Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2019 | 16:1

Sự kiện 24/7: EVN lý giải vì sao tiền điện tháng 4 tăng vọt

Vừa qua, nhiều hộ dân sinh hoạt phản ánh kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng mạnh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nguyên nhân để lý giải về vấn đề này.

dien.JPG

Theo EVN, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng do một số nguyên nhân cơ bản sau: Theo quy luật thời tiết, hằng năm thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Theo dõi số liệu sản lượng điện cung cấp từ EVN tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn cuối tháng 3/2019, đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58kWh/ngày tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Cụ thể, khung giá cho đối tượng sinh hoạt bậc thang như sau:

Bậc 1: từ 0 - 50 kWh, tăng từ 1.549 đồng/kWh lên 1.678 đồng/kWh, tương ứng 8,33%. Bậc 2: từ 51-100 kWh, tăng từ 1.600 đồng/kWh lên 1.734  đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 3: từ 101-200kWh, tăng từ mức 1.858 đồng/kWh lên  2.014 đồng/kWh, tương ứng 8,40%. Bậc 4: từ 201 - 300kWh, tăng từ mức 2.340 đồng/kWh lên 2.536 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 5: từ 301 - 400kWh, tăng từ mức 2.615 đồng/kWh lên 2.834 đồng/kWh, tương ứng 8,37%. Bậc 6: từ 401 kWh trở lên, tăng từ 2.701 đồng/kWh lên 2.927 đồng/kWh, tương ứng 8,37%.

Theo EVN, với mức tăng này, trường hợp khách hàng sử dụng 400kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.

Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3). Như vậy, số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng Hè, cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.

Bắt tạm giam ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

batchanhthanhtrabotttt.jpg

Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn. Ảnh Mic.gov.vn

 

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, thực hiện công tác điều tra giai đoạn 2 vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, ngày 25/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Anh Tuấn, sinh năm 1970, trú tại Phòng 1405, nhà 34T, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, hiện là Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hành vi phạm tội của Đặng Anh Tuấn được xác định: Tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ký quyết định số 1718/QĐ-BTTTT “Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet” tại một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện thông tin Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao do Nguyễn Văn Dương điều hành, đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Tip.Club. Đoàn kiểm tra đã đề xuất biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, Đặng Anh Tuấn đã lợi dụng chức vụ là Chánh thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông không tham mưu để Bộ trưởng chỉ đạo xử lý theo đề xuất của Đoàn kiểm tra.

Mặc dù không phải là thành viên Đoàn kiểm tra, nhưng vì ý thức chủ quan của cá nhân, Đặng Anh Tuấn đã ký phiếu trình số 63/Ptr-Ttra, ngày 08/6/2017 đề xuất Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho dừng hoạt động của Đoàn kiểm tra mà không có kết luận xử lý, dẫn đến hoạt động của game bài Tip.Club không được ngăn chặn xử lý kịp thời, để các đối tượng tiếp tục phạm tội trong thời gian dài, thu lời bất chính đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích vật chất của Nhà nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành các biện pháp điều tra mở rộng vụ án, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, sớm đưa các đối tượng ra truy tố trước pháp luật.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thi hành lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Đặng Anh Tuấn.

Mưa đá, tố lốc trong đêm gây thiệt hại trên 5 tỷ đồng tại Yên Bái

Đêm 26/4, nhiều khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa rào, mưa đá và tố lốc, gây thiệt hại nặng nề tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn.

 

mua-bao.jpg

Trường mầm non xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình bị hư hỏng nặng sau mưa lốc.

 

Theo báo cáo của huyện Yên Bình, mưa lốc xảy ra ở hầu khắp các xã trên địa bàn, trong đó các xã Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Bạch Hà, Yên Bình bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thống kê ban đầu, toàn huyện có gần 200 nhà bị hư hỏng, trong đó có 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn.

Một số công trình xây dựng cũng bị hư hỏng gồm: Trường mầm non xã Vĩnh Kiên; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Thác Bà, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Yên Bình; Trạm Y tế xã Yên Bình; Nhà Thờ Trác Đà xã Hán Đà...

Về Nông nghiệp, có khoảng 300ha lúa, ngô, cây ăn quả bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 260ha lúa bị đổ. Ngoài ra, có 9 lồng cá của một đơn bị chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà, thuộc thị trấn Thác bà bị trôi, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại do mưa đá, tố lốc gây ra trên địa bàn huyện trên 5 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn các địa phương đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại do mưa lốc gây ra.

Tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu đi lao động công ích

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ủng hộ các đề xuất trên của lãnh đạo các địa phương và đề nghị đưa vào nội dung sửa đổi các luật, nghị định liên quan nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn thảm khốc do tài xế dùng rượu bia, ma túy.

 

ptt.jpg
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) quý I, triển khai kế hoạch quý II-2019 do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 24/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến- kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tước vĩnh viễn bằng lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn.

Đồng thời xem xét quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải với trường hợp bố trí tài xế có sử dụng ma túy lái xe.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khước - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm giao thông theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe.

Cụ thể là tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người; tước bằng lái xe 3-5 năm với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông; buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe; xử lý lực lượng thực thi công vụ bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm.

Theo trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - vừa ban hành kế hoạch xử lý chuyên đề về vi phạm rượu bia, ma túy vi phạm làn đường, phần đường, dừng đỗ…, thực hiện xuyên suốt trong năm 2019. 

Ông Dũng nhận định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và lái xe sử dụng ma túy là hai việc khó và phức tạp.

"Hiện nay cán bộ, công nhân viên, người lao động đều uống rượu bia rất nhiều và nhiều người vẫn lái xe sau khi uống. Đầu tiên phải vận động, xử lý vi phạm là khâu sau cùng. Nhiều ý kiến cho rằng các đồng chí cứ tổ chức chặn ngay trước quán bia để xử lý người từ quán bia ra mà lái xe đó, cũng là một biện pháp nhưng mà chưa hay lắm, rất phản cảm", tướng Dũng nói.

"Mọi người trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị đều lên án, lái xe thì dứt khoát không được uống rượu bia mới là quan trọng".

Cục trưởng Cục CSGT cũng nói tình trạng không chấp hành người thi hành công vụ rất phức tạp: "Người uống rượu bia, ma túy bất chấp hết, mọi can thiệp của cảnh sát không ăn thua. Một số người quá khích đỗ xe và bỏ đi gây cản trở giao thông nhưng về pháp luật chưa có hành lang pháp lý cho cảnh sát trong trường hợp đó. Nếu quá tay lại vướng ngay pháp luật.

Khi một người dừng xe bỏ đi mà không có các chế tài giao quyền hạn cho người có thẩm quyền thì không cẩu xe đi được, không bắt giữ người ta được vì chưa đến mức hình sự. Khi say xỉn tấn công cảnh sát thì ở các nước sẽ bắt giữ ngay, lúc nào tỉnh rượu mới làm việc. Nhưng ở nước ta, anh em CSGT làm thế thì có chuyện ngay".

Trước lý giải của ông Dũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng việc cần làm là rà soát hành lang pháp lý để rõ ràng hơn. Nhưng phó thủ tướng cho rằng cơ quan công an có thể vận dụng các quy định pháp lý hiện có để xử lý ngay những trường hợp trên, bởi vì hành vi cản trở giao thông là tội hình sự, có thể xử hình sự. Hành vi gây rối trật tự công cộng cũng có thể tạm giữ hành chính.

700 giáo viên ở Quảng Ngãi không được trả lương

 

giao-vien.jpg

Cô giáo dạy học sinh tiểu học ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh.

 

Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Ngãi phản ánh, từ đầu năm đến nay họ không được nhận lương. "Tôi đã đi dạy bảy năm, năm 2017 tôi thi tuyển giáo viên nhưng không đậu, sau đó tiếp tục dạy hợp đồng. Đồng lương ít ỏi nhưng cũng đủ trang trải, nay bị cắt lương khiến cuộc sống tôi khá chật vật", một cô giáo thổ lộ.

Thầy Lữ Đình Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi cho biết, trường có 9 giáo viên, nhân viên hợp đồng, trong đó bảy hợp đồng trường tự ký, hai hợp đồng của thành phố. Từ đầu năm đến nay, kho bạc không đồng ý giải ngân cho các hợp đồng của trường, còn hai hợp đồng của thành phố thì mới được tạm ứng. 

"Không có lương, đời sống của giáo viên rất khó khăn. Hơn nữa, các vị trí khác trong trường như bảo vệ cũng không có lương, trong khi trường có hai cơ sở, cần đảm bảo an ninh", thầy Thành nói. Hầu hết trường tiểu học và trung học cơ sở đều lâm vào tình cảnh tương tự. Để tiếp động lực cho giáo viên đến lớp, các trường linh hoạt tìm những nguồn khác để tạm ứng.

Ông Nguyễn Văn Kiểm - Phó phòng Giáo dục TP. Quảng Ngãi cho biết, thành phố còn thiếu khoảng 200 biên chế nhưng năm qua không tổ chức thi tuyển, hoặc luân chuyển để bổ sung. Trong khi đó, trong xu hướng di cư về đô thị, số học sinh của thành phố ngày càng tăng. Để đảm bảo công tác giảng dạy, Phòng Giáo dục đã kiến nghị UBND TP tiếp tục hợp đồng với giáo viên đến 30/6 tới.

Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 600-700 giáo viên về hưu, chuyển công tác, thôi việc... do đó các huyện, thành phố và trường học bắt buộc phải có giáo viên hợp đồng.

Do bị vướng các quy định, hiện khoảng 700 giáo viên hợp đồng trong tỉnh không có lương vì kho bạc không giải ngân. Cụ thể, theo Nghị quyết 19, các đơn vị sự nghiệp công lập được phép ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.

Trong khi đó, Nghị định 161 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2019 cấm hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, tỉnh phải chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Nếu kho bạc giải ngân thì không có ai chịu trách nhiệm khi kiểm toán nhà nước kiểm tra.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top