Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 4 tháng 3 năm 2018 | 14:36

Sự kiện 24/7: Giám đốc điện lực mất chức vì đi lễ

Đó chỉ là 1 trong số rất nhiều thông tin nổi bật trong lĩnh vực văn hóa – xã hội của tuần qua, khi nhịp sống thường nhật trở lại sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, còn nhiều tin tức đáng chú ý khác, được bạn đọc quan tâm như: việc hạn chế đốt vàng mã, rà soát hàng loạt chức danh giáo sư, phó giáo sư hay nghị định mới của Chính phủ về đơn giản các thủ tục hành chính…

Giám đốc điện lực bị giáng chức vì đi lễ giờ hành chính

Đi lễ trong giờ hành chính, Giám đốc Điện lực Bình Lục (Hà Nam) bị giáng chức
Đi lễ trong giờ hành chính, Giám đốc Điện lực Bình Lục (Hà Nam) bị giáng chức.

Công ty Điện lực Hà Nam vừa ra quyết định kỷ luật khiển trách, miễn nhiệm chức vụ công tác với ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực Bình Lục. Ông Nghị bị điều động làm Quản đốc phân xưởng xây lắp sửa chữa điện - Công ty Điện lực Hà Nam trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 5/3/2018. 

Công ty Điện lực Hà Nam cũng ra quyết định kỷ luật khiển trách với hai phó giám đốc điện lực Bình Lục, phó phòng kỹ thuật, trưởng phòng kinh doanh, đội trưởng đội quản lý tổng hợp hạ thế Bồ Đề...

Một phóng sự của VTV mới đây phản ánh nhiều cán bộ công chức của Điện lực Bình Lục, Hà Nam đi lễ chùa trong giờ hành chính ngày 26/2. Cùng thời gian này tại trụ sở Điện lực Bình Lục, phòng giám đốc, phó giám đốc và nhiều trưởng, phó phòng khoá cửa.

Ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21/2), Thủ tướng đã có công điện yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ chùa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế đốt vàng mã

Đốt vàng mã đang dần bị biến tướng bởi tư tưởng mê tín dị đoan chứ không phải nét văn hóa tâm linh.
Đốt vàng mã đang dần bị biến tướng bởi tư tưởng mê tín dị đoan chứ không phải nét văn hóa tâm linh.

Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc hạn chế đốt vàng mã, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, tập tục đốt vàng mã là một trong những nghi thức gắn với đời sống tâm linh từ bao đời nay. Theo bà Thủy, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, trong những năm gần đây, bộ đã có những văn bản hướng dẫn, đề nghị người dân có ý thức trong việc hạn chế đốt vàng mã.

Bà Thủy khẳng định: Bộ VHTT&DL hoàn toàn ủng hộ, đồng tình với quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã ở những cơ sở thờ tự. Bộ cũng tham mưu việc hạn chế đốt vàng mã tại các di tích. Đặc biệt những năm gần đây những di tích đốt quá nhiều, điển hình như ở đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh.

Liên quan đến việc thu phí tại di tích, căn cứ vào Luật phí và lệ phí cũng như các nghị định quy định, bà Thủy cho biết, qua rà soát tại các địa phương, việc thu phí đều căn cứ theo quy định, không có trường hợp nào vi phạm quy định, thu phí tùy tiện.

Trường hợp thu phí ở Yên Tử, Quảng Ninh, bà Thủy cho biết, đã rà soát và có thông tin. Việc thu phí được HĐND tỉnh ban hành và được thực hiện theo đúng quy định. Cũng theo bà Thủy, việc thu phí đó để có nguồn thu, tái tôn tạo di tích để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương. “Không có vi phạm trong việc thu phí, tăng phí tùy tiện”, bà Thủy khẳng định.

94 trường hợp bị phản ánh chưa đủ tiêu chuẩn phong GS, PGS

Liên quan đến việc phong chức danh GS, PGS tăng đột biến, trong đó có các bộ trưởng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức báo cáo Thủ tướng về việc rà soát chức danh giáo sư. Qua đó cho thấy có những ứng viên chưa đủ đề tài, chưa đủ giờ giảng, chưa đủ bài báo, chưa có nghiên cứu khoa học. Trước mắt báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là có 94 trường hợp bị phản ánh chưa đủ tiêu chuẩn.

Hiện Bộ và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát đánh giá. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là nghiêm túc, đánh giá thực chất. Ngay cả ứng viên báo cáo đủ giờ giảng thì giảng ở đâu, giáo trình nào, có hợp đồng giảng dạy thế nào, thù lao ra sao, chứ không phải giảng dạy rồi viết một cái giấy là “ủng hộ không lấy tiền"… Những việc này Thủ tướng biết hết chứ không phải không biết.

Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Tổng thư ký Trần Văn Nhung lý giải sự tăng mạnh là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.

Ông Nhung khẳng định, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên. Tuy nhiên lời giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.

Tiếp đó, ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ra văn bản yêu cầu thường trực Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát hồ sơ ứng viên, không công nhận ứng viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Trước ngày 28/2, Bộ Giáo dục phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ nhà báo

Thẻ nhà báo cũng nằm trong danh mục các thủ tục hành chính được đơn giản hóa.
Thẻ nhà báo cũng nằm trong danh mục các thủ tục hành chính được đơn giản hóa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Trong đó Nghị quyết mới sẽ đơn giản hóa hơn về thủ tục cấp thẻ nhà báo.

Nghị quyết 16/NQ-CP với nội dung đơn giản hóa liên quan đến 54 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực Bộ TT&TT quản lý, bao gồm: 8 thủ tục lĩnh vực Bưu chính, 12 thủ tục lĩnh vực viễn thông - Internet, 8 thủ tục lĩnh vực Tần số vô tuyến điện, 8 thủ tục lĩnh vực Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; 4 thủ tục lĩnh vực CNTT và điện tử; 3 thủ tục lĩnh vực Báo chí; và 11 thủ tục thuộc lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

Trong lĩnh vực báo chí, Thông tư mới đề cấp 3 thủ tục gồm: đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo in; thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử và thủ tục cấp thẻ nhà báo.

Cụ thể, trong thủ tục Cấp giấy phép hoạt động báo chí in và báo chí điện tử, Nghị quyết mới sẽ thay các thông tin về người dự kiến là Tổng biên tập bằng số định danh cá nhân tại "bản khai sơ yếu lý lịch" theo mẫu hướng dẫn đã có về việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, đặc san.

Một nội dung khác nữa đó là đơn giản hóa thủ tục "Cấp thẻ nhà báo". Cụ thể, sẽ thay các thông tin của người đề nghị cấp thẻ (Ngày sinh, dân tộc, quê quán) bằng số định danh cá nhân tại "Bản khai đăng ký cấp thẻ nhà báo" (Mẫu 01 Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo).

Đà Nẵng chọn dân, đóng cửa 2 nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường

Người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 bao vây nhà máy thép Dana Ý.
Người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 bao vây nhà máy thép Dana Ý.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết UBND TP đã yêu cầu đóng cửa, ngừng toàn bộ họa động sản xuất trực tiếp gây ô nhiễm môi trường đối với 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc (trụ sở tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bắt đầu từ ngày 2/3.

Theo đó, quyết định được đưa ra sau thông báo của Thành ủy Đà Nẵng về kết luận của Ban thường vụ Thành ủy liên quan đến tình hình hoạt động hai nhà máy thép nói trên.

Yêu cầu cũng cho hay các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Doanh nghiệp phải thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.

Theo ông Minh, Đà Nẵng phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường. Do vậy, hai nhà máy thép hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên có nhiều ý kiến của dư luận, ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống của nhân dân và không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Thanh tra thành phố kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhất là tại khu vực lân cận 2 nhà máy thép và báo cáo trong tháng 3/2018.

Sau khi nghe thông báo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 cho biết rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của UBND thành phố. Người dân cũng kiến nghị thành phố cần có những đền bù, hỗ trợ cho họ vì thời gian qua phải ngừng sản xuất nông nghiệp từ khi thành phố có chủ trương di dời dân.

 

Danh Hùng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top