Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2017 | 12:30

Nỗi lo gà bệnh tràn vào Việt Nam

Dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Trung Quốc (TQ). Trước thực tế này,  Bộ Y tế đã gửi công văn khẩn tới UBND 63 tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là gà thải loại mang mầm bệnh có thể vào Việt Nam (VN) theo đường tiểu ngạch, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước vốn đang lao đao.

Người tiêu dùng nên biết cách phân biệt gà ta với gà Trung Quốc. Ảnh minh họa.

100.000 tấn gà thải từ TQ vào VN mỗi năm

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo: “Nhiều nhà quản lý vẫn khẳng định gà TQ khó lọt vào thị trường VN vì giá cao, song thực tế nhiều lô hàng được các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ là hàng nội tạng, chân, cánh gà từ nước này. Vấn đề là khâu quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ  để khẳng định không có gà thải từ thị trường lân cận”.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi VN, gà thải, nội tạng gia cầm đông lạnh, thực phẩm chế biến từ gà vẫn được nhập lậu từ TQ vào VN với mức giá cực rẻ. Tại các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai..., hầu như năm nào cũng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu gà đông lạnh từ TQ vào VN với số lượng mỗi vụ từ vài tấn lên đến hàng chục tấn. Số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chăn nuôi VN cho thấy, trung bình mỗi năm khoảng 100.000 tấn gà thải các loại từ TQ được tuồn vào VN. Ngay những ngày đầu năm nay, tại Hải Phòng cũng đã phát hiện, bắt giữ gần 40.000 quả trứng gà nhập lậu từ TQ.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, lo ngại, ngoài gà nhập lậu theo đường biên mậu, nguy cơ đưa gà thải, gà từ các vùng dịch bệnh vào VN qua con đường tạm nhập tái xuất là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đơn cử vào thời điểm cuối tháng 11/2016, tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đội Quản lý thị trường huyện Hoành Bồ bắt giữ và tổ chức tiêu hủy hơn 1,6 tấn gà nhập lậu từ TQ đang trên đường tuồn vào nội địa VN để tiêu thụ.

Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cho biết, gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu từ TQ về VN hiện đã giảm nhưng vẫn chưa bịt được dứt điểm. Theo ông Khanh, có 3 loại gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ TQ thường xuyên nhập lậu về VN qua các tỉnh biên giới là gà thải loại, gà giống, nội tạng. 

Riêng với gà thải loại, dù không có con số chính xác nhưng lượng gà thải nhập lậu về VN mỗi năm cũng ước đạt khoảng 70.000 - 80.000 tấn.

Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ kiên quyết phối hợp với các bộ, ngành nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới giáp với TQ.

Bộ đang cùng hải quan, quản lý thị trường, công an,... tại các tỉnh biên giới kiểm soát chặt đến từng thôn, bản, khu vực tập kết buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm để phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Rước họa vào nhà?

Theo thông tin được đăng tải trên website của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mới đây đã diễn ra hội nghị song phương chính thức lần thứ tư giữa cơ quan thú y VN - TQ.

Hội nghị bàn nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là thông tin “hội nghị cũng nhằm mục đích xúc tiến việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế; đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con một ngày tuổi từ TQ vào VN cũng như xuất heo thịt và bò từ VN sang TQ”.

Điều này có nghĩa nếu đạt được thỏa thuận thì thời gian tới gia cầm TQcó thể theo đường chính ngạch vào VN. Trả lời báo chí về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông lý giải, phía VN và Cục Thú y  TQ vẫn đang tiến hành đàm phán song phương các vấn đề liên quan đến quy trình trên (nhập khẩu chính ngạch gia cầm từ TQ vào nước ta - PV). Để đi tới một thỏa thuận về thương mại động vật, sản phẩm động vật giữa hai nước còn cần nhiều thời gian và qua nhiều bước.

Trước thông tin VN sẽ mở cửa cho gia cầm TQ, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại. Anh Nguyễn Minh, chủ một trang trại gà ở Đồng Nai, nói lo lắng lớn nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, H7N9... ở TQ vẫn chưa kiểm soát được. Do đó, nếu mở cửa cho gà từ nước này vào nước ta thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chăn nuôi trong nước.

“Không chỉ người chăn nuôi chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng có thể bị đầu độc khi sử dụng nhầm sản phẩm gia cầm bị bệnh, đặc biệt là phụ phẩm như chân, cánh, mề gà… có nguồn gốc từ TQ”, anh Minh nói.

Ông Trần Duy Khanh nêu quan điểm: “Tôi phản đối việc thúc đẩy nhập khẩu chính ngạch gia cầm và sản phẩm gia cầm từ TQ trong thời điểm này. Bởi một số đối tượng sẽ lợi dụng chính sách này để hợp pháp hóa sản phẩm gia cầm đông lạnh tạm nhập tái xuất từ TQ, hoặc hợp pháp hóa sản phẩm tiểu ngạch. Như vậy chẳng khác nào rước họa vào nhà”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho rằng, việc mở cửa cho nhập gà TQ có thể sẽ gián tiếp “tiếp tay” cho gian lận thương mại như tạm nhập tái xuất, mà cụ thể là gà thải, thịt bẩn, thịt “rác”… tuồn vào VN ngày càng nhiều hơn.

“Chiêu núp bóng tạm nhập tái xuất gần đây bị lộ nên thương lái và các công ty TQ tìm các chiêu khác. Vì thế nếu mở cửa cho nhập gà TQ, các công ty TQ sẽ dễ dàng nhập gà loại thải, thịt “rác” giá rẻ từ các nước khác rồi xuất vào VN và “giết” chết ngành chăn nuôi trong nước. Từ đó tôi đề nghị trước khi cho nhập chính thức gà từ TQ thì ít nhất phải kiểm soát được vấn đề tạm nhập tái xuất phụ phẩm gà từ nước này”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Trần Duy Khanh, gà VN hoàn toàn có thể cạnh tranh với gà TQ về giá cả vì con giống, chuồng trại… của ta với TQ gần như nhau. Thậm chí giá lao động VN rẻ hơn thì không ngại gì cạnh tranh với gà TQ. Nhưng điều lo ngại là gà TQ vào VN là gà loại thải và phụ phẩm gà, phần mà các nước khác cho gia súc ăn.

Trong khi đó, theo anh Minh, giá gà thịt TQ cao hơn VN nhiều. “Một nguồn tin tại TQ cho biết, do dịch cúm khiến nguồn cung gà sụt giảm buộc TQ phải nhập khẩu. Giá thịt gà bán tại nước này cao hơn 30% so với giá gà tại VN, còn giá gà con cao hơn giá gà con VN 60%. Như vậy, gà Việt không sợ cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với gà TQ mà chỉ sợ gà lậu, gà gian lận thương mại, gà loại thải…”, anh Minh nói.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ xâm nhập VN, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn, giám sát, trong đó chú trọng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, bao gồm các sản phẩm đông lạnh. Người dân không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm sống, thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm dịch.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top