Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 4 năm 2018 | 21:24

Sự kiện 24/7: Nhà ở trên 700 triệu, ô tô trên 1,5 tỷ phải đóng thuế?

Bàn xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, sân bay Long Thành, nhà ở trên 700 triệu, người đầu tư tiền ảo iFan kêu cứu... là những tin nóng nhất tuần.

hieu4037.jpg

Bàn dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM

Ngày 13/4, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp về dự án đường sắt đô thị TP.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để phục vụ sự phát triển TP.HCM, chống ùn tắc giao thông và cũng để sử dụng vốn hiệu quả. Đi liền với đó, phải bảo đảm yếu tố pháp luật của dự án.

Để đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả, khắc phục bất cập, tồn tại hiện nay, Thủ tướng giao UBND TP.HCM tập hợp các hồ sơ có liên quan về đầu tư xây dựng công trình này một cách đầy đủ nhất, theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hồ sơ này và kịp thời trình các cơ quan chức năng thẩm định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoàn thiện báo cáo thẩm định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định các nội dung liên quan như kinh tế, kỹ thuật, tổng mức đầu tư…

Bộ Giao thông vận tải có thể thành lập tổ chuyên gia thẩm định một cách chặt chẽ, đúng pháp luật.

Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và các thủ tục có liên quan khác, trên cơ sở tờ trình của TPHCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng xem xét và từ đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo Quốc hội tại phiên họp gần nhất.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, theo dự toán ban đầu vào năm 2007, tổng mức đầu tư dự án là 17.000 tỷ đồng. Sau đó, liên doanh tư vấn của Nhật Bản dự tính tổng vốn là 47.000 tỷ đồng và đơn vị tư vấn độc lập của Singapore đã thẩm tra dự toán này. Đến nay, tổng tiến độ chung của dự án đạt khoảng 51% và mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.

Nhà ở  trên 700 triệu, ô tô trên 1,5 tỷ phải đóng thuế?

Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về “Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản” mới đây, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần có luật thuế tài sản để đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu thuế tài sản, từ đó tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư.

nha-tren-700-trieu-dong-se-bi-danh-thue-tai-san.jpg

Đại diện của Bộ Tài chính lý giải, ở Việt Nam hiện tại thuế thu hàng năm, trong quas trình sử dụng tài sản chỉ chiếm 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết với đất. Do vậy, cần bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác.

Bộ Tài chính cho biết, về xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có 2 cách, là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.

Với việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Là cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính muốn đề xuất áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.

Từ đó Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà. Theo quy định của pháp luật về xây dựng thị suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2. Khi đó, giá trị xây dựng mới của một căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Do đó Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng hoặc ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng.

Còn về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cũng chủ động đưa ra cách: thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Bộ Tài chính cho biết, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (đánh với phần vượt quá 700 triệu).

Bộ Tài chính khẳng định thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế. Ông Thi cũng đưa ra so sánh với các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân.

Ngoài tài sản nhà ở, đất , công trình xây dựng trên đất sẽ chịu thuế tài sản, Bộ Tài chính cũng đưa ra thêm hai đối tượng để đề xuất đánh thuế là máy bay, ô tô, du thuyền. Đối với tàu bay, ô tô, du thuyền cũng có 2 phương án. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng. Phương án hai là không đánh thuế các đối tượng trên.

Sân bay Long Thành sẽ khởi công vào cuối năm 2019

long-thanh.JPG
Phó Thủ tướng đi kiểm tra địa điểm dự kiến xây dựng khu tái định cư - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Làm việc về công tác chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành sáng 12/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ trên tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ dự án, khởi công xây dựng sân bay vào cuối năm 2019.

Tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2017 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần và thông qua một số chỉ tiêu của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức rà soát, hoàn thiện nội dung Báo cáo; trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều cuộc làm việc để thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án.

Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt báo cáo này hiện đang bị chậm. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước báo cáo kết quả thẩm định trước ngày 15/4/2018. Vừa qua, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai giải trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định trước khi Chính phủ trình Quốc hội, ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sân bay quốc tế Long Thành là sân bay nằm trong quy hoạch tổng thể hệ thống hạ tầng hàng không, là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ trở thành cửa ngõ hàng không lớn nhất ở khu vực phía nam, đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách, hàng hoá phục vụ cho khu vực động lực kinh tế Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành còn giúp giảm tải cho Tân Sơn Nhất vốn đang bị quá tải.

Ghi nhận, biểu dương lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành đã rất quyết liệt, tích cực trong triển khai thực hiện các công đoạn chuẩn bị dự án thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá việc thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng còn chậm so với tiến độ, trong đó phần lập, thẩm định và phê duyệt dự án hiện chậm tiến độ khoảng 4 tháng.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai hoàn thiện sớm hồ sơ dự án, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền nếu có. Trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Dự án tổng thể phải được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019, trước đó phải trình Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Chính phủ để cho ý kiến, do đó Bộ Giao thông vận tải căn cứ mốc tiến độ để triển khai nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện yêu cầu được giao”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tiền ảo IFan - cách làm cũ - người chơi mới - thiệt hại nặng nề

32.000 người tham gia đầu tư dự án tiền ảo IFan do Công ty cổ phần Modern Tech “đẻ” ra, để rồi bị lừa mất 15.000 tỉ đồng - đây là cú lừa ngọn mục, với mức thiệt hại lớn.

ifan.jpg

Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin giống như một loại cổ phiếu có giá trị, với giá 1,6-2,6 USD/iFan; đồng thời cam kết với nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.

Để tạo ra niềm tin, Modern Tech giới thiệu Ifan là dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo Luật pháp Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Người đầu tư được cam kết rằng giá trị Ifan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sỹ nổi tiếng tại Việt Nam.

Còn Pincoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Chưa kể, thời gian đầu Modern Techchi trả tiền cho người đầu tư rất đàng hoàng, nhưng thực tế là lấy tiền người sau trả cho người trước.

Đây không khác gì một hình thức đa cấp nhưng vẫn lôi kéo được cả đám đông lao vào như con thiêu thân bất chấp mọi thứ rất lỏng lẻo, tính chất pháp lý không có.

Và khi số tiền thật đổ về quá nhiều, thì các ông chủ Modern Tech biến mất để lại đống tiền ảo vô giá trị cho nhà đầu tư. Lúc này hàng ngàn nhà đầu tư mới vỡ mộng mình đã mua vịt trời và vịt trời bay mất!.

Lúc này đã có hơn 32.000 người tham gia với số tiền đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.

Từ trước đó, Nhà nước cũng đã nói rất rõ là “tiền ảo” không có giá trị giao dịch thanh toán, và hành vi phát hành những loại tiền ảo này cấm thực hiện tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa mọi người biết rằng tham gia vào những hình thức này không được pháp luật bảo vệ và chịu nhiều rủi ro.

Ngay cả những người tham gia cũng thấy rất rõ các giá trị quy đổi tiền ảo thành tiền thật không dưa trên cơ sở pháp lý nào, và chuyển tiền ảo thành tiền thật lấy từ nguồn nào.

Vậy chỉ có thể lý giải việc tham gia vào mô hình này xuất phát từ lòng tham, và mơ một giấc mơ “làm giàu qua một đêm”, mà không cần phải bỏ thời gian, trí tuệ và công sức lao động.

Nhiều chuyên gia, luật sư nhìn nhận, vụ việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ việc đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin đơn giản bởi một chữ... “tham”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Chỉ thị cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo (sau đây gọi tắt là tiền ảo), cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, phụ thuộc vào chức năng nhiệm vụ của mình kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật từ đó hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội.

Cao Bằng nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu từ UNESCO

Ngày 12/4, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC).

ban-gioc-re.jpg
Thác Bản Giốc, một địa danh nổi tiếng của Cao Bằng 

Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 CVĐCTC UNESCO ở 35 quốc gia.

CVĐCTC UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một CVĐCTC UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc... song song với phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm phát huy giá trị của CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top