Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 7 năm 2016 | 8:11

Doanh nghiệp “nắm đằng chuôi” - Xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên gặp khó

Doanh nghiệp ra điều kiện buộc người dân phải bồi thường lô hàng nhãn xuất khẩu nếu bị thị trường trả về khiến người dân rất hoang mang.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào chính vụ. Bên cạnh nỗi mừng vui  được mùa nhãn, những người dân ở đây đang lo lắng và luôn ở thế bị động, vì trong hợp đồng ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ có điều khoản: Phải bồi thường toàn bộ sản phẩm nếu không được thị trường nước ngoài chấp nhận.  

doanh nghiep
Mặc dù được mùa nhãn, nhưng người dân vẫn lo lắng trong khâu tiêu thụ.
(Ảnh: Dương Công Chiến)

Xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) thuộc tỉnh Hưng Yên là vùng quy hoạch sản xuất nhãn Vietgap và được cơ quan chuyên ngành của Bộ NN&PTNT cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ với diện tích hơn 20 ha. Trong đó, năm 2015, nhãn Hàm Tử đã xuất khẩu được 8 tạ nhãn chín muộn sang thị trường Mỹ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu hiện có gần 1 ha nhãn chín muộn, được chăm sóc theo quy trình VietGAP để xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc. Năm nay, gia đình ông Nghĩa cùng với gần 100 hộ trong xã đã được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất thế giới này. Mặc dù được mùa nhãn, nhưng người dân vẫn lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

“Khó khăn nhất của các hộ trồng nhãn bây giờ là đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Người dân đã nhiều lần đề xuất trong các cuộc họp, các cấp ngành phải làm sao tìm được đầu ra cho sản phẩm nhãn, làm sao để nông dân sản xuất ra tiêu thụ dễ dàng. Nếu cứ để tình trạng bỏ mặc người dân như hiện nay sẽ rất gay go”, ông Nghĩa cho biết.

Theo người dân địa phương, trước thời điểm thu hoạch nhãn, một số doanh nghiệp xuất khẩu đến khảo sát vùng trồng nhãn và đăng ký thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, chính sách thu mua của doanh nghiệp chưa thuyết phục người dân.

Theo hợp đồng tiêu thụ nhãn, doanh nghiệp thực hiện mang sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng và xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Sau thời gian từ 2 đến 3 tuần, người dân mới được hoàn tiền nhãn. Thế nhưng, nếu hàng cập bến thị trường nước ngoài, thì sẽ phải tiến hành kiểm nghiệm của nước sở tại. Nếu không đạt chất lượng thì toàn bộ lô hàng sẽ bị trả về và người dân phải bồi thường cho những lô hàng này. Do đó, nhiều chủ vườn nhãn vẫn chưa dám ký kết bán hàng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Bư, ở xã Hàm Tử  bày tỏ, để đảm bảo được quyền lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp thu mua cần có những phương pháp kiểm tra kiểm định ngay tại vườn thu hái. Tránh tình trạng, người nông dân thu hoạch và trông chờ, 5-7 ngày sau nhãn bị trả về sẽ gây khó khăn.

“Hợp đồng chúng tôi cam kết sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap. Để việc này được tiến hành tốt cần có máy móc kiểm tra, nếu đủ tiêu chuẩn đưa đi xuất khẩu, nếu không đủ tiêu chuẩn thì thôi, tránh thiệt hại cho người sản xuất cũng như các doanh nghiệp khi phải đi lại”, ông Bư nêu quan điểm.

Hiện, xã Hàm Tử có 470 ha nhãn, trong đó diện tích trồng tiêu chuẩn Vietgap là 14 ha. Năng suất thu hoạch nhãn của xã năm nay dự kiến là 700 tấn và của vùng VietGap là 250 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Phú, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử cho rằng, với việc các doanh nghiệp luôn “cầm đằng chuôi”, người dân lại ở thế bị động khiến nhãn đang gặp khó khăn về đầu ra. Trong khi đó, ý thức của người dân chưa tuân thủ thực hiện đầy đủ quy trình Vietgap để đảm bảo có sản phẩm nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.  

“Nhiều hộ chưa thực sự quyết tâm cao để sản xuất theo quy trình Vietgap đại trà. Để nhân rộng được mô hình Vietgap ra toàn xã hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều bà con chưa tích cực cùng chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, hướng tới đưa vùng nhãn của cả xã Hàm Tử đạt tiêu chuẩn Vietgap”, ông Phú chia sẻ.

Năm nay, tổng sản lượng nhãn dự kiến sẽ thu được của toàn tỉnh Hưng Yên khoảng hơn 40.000 tấn nhãn. Nhãn quả nhãn tươi chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc thông qua các kênh buôn bán nhỏ lẻ, các siêu thị của nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, một số ít được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không ổn định.

Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình quảng bá, kết nối thông tin nhãn lồng Hưng Yên với một số nhà nhập khẩu của các nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặt mục tiêu trong năm tới là hướng đến thị trường EU. Trước mắt, tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai chương trình xúc tiến thương mại thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho mùa nhãn năm nay.

Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, việc đầu tiên trong quy trình tiêu thụ nhãn là phải làm tốt quy trình giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm. Hiện Hưng Yên có 3 chà nhãn, thời vụ thu hoạch nhãn rất dài, không bị áp lực về giá cả, thời vụ. Công tác quản lý giám sát quy trình và kỹ thuật của bà con đến bây giờ tương đối ổn định, nhãn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với diện tích hơn 20 ha nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là con số rất nhỏ trong tổng diện tích 3.000 ha của Hưng Yên. Do vậy, người trồng nhãn lồng Hưng Yên ngoài việc tích cực kết nối với các doanh nghiệp vẫn rất cần sự chung tay hỗ trợ của cả nước trong liên kết hỗ trợ tiêu thụ, đảm bảo cho nhãn lồng Hưng Yên không những được tiêu thụ rộng khắp tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài./.

Theo Chung Thủy/VOV 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top