Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 1 năm 2019 | 15:25

Đổi mới cách làm để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Công tác tập hợp, thu hút nông dân, người yêu nghề vườn tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

1.jpg

GS.TS . Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (người thứ hai từ trái sang) thăm mô hình cam tại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang - Hà Giang).

 

Để làm được điều đó, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội các cấp, giúp nhà vườn liên kết cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (XDNTM).

Đó là khẳng định của GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (HLV), khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn nhân dịp đầu năm mới - 2019.

Tổ chức Hội tiếp tục được củng cố

Năm 2018, mặc dù Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực tự vận động nên các cấp Hội tiếp tục được củng cố và phát triển, đã có 2.837 hội viên mới được kết nạp. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công đại hội và bầu ra Ban chấp hành, Ban thường vụ khóa mới với phương châm “Đổi mới, chất lượng, hiệu quả”.

 Phong trào cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả ở các tỉnh, thành phố tiếp tục được mở rộng, thay thế vườn tạp, chuồng trại canh tác theo kiểu tự cấp, tự túc bằng cây trồng, vật nuôi cho sản phẩm có giá trị hàng hóa. Điển hình là HLV tỉnh Thái Nguyên, 90% số vườn tạp đã được cải tạo; 420ha vườn tạp được TP. Hải Phòng cải tạo thành vườn trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; Trà Vinh chuyển đổi 160ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần  xóa đói, giảm nghèo.

Hơn 50.580 lượt hội viên được tập huấn, dạy nghề. Xây dựng được nhiều mô hình VAC theo hướng an toàn thực phẩm, áp dụng công nghệ cao. Điển hình như: HLV Lạng Sơn xây dựng 85ha hồi sản xuất theo tiêu chuẩn organic. Hội Nghề nghiệp và PTNT Bắc Ninh hỗ trợ 14 trang trại ứng dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân đạt hơn 1,8 tỷ đồng/trang trại. HLV Hà Giang hỗ trợ hội viên tiêu thụ 2.000 tấn cam sành ở tại 4 siêu thị lớn tại Hà Nội...

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn, HLV một số tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS (Participatory Guarantee system) trong sản xuất rau. Đây là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ dựa trên sự tham gia tích cực của các bên có liên quan. Từ đó, làm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhiều điểm sáng

GS.TS. Ngô Thế Dân cho biết, điểm nổi bật của HLV trong năm 2018 là xây dựng vườn mẫu, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM.

Điển hình là Hà Tĩnh, địa phương có cách làm sáng tạo, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân và cộng đồng dân cư trong quá trình XDNTM. Nhờ làm vườn mẫu, thu nhập của người dân tăng lên, có sức lan tỏa lớn trong tỉnh và lan rộng trong cả nước. Mô hình do HLV và trang trại Hà Tĩnh thực hiện có sự chỉ đạo của HLV Việt Nam.

Kết quả, tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tổ chức tại Hà Tĩnh, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao cách làm của Hà Tĩnh, xem đây là cốt lõi của chương trình phát triển nông thôn trong giai đoạn 2 - giai đoạn xây dựng vườn mẫu, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị văn minh.

Năm 2018, HLV còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Liên kết trong phát triển kinh tế vườn - cơ hội, thách thức và giải pháp”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của Sở Nông nghiệp và PTNT, cán bộ, hội viên, chủ trang trại và HLV 5 tỉnh miền núi phía Bắc với 250 đại biểu tham dự. Nội dung diễn đàn được UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao.

HLV đề xuất và đã thực hiện thành công dự án xây dựng mô hình phát triển giống lê mới ở 3 tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, triển khai trong 3 năm (2016 - 2018). Dự án giúp bà con chuyển từ tập quán chọc lỗ, trồng không chăm sóc, nay tiếp thu tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, dần hình thành vùng lê theo hướng hàng hóa.

GS.TS. Ngô Thế Dân cho biết thêm, năm 2018, HLV Việt Nam khôi phục được chương trình hợp tác quốc tế với Tổ chức Phát triển Nguồn nhân lực Nông thôn châu Á (AsiaDHRRA). Trong chương trình này, uy tín của HLV được khẳng định. Trước đây, Hội chỉ là thành viên tham gia, giờ đây, bằng hoạt động sâu sắc của mình, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch HLVVN, vinh dự được bầu làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch AsiaDHRRA. Thời gian qua, Hội đã cử nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tham gia tập huấn, hội thảo về cách phản biện chính sách, làm vườn theo hướng hữu cơ do AsiaDHRRA tổ chức.

Còn nhiều khó khăn

Theo GS.TS. Ngô Thế Dân, khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hoạt động. Mọi kinh phí cho các hoạt động, phong trào, Hội phải tự lo, tự trang trải.

Cùng với đó, hoạt động của HLV các địa phương chưa đồng đều, nguyên nhân do năng lực còn hạn chế, vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách, chậm đổi mới, thiếu năng động, không tiếp cận được các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, các hoạt động dịch vụ để tạo nguồn thu.

Việc phối hợp với các ngành, đoàn thể còn hạn chế, nhất là chưa chủ động làm việc với ngành Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết liên tịch ở các cấp, chưa có kế hoạch trong năm để thực hiện.

Đội ngũ cán bộ chưa ổn định, chưa có đội ngũ chuyên môn giỏi để đáp ứng yêu cầu về chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề.

Nhiều tổ chức Hội ở cơ sở đã quá nhiệm kỳ nhưng chưa tổ chức đại hội.

Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động

Trao đổi về phương hướng hoạt động của Hội năm 2019, GS.TS. Ngô Thế Dân cho biết, thời gian tới, phải làm tốt công tác đại hội các cấp, tìm ra hướng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động để thu hút hội viên, đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại.

Trước đây, Hội được sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy sản (cũ). Các bộ này giao cho Hội triển khai nhiều đề án, trên cơ sở đó được cấp kinh phí. Giờ đây, ba bộ hợp nhất, nguồn kinh phí không còn nữa.

Hiện, Hội phải hoạt động đúng theo nguyên tắc tổ chức của hội nghề nghiệp là tự nguyện, tự lo, tự bươn chải, không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, để Hội ngày một phát triển vững mạnh, cần đi theo 2 hướng.

Một là, phải nắm được nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, để đề ra phương hướng hoạt động cụ thể. Ví dụ: Hiện, ngành Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thì HLV cùng  hội viên, nông dân phải có định hướng rõ ràng. Hội phải tuyên truyền, vận động, tìm kiếm để có doanh nghiệp lo đầu vào (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi…) và đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, phải giúp hội viên, nông dân nâng cao trình độ sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn, sạch bệnh.

Đây là hướng đi thiết thực và hiệu quả, nếu thực hiện được, Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương sẽ ủng hộ và sẵn sàng ưu tiên cho Hội thực hiện các dự án. Qua đó, bản thân các chủ trang trại, nhà vườn hoạt động đơn lẻ hoặc có quy mô đều sẽ có thu nhập ổn định. Liên kết để cùng tồn tại và hướng đến tương lai là cách làm sáng suốt hiện nay.

Hai là, Hội xác định phải xây dựng, phát triển vườn mẫu hữu cơ gắn với khuôn viên sống của hộ gia đình, góp phần bảo vệ đất vườn, môi trường sống trong lành, cung cấp rau, quả sạch cho gia đình và cộng đồng. Áp dụng các biện pháp khả thi phù hợp với điều kiện từng địa phương, làm sao vận động hội viên, nông dân từ làm vườn thông thường sang làm vườn hữu cơ.

Để thực hiện được những định hướng trên, theo GS.TS. Ngô Thế Dân, Hội sẽ cố gắng tuyên truyền thông qua các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, biên tập sổ tay hướng dẫn, đào tạo nghề cho nông dân, trên cơ sở đó nhân rộng các mô hình, giúp hội viên dần làm chủ “cuộc chơi” của chính mình. Cùng với đó, Hội sẽ phối hợp với Hội Hữu cơ, AsiaDHRRA và các Hội có liên quan cùng thực hiện vườn hữu cơ.

Ngoài ra, Hội sẽ vận động, tuyên truyền phát triển vườn đô thị, vườn thành phố cho hội viên. Hiện, mô hình vườn đô thị (trồng hoa, rau trong chậu, giàn, vườn treo) đã được nhiều hội viên phát triển, nhưng Hội sẽ hỗ trợ về kỹ thuật. Muốn làm được việc này, Hội phải tập trung xây dựng mô hình mẫu vườn đô thị (vườn mini) phù hợp với điều kiện từng gia đình, cùng với đó sử dụng công nghệ hiện đại vào mô hình vườn mẫu. Đưa mô hình đó lên trang website, Báo Kinh tế nông thôn để tuyên truyền, nhân rộng.

 

 

 

Hoàng Văn (ghi)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top