Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 13:22

Để không bị lừa đảo qua internet: Đề cao cảnh giác!

Kết bạn qua mạng, nhắn tin trúng thưởng, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, lừa chuyển tiền, nhờ mua thẻ (card) điện thoại… là những chiêu trò lừa đảo thông qua internet. Chỉ vì hám lợi, cả tin, thiếu cảnh giác, nhiều nạn nhân đã “ăn quả đắng”.

tr14.jpg
tr14.jpg

 

“Hám lời nên mắc bẫy”

Một nữ công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội) cho biết, thông qua mạng xã hội facebook, cô kết bạn với một người đàn ông tự xưng là chủ doanh nghiệp lớn đang kinh doanh tại Bình Dương. Giữa tháng 7 vừa qua, người đàn ông nhắn tin cho  biết mình đang ở nước ngoài và nói sẽ gửi cho nữ công nhân này một gói quà. 

Sau đó, có hai đối tượng gọi điện thoại xưng là nhân viên hải quan thông báo đến nữ công nhân này và yêu cầu chị đến hải quan để nhận hàng, nhưng phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng mới được nhận quà. Tin là mình có quà thật nên nữ công nhân đã lấy tiền dành dụm mang 14 triệu đồng gửi vào tài khoản của hai đối tượng này. Tuy nhiên, tiền đã gửi nhưng quà không hề nhận được, cô gọi điện đến số máy của hai nhân viên hải quan kia thì đều không liên lạc được.

Nhận được tin nhắn trúng xe SH và phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 200 triệu đồng, mẹ con bà Nguyễn Thị Ngũ (Hà Tĩnh) đã truy cập vào đường link trong tin nhắn, nhập thông tin cá nhân và lấy mã xác nhận. Sau đó, một người đàn ông gọi điện cho con trai bà Ngũ xưng là đơn vị trả thưởng, yêu cầu chuyển 3 triệu đồng lệ phí nhận quà vào tài khoản ngân hàng. Khi được con trai thông báo, bà Ngũ tin lời nên sang nhà hàng xóm vay tiền để chuyển theo yêu cầu.

Thấy nạn nhân “cắn câu”, người đàn ông nói phải chuyển thêm gần 95 triệu đồng nữa mới đủ điều kiện nhận thưởng. Bà Ngũ tiếp tục đi vay tiền để nộp, song vẫn không nhận được quà. Khi gọi điện lại vào số thông báo trúng thưởng, đầu bên kia tắt máy nên bà Ngũ đã báo công an.

Những vụ bị lừa như trên không ít nhưng vì khuôn khổ bài báo, chỉ nêu 2 ví dụ.

Triệt phá nhiều vụ lừa đảo

Ngày 17/11, thông tin từ Công an Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) vừa điều tra, làm rõ và bắt giữ 5 đối tượng về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra của cơ quan CSĐT, các đối tượng trên đã mua các trang web “Sukien26.com”, “Quatang152.com”, “Monqua25vn.com” và thư trúng thưởng Messenger.

Sau khi mua được các trang web trên, các đối tượng thường nhắn tin vào facebook nạn nhân với nội dung đã soạn sẵn: “Xin chúc mừng tài khoản facebook của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ tuần lễ tri ân khách hàng năm 2019” trên trang web “Sukien26.com”, kèm theo mã số trúng thưởng và giải thưởng gồm 1 xe máy Honda SH 150i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 250 triệu đồng và 1 phiếu đổ xăng miễn phí trị giá 5 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Quỳnh Như (sinh năm 1998, trú tại số nhà B5/15J, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, bà Nguyễn Hồng H. (50 tuổi, trú tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đến cơ quan công an trình báo bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook tên “Ankush Lihe” lừa đảo chiếm đoạt 673.800.000 đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Công an TP. Hà Nội nhận được gần 20 đơn, thư tố giác về các hình thức lừa đảo qua mạng internet với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng.

Theo thông tin từ cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, vào tháng 4/2019, đơn vị này nhận được trình báo của chị Trần Thị H. về việc người thân của chị bị chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi nhắn tin cho chị nói đang bị ốm, cần tiền điều trị gấp và nhờ chị H. chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản 3955877 mang tên Nguyễn Thị Thùy Linh. Tin là thật, chị H. đã chuyển số tiền trên cho người thân của mình. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại mới biết mình bị lừa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định và bắt giữ được nhóm lừa đảo trên, chỉ trong giai đoạn từ tháng 7/2018 đến 4/2019, nhóm này đã thành công lừa đảo 30 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 1,4 tỷ đồng.

 

tr14a.jpg

Ngày 18/1/2019, ba đối tượng Mai Xuân Phúc (31 tuổi, trú Duy Xuyên, Quảng Nam); Phạm Thanh Tùng (28 tuổi, trú Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Trần Hà Vỹ (25 tuổi, trú Tây Sơn, Bình Định)  bị khởi tố về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

 

Thủ đoạn tinh vi và kín kẽ hơn là trường hợp của Nguyễn Minh Lương (Hà Nội). Nắm bắt được nhu cầu mua vé máy bay giá rẻ của người tiêu dùng ngày càng cao cũng như lợi dụng các kẽ hở ở tiện ích đặt giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng hàng không, đối tượng đã lên mạng internet đặt vé để lấy mã đặt chỗ rồi quảng cáo bán vé giá rẻ trên Facebook. Tuy nhiên, khi có người mua, Lương nhận tiền của khách hàng nhưng không thanh toán tiền cho hãng hàng không, qua đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.  Theo ghi nhận bước đầu, Lương đã thực hiện thành công hành vi lừa đảo trên với nhiều người và số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 500 triệu đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Theo cơ quan chức năng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội ngày càng tinh vi và phức tạp, các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian, sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được món quà đó thì nạn nhân phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển. Món quà thường được nói là có giá trị lớn để mức phí hải quan cao, khiến nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển một số tiền lớn cho đối tượng lừa đảo. Sau khi được chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chặn tài khoản nạn nhân và tiếp tục lừa đảo đối tượng khác.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo mở ra các page bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu khách mua hàng ứng trước một khoản tiền trước khi giao hàng. Những khách hàng nhẹ dạ, cả tin, sau khi ứng tiền cho các đối tượng lừa đảo thì sẽ bị chặn tài khoản và không thể nào lấy lại tiền.

Hay khi các đối tượng lừa đảo sau khi chiếm được tài khoản mạng xã hội của một người nào đó, sẽ dùng tài khoản đó nhắn tin đến bạn bè, người thân của người đó để nhờ mua card điện thoại. Nhiều người vì tin đó là bạn bè, người thân mình thật nên đã mua card gửi cho các tài khoản này và đã bị mất nhiều tiền.

Hoặc thông qua những thông tin của nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội đã giả mạo thành nhân viên các nhà mạng VNPT, FPT,... hay giả mạo cán bộ công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại lừa nạn nhân chuyển cho chúng một số tiền nhất định.

Lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hành vi lừa đảo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019.

Tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để ngăn chặn lừa đảo qua mạng viễn thông, Bộ sẽ tập trung vào cuộc cùng với các nhà mạng dùng hệ thống chặn, lọc tự động, phát hiện thông minh. Đồng thời, Bộ cũng cung cấp các thông tin, chứng cứ vi phạm của nhà mạng sang Bộ Công an để có biện pháp răn đe, xử lý. Hiện nay, các nhà mạng có quy định rất chặt chẽ về việc cung cấp thông tin cho Bộ Công an, các chi tiết cuộc gọi, thời gian để làm rõ những vi phạm này.

Theo Bộ trưởng Hùng, về lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay, việc chặn, lọc khó hơn, đặc biệt là các mạng xã hội nước ngoài. Vì công cụ để phát hiện những lừa đảo trên không gian mạng, trên mạng xã hội phức tạp và khó phát hiện hơn. Hiện tại chúng ta đã xây dựng được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và năng lực xử lý hiện nay là 100 triệu tin một ngày, Bộ đang đầu tư nâng cấp thành 300 triệu tin một ngày, với công cụ trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể sàng lọc và phát hiện được một số biểu hiện của việc lừa đảo và tiếp theo đó là các biện pháp để xử lý.

Theo cảnh báo của Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), những kẻ tội phạm thường nhắm tới phụ nữ, người già, vì đây là nhóm đối tượng dễ lấy lòng tin nhất. Việc bắt giữ và truy tố các đối tượng lừa đảo chỉ có thể khiến chúng chịu những hình phạt thích đáng, song khó có thể lấy lại được số tiền mà các nạn nhân đã mất cho chúng. Do đó, giới chức trên thế giới cho rằng, điều quan trọng là người sử dụng internet toàn cầu cần đề cao cảnh giác, tránh nhẹ dạ, cả tin sập bẫy “lừa tình, lừa tiền” của loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng kể trên.

 


 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nhập lậu giống gia cầm vẫn diễn biến phức tạp

    Nhập lậu giống gia cầm vẫn diễn biến phức tạp

    Trước tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện và xử lý.

  • Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Ngày 26/5, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên ban hành kết luật điều tra, đề nghị VKS cùng cấp truy tố 22 nguyên cán bộ, công chức ở thị xã Đông Hòa, trong đó có Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND TX Đông Hòa; Lê Tấn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã vì vi phạm về quản lý đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

  • Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

Top