Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 năm 2018 | 7:52

Giông tố cuộc đời của một đại gia đình ở Bãi Rạng

Từ khi trở thành công dân Phú Yên (cuối năm 2000) và Bãi Rạng trở thành miếng mồi “béo bở”, đại gia đình ông Trần Khánh Thọ như những con cá đặt trên thớt, trước chảo dầu đang sôi. Giông tố cuộc đời của họ bắt đầu từ năm 2004...

py1.jpg
Một góc Bãi Rạng hiện nay.

 

Năm đời bám trụ nơi Bãi Rạng

Năm 1944, ông Trần Mai, cha ông Trần Khánh Thọ và ông Trần Địch (bác ông Trần Khánh Thọ) từ Bình Định vào vùng đất Bãi Rạng khai phá, lập địa. Hai anh em đến Bãi Rạng như Robinson đến đảo, vừa trốn giặc, vừa khai phá đất hoang, tăng gia sản xuất, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nằm vùng.

Mới 4 tuổi, Thọ đã gắn với sự lao động của cha và bác bên góc biển Bãi Rạng. Lớn lên,  Thọ tiếp tục cùng bác và cha lập nên cơ đồ Bãi Rạng với hơn 10ha vườn dừa, xoài, mít... và cây phi lao chắn gió cát. Tuổi thơ thất học, Thọ chỉ biết lao động và vui đùa cùng sóng cát nơi Bãi Rạng.

Từ năm 1961, Thọ vừa trốn giặc, vừa bám trụ nơi Bãi Rạng cùng cha và bác nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nằm vùng. Địch ngày đêm bắn pháo, máy bay rải chất độc hóa học dọc rừng ven biển, trong đó có Bãi Rạng. Thọ bị nhiễm chất độc da cam, hậu quả hai đứa con anh bị dị tật.

Những năm chiến tranh, Trần Khánh Thọ cùng cha và bác hàng năm trồng hơn 3ha sắn (mì), thông qua cán bộ nằm vùng tiếp tế cho bộ đội. Đến nay đã có 5 đời tộc họ Trần sống nơi Bãi Rạng.

Năm 1969, ông Trần Địch biết mình sắp xa cõi trần, viết di chúc để lại cơ ngơi lập địa của hai anh em ở Bãi Rạng cho ông  Thọ trông nom và sau này con cháu được hưởng.

py2.jpg
Hậu quả chiến tranh vẫn còn nguyên vườn dừa của ông Thọ

 

Bãi Rạng sau 1975

Sau giải phóng (1975), Bãi Rạng thuộc phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn (Bình Định), vẫn bị cô lập, giao thông duy nhất đi bằng đường biển. Từ năm 1980 đến nay, gia đình ông Thọ chủ yếu sống bằng nghề biển và làm nương rẫy tại Bãi Rạng, trên đất 10ha của cha và bác để lại.

Giữa năm 2000, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu hoàn thiện và đi vào khai thác, cũng là lúc dân Bãi Rạng được xác nhập vào thôn 2, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu). Trước năm 2000, gia đình ông  Thọ làm nghĩa vụ thuế đất, nhà ở Bãi Rạng tại phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn). Sau 2000, gia đình ông Thọ tiếp tục làm nghĩa vụ thuế đất, nhà ở Bãi Rạng tại UBND xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu).

Từ cuối năm 2000, đại gia đình ông Trần Khánh Thọ ở Bãi Rạng được tách ra thành nhiều sổ hộ khẩu gia đình gồm: Các con, em rể và cháu. Từ năm 2001-2003, đại gia đình ông Thọ xây dựng 5 ngôi nhà để ở (thay nhà tạm) và ổn định cuộc sống, ổn định nghề biển tại Bãi Rạng.

py3.JPG
Một trong số những cây dương cổ thụ còn sót lại. Trước đây ông Thọ đã từng lấy gỗ dương để đóng tàu thuyền.

 

Giông tố cuộc đời!

Cuộc sống của đại gia đình ông Thọ đang yên ổn, bỗng dưng Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu - ông Đinh Văn Sang - ra các quyết định 464 và 165 ngày 17/3/2004 và Quyết định 1208 ngày 11/6/2004 đối với ông Trần Khánh Thọ;  Quyết định 697, ngày 18/6/2004 đối với ông Trần Khánh Hiển (con ông Thọ). Đây là những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng không có cơ sở pháp lý, không đúng trình tự thủ tục pháp luật.

Theo đó,  ông Sang ra  quyết định cưỡng chế đập phá 5 ngôi nhà của đại gia đình ông Thọ, tịch thu toàn bộ tài sản có trong nhà, kết thúc quá trình cưỡng chế vào ngày 30/6/2005. Chủ trương này của ông Sang không chỉ đại gia đình ông Thọ, mà nhiều hộ dân ở xã Xuân Hải, cũng lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Từ đó đến nay, ông Thọ luôn có đơn khiếu nại, tố cáo gửi lên Trung ương, sau đó được chuyển về tỉnh xem xét giải quyết. Nhưng đến nay, UBND tỉnh Phú Yên chưa có một văn bản chính thức nào về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đại gia đình ông Thọ.

Kỳ sau: Mưu đồ “trục lợi”?

 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
Top