Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 2 năm 2016 | 8:59

Xâm nhập mặn: Cần khắc phục ngay trước khi quá muộn

Chiều nay (29/2), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2. Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp.

Xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng

Mỗi năm, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại gia tăng.

Trả lời báo chí về vấn đề xâm mặn, hạn hán rất gay gắt trên cả nước, mang tính chất lịch sử, Chính phủ sẽ có giải pháp thế nào để ngăn chặn tình trạng này cũng như có chiến lược lâu dài hơn?

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định cho biết: Tôi muốn các nhà báo chung tay chung sức vào việc thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt và lâu dài.

Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng, kể cả khu vực Bắc Trung Bộ. Dự báo các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… sắp tới cũng có thể hạn hán bởi El Nino đang kéo dài trong nhiều năm, cực kỳ nghiêm trọng. Tại khu vực Nam Trung Bộ, vụ Đông Xuân năm 2016, đã có tổng cộng 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước và trong năm 2016 dự kiến có 40.000ha phải dừng sản xuất do thiếu nước và 50.000 dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vụ Đông Xuân có trên 2.800 ha đất phải dừng sản xuất, tháng 4/2016 dự kiến có 180.000ha thiếu nước và 25.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Khu vực ĐBSCL xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức độ cao hơn mức độ trung bình hằng năm và vào sâu trong đất liền 90km, nặng hơn mọi năm – sâu hơn 10-20km. Dự báo trong thời gian tới còn nặng nề hơn, bây giờ chưa phải đỉnh điểm, tháng 3-4, thậm chí đến tháng 5-6 mới là đỉnh điểm. Dự kiến vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2015, ĐBSCL có 90.000ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000 ha. Vụ Đông Xuân năm 2016, có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng, dự kiến trong thời gian tới diện tích bị ảnh hưởng là 340.000ha, tính ra một nửa diện tích ĐBSCL.

Giai đoạn 2016-2020 cần 55.000 tỷ đồng chống xâm nhập mặn

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định cho biết thêm về giải pháp của Chính phủ: Từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về vấn đề này, Bộ NN&PTNN đã ban hành chỉ thị của Bộ vào ngày 23/10/2015 về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 về các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Ngay sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 22/02 và Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 25/02/2016).

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyên Khắc Định.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, các địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng rất tích cực tham gia vào việc này.

Mới đây, ngày 24/2 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng cho 6 tỉnh Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè-thu năm 2015.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 02/2016, Chính phủ cũng đã thảo luận, đề ra các chủ trương, giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Về giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Chính phủ ghi nhận những phương án của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, đánh giá tình hình khí tượng thủy văn; có các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài với hạn hán và xâm nhập mặn. Kịp thời hỗ trợ cứu đói, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn, xâm nhập mặn; đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng, điều chỉnh cơ cấu cây trồng mùa vụ phù hợp; tăng cường các biện pháp để bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Bộ NN&PTNN cứ 15 ngày hoặc ít hơn lại có một bản đồ thể hiện xâm nhập mặn đã tới đâu, dự báo sẽ tới đâu để phổ biến, đưa tới cấp xã để địa phương phòng ngừa, người dân chủ động ứng phó. Tăng cường phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan, người dân biết và chủ động phòng tránh, khắc phục. Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người, cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nước nuôi trồng thủy sản, nước cho các khu công nghiệp, có lộ trình ưu tiên cho từng đối tượng. Rồi có những biện pháp mạnh hơn như đắp đập, ngăn mặn, khoan giếng, đào kênh, đặt ống để dẫn nước từ chỗ có nước đến chỗ không có nước. Nếu không có nước thì sẽ chở nước từ nơi khác tới cho nhân dân uống và sinh hoạt.

Sẽ điều chỉnh cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ với tầm nhìn dài hạn không chỉ trong năm nay, mà còn kéo dài trong nhiều năm theo hướng chuyển dịch mùa vụ. Phải tăng cường dự báo, khi nào có nước thì chuẩn bị xuống giống. Rồi phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước và hiệu quả. Bộ NN&PTNT tính 1ha lúa nước mất 10.000m3 nước, nhưng 1ha cây trồng khác, kể cả cây lâu năm, mất 2.000-3.000m3 nước mà hiệu quả kinh tế vẫn tốt, hoặc chúng ta chuyển sang chăn nuôi sẽ sử dụng ít nước hơn.

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp và sẽ tiếp tục phối hợp để điều tiết nước, bổ sung nước cho hạ du, cân đối, bảo đảm nhu cầu nước cho cả vụ mùa 2016. Chúng ta chỉ xả mức độ thôi, nếu chúng ta phung phí có thể đẩy được mặn một chút, nhưng đến tháng 5-6 không còn nước để xả nữa, lúc đó đỉnh điểm mặn lên là khó khăn. Vì vậy hai Bộ phối hợp với nhau chặt chẽ, vừa rồi làm tương đối tốt và vẫn đang tiếp tục làm.

Với tình hình như vậy, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng bổ sung 623 tỉ đồng cho 39 tỉnh để ngăn mặn, chống hạn. Bộ tiếp tục đề nghị mở rộng các đối tượng ra, đắp đập, đào ao, chuẩn bị nước sinh hoạt cho dân, dự kiến lâu dài giai đoạn 2016-2020 cần 55.000 tỷ đồng cho việc này. Bộ đã kiến nghị và Thủ tướng đã chỉ đạo coi đây là việc mà cả hệ thống chính trị, các bộ, các ngành phải xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, cả trước mắt, cả cơ bản, lâu dài. Vì vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm tốt những nội dung mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo. Trước hết phải tập trung lo nước uống, nước sinh hoạt cho dân, rồi mới đến nước sản xuất. Giao cho ngành y tế lo việc phòng chống dịch bệnh vì thiếu nước sẽ sinh ra nhiều dịch bệnh. Các địa phương, các ngành, các cấp tập trung ngăn mặn, dưỡng ngọt, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi… Trước mắt phải hỗ trợ người bị thiệt hại, đã có quy định của Chính phủ (Quyết định 142); cụ thể, 1ha lúa bị thiệt hại hỗ trợ 2 triệu đồng, một con trâu, con bò chết hỗ trợ 4 triệu đồng…

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cấp tiền cho các địa phương, trong lúc Bộ Tài chính chưa kịp cấp thì các địa phương cứ lấy ngân sách địa phương giải quyết ngay cho dân. Còn về kinh phí lâu dài, Thủ tướng cũng chỉ đạo cái gì đã có quy định của Chính phủ rồi không phải hỏi lại, Bộ Tài chính cứ thế cấp và địa phương cứ thế ứng, còn những vấn đề về lâu dài thì Bộ NN&PTNT có đề xuất cụ thể, đi vào từng danh mục, dự án và Thủ tướng sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần tuyên truyền mạnh, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp có khả năng vào cuộc thì vào cuộc giúp cho nhân dân khôi phục sản xuất, vì đất bị ngập mặn sau này khôi phục lại rất khó, không chỉ thiệt hại trong một năm mà rất nhiều năm.

Dương Thanh

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top