 người lao động Trung Quốc làm việc không phép tại công trình. Tháng 1-2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thì các lao động Trung Quốc đã về nước. Đến thời điểm bị phát hiện, cơ quan chức năng chưa cấp phép sử dụng lao động Trung Quốc cho Công ty Thành Thành Công.

Trong báo cáo gửi đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng lý giải sai phạm của Công ty Thành Thành Công Đà Lạt là “do nôn nóng muốn có sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách trong dịp lễ, Tết nên Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng vừa lập hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch dự án vừa tiến hành thi công công trình khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý”.

Sau đó, UBND TP Đà Lạt cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công đối với công trình. Cũng với quyết định tạm đình chỉ thi công là quyết định xử phạt hành chính Công ty Thành Thành Công số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng cầu đáy kính khi chưa có giấy phép. UBND TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày, nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.

 

05.jpg
Một diện tích rừng thông bên trong danh thắng thung lũng Tình Yêu đã bị đốn hạ để làm cầu đáy kính...

Sau 60 ngày, ông Trần Mến – Chủ tịch HĐQT Công ty Công ty Thành Thành Công – không xuất trình được giấy phép xây dựng nhưng cũng không tháo dỡ. UBND TP Đà Lạt cũng không cưỡng chế tháo dỡ (trong 15 ngày kể từ khi hết thời hạn chờ xuất trình giấy phép xây dựng). Lý do được Công ty Thành Thành Công và UBND TP Đà Lạt cùng thống nhất: “Công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài và phải có đội ngũ thi công, giám sát trình độ cao để thực hiện”.

Từ lý do này, TP Đà Lạt cho doanh nghiệp ngừng tháo dỡ. Đáng nói, UBND TP Đà Lạt cho tạm dừng cũng như gia hạn thời gian tháo dỡ nhưng không có thời gian chấm dứt gia hạn (trong văn bản được ký ngày 1-4-2020). Và chỉ 15 ngày sau quyết định cho hoãn tháo dỡ, ông Phan Văn Đa – phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – gửi văn bản đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ Thung lũng tình yêu, bổ sung cầu đáy kính – công trình được xác định là công trình trái phép trên đất rừng thuộc danh thắng cấp quốc gia – vào phần điều chỉnh của quy hoạch.

Từ các văn bản của UBND TP Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Thành Thành Công đã không tháo dỡ các công trình sai phạm gồm công trình cầu đáy kính khổng lồ và các hạng mục khác liên quan dù đã gần 1 năm trôi qua từ khi sai phạm bị phát hiện.

Tháng 11-2020, ông Phạm S- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các sở ngành phối hợp với Công ty Thành Thành Công đưa ra phương án để tỉnh trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch điều chỉnh quy hoạch tại danh thắng Thung lũng tình yêu.

Khi các sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, Công ty Thành Thành Công Lâm Đồng phối hợp với UBND TP Đà Lạt trưng cầu ý dân việc điều chỉnh quy hoạch. Việc trưng cầu diễn ra đến ngày 10-1-2021. Trong phương án điều chỉnh quy hoạch do ông Trần Đức Lộc, nguyên trưởng Phòng quy hoạch & kiến trúc (Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) thực hiện, cầu đáy kính và nhà đa năng là chủ thể chính của việc điều chỉnh.

Tính từ thời điểm công trình này khởi công đến khi bị đình chỉ là 6 tháng, một thời gian quá dài để có thể phát hiện sai phạm nhưng chủ đầu tư đã qua mặt cơ quan chức năng địa phương TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lẫn đơn vị quản lý danh thắng quốc gia là Bộ VH-TT&DL. Trong quá trình xây dựng công trình trái phép này, Công ty Thành Thành Công Lâm Đồng đã liên tục sai phạm khi phá rừng và sử dụng lao động Trung Quốc trái phép.

 

05-3.jpg
Cầu đáy kính khổng lồ xây dựng trái phép vẫn còn nguyên sau khi bị phát hiện gần 1 năm (ảnh chụp ngày 11-12). Ảnh: Đ.T

Theo Nghị định 139 năm 2017 về xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, chủ đầu tư phải tháo dỡ trong vòng 15 ngày kể từ khi hết hạn xuất trình giấy phép xây dựng (60 ngày) bên cạnh các hình phạt bổ sung. UBND TP Đà Lạt cũng ra quyết định với nội dung như trên vào ngày 15-1, tuy nhiên đến nay sau gần một năm, công ty vẫn không tháo dỡ công trình trái phép cũng như không xuất trình được giấy tờ.

Đáng nói hơn, tỉnh Lâm Đồng đã có những văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ Thung lũng tình yêu với nhiều nội dung nhằm giữ nguyên vẹn công trình trái phép này. Việc điều chỉnh đã được tiến hành, doanh nghiệp và UBND TP Đà Lạt đã phối hợp để lấy ý kiến nhân dân. Đây là quy trình ngược. Thay vì đúng luật: đánh giá tác động môi trường – điều chỉnh quy hoạch – xây dựng thì mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại nhằm hợp thức hóa cái sai. Nếu điều này diễn ra, tiền lệ xấu sẽ được xác lập. Hàng trăm nghìn công trình trái phép sẽ tiếp tục xuất hiện, tàn phá cảnh quan, danh thắng, di sản. Chủ đầu tư thay vì thượng tôn pháp luật thì nghĩ đến ngoại lệ và tin rằng”cứ làm, sai thì hợp thực hóa”.

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top