Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 12 năm 2018 | 14:1

Xuất khẩu cá tra Việt Nam: Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã mang về hơn 2 tỷ USD. Trung Quốc sau một thời gian là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của nước ta, nay xuống vị trí thứ 2 và trả lại ngôi đầu bảng cho thị trường Mỹ.

tr6.jpg

Dấu hiệu tích cực

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước. 

VASEP nhận định, đây là dấu hiệu  tích cực đối với xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2018. Mức tăng trưởng liên tục khả quan này đã giúp Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Đây là dấu hiệu rất tích cực đối với xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2018. VASEP dự báo, mức tăng trưởng còn tiếp tục trong tháng còn lại của năm 2018.

Như vậy, mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đã đẩy Trung Quốc - Hồng Kông xuống vị trí thứ 2 trong top thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có sự tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nhu cầu thị trường ổn định và giá bán cá tra tăng lên đáng kể. Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang ngày càng rõ nét hơn khi ngành này cùng lúc nhận được hai tin vui trong tháng 9/2018. 

Đó là việc Cục kiểm tra An toàn thực phẩm Mỹ đề xuất dự thảo lấy ý kiến công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes (bộ cá da trơn, bao gồm cá tra, ba sa…) ở Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Mỹ. 

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017, với mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. 

Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13 (3,87 USD/kg). Dù mới là kết quả sơ bộ, song đây được xem là tín hiệu tích cực với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. 

VASEP cũng cho biết, các doanh nghiệp cá tra nhận định, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, thị trường láng giềng thuận lợi trong hoạt động giao thương và nhập khẩu đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên, thị trường này ẩn chứa nhiều rủi ro. 

Nhiều chuyên gia trước đó dự báo, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường rộng lớn này sẽ “hạ nhiệt” trong năm 2018-2019. Thực tế, tính hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 482,8 triệu USD, chiếm 23,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2017. 

Cùng với Indonesia, Trung Quốc cũng đang tích cực nuôi thử nghiệm cá tra thịt đỏ tại một số vùng để trước mắt phục vụ thị trường nội địa, thêm nữa, tăng sản lượng xuất khẩu cá tra bên cạnh sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Cần Thơ), sau nhiều năm khó khăn, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra hiện nay khá tốt. Cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp là không có nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy, các nhà nhập khẩu muốn có hàng để bán phải đặt cọc trước để nhà máy sản xuất. Sản phẩm cá tra của chúng ta hiện nay  dễ bán, hoàn toàn khác với thực trạng cách đây mấy năm tiêu thụ khó khăn, doanh nghiệp cạnh tranh phá giá lẫn nhau. Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho biết, một số doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng vì nguyên liệu khan hiếm.

Theo ông Kịch, năm 2015, sản lượng cá tra tăng “nóng” đạt tới 1,8 triệu tấn, cung vượt cầu nên cả ngành lỗ nặng. Từ đó diện tích nuôi và sản lượng giảm mạnh nên giờ giá cá tra tăng trở lại. Về góc độ thị trường, hiện sản lượng các loại cá thịt trắng khai thác cùng phân khúc giảm. Do đó, các nhà nhập khẩu tìm đến chúng ta nhiều hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng kéo giá tăng. Với tình hình hiện tại, giá cá tra sẽ duy trì trong khoảng 30.000 - 37.000 đồng/kg đến hết năm 2019.

Hiện, sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ còn khoảng 52% tổng nguồn cung toàn cầu. Việt Nam dù vẫn chiếm sản lượng áp đảo nhưng so với những năm trước, ngành này ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “mới nổi”. Tuy nhiên, ngành cá tra “non trẻ” của các nước trong khu vực khó cạnh tranh với ngành cá tra đã “trưởng thành” của Việt Nam từ nuôi trồng đến chế biến.

Ông Kịch phân tích: Họ đã nuôi nhiều năm rồi nhưng chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu rất ít vì khó cạnh tranh về giá và chất lượng với cá tra Việt Nam. Chúng ta có lợi thế tự nhiên là dòng sông Mê Kông đổ ra biển, là điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển nghề nuôi cá tra mà không nơi nào có được. Cùng là cá nuôi nhưng Việt Nam nuôi không có mùi tanh và màu trắng rất đẹp, trong khi các nước cá có mùi tanh và thịt vàng.

Vẫn còn khoảng tối

Tuy được đánh giá có nhiều “điểm sáng” nhưng ngành cá tra Việt vẫn còn những  “điểm tối”. 

Có thể kể đến câu chuyện cung - cầu đã trở thành vòng lẩn quẩn rất khó kiểm soát của ngành cá tra. Việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong suốt thời gian dài kích thích nông dân tăng diện tích và hiện tượng này đang diễn ra đặt ngành cá tra trước nguy cơ thừa cung cũng đang gây quan ngại.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) Dương Nghĩa Quốc đề xuất: “Về phía quản lý nhà nước, cần đưa ra những tiêu chí ràng buộc khu vực nuôi nhằm quản lý về mặt sản lượng. Muốn nuôi phải đáp ứng được điều kiện là phải có hệ thống xử lý nước thải; về phía ngân hàng, chỉ nên khuyến khích cho vay theo mô hình chuỗi liên kết, hạn chế cho vay tự phát bên ngoài. Ví dụ, chỉ cho doanh nghiệp và nông dân vay khi có tham gia liên kết chuỗi nhằm hạn chế nuôi tự phát, có thể dẫn đến mất kiểm soát nguồn cung”.

Còn theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT của Vĩnh Hoàn Corp, các cơ quan nhà nước cần có quy hoạch hợp lý vùng nuôi cá tra và các loài khác, có cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi và có dự báo cho người dân và doanh nghiệp. Các khâu trong chuỗi giá trị nuôi cá tra cần ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược và hình ảnh cá tra Việt Nam độc đáo, khác biệt với các nước. Từ đó xây dựng mức giá hợp lý để chuỗi phát triển bền vững, phù hợp với sự chịu đựng của thị trường trong tương quan với các loài cá thịt trắng khác cũng như sự tham gia sản xuất cá tra của các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), một số doanh nghiệp nhập khẩu cá tra Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang đầu tư nuôi cá tra tại Trung Quốc và tính toán cho hoạt động xuất nhập khẩu cá tra trong tương lai. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cá rô phi Trung Quốc bị “thất thế” nặng nề trên thị trường xuất khẩu lớn Mỹ, do vậy, các công ty Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang nuôi cá tra.

“Điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang lo lắng là chất lượng thịt cá tra nuôi tại nước này thấp hơn nhiều so với Việt Nam và thịt cá tra có màu vàng. Những động thái Trung Quốc đầu tư nuôi cá tra cộng với những tính toán khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra từ Việt Nam cũng là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên cân nhắc”, Vasep cảnh báo.

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, thực tế sản lượng cá tra năm nay không được dồi dào như những năm trước là do khan hiếm cá giống, tỷ lệ cá giống có thể sinh trưởng bình thường thấp hơn so với mọi năm, dù người dân bị kích thích bởi giá cá tăng mạnh từ đầu năm nhưng sản lượng cá nguyên liệu vẫn không thể gia tăng được. Do đó, giá cá trên thị trường vẫn giữ ở mức cao trong suốt thời gian dài, không như các năm trước.

Diễn biến sản lượng cá nguyên liệu trong năm nay cùng với tình hình cá giống như hiện nay nên chưa thể có nhiều cá nguyên liệu trong giai đoạn cuối năm cũng như quý I/2019. Phải chờ Chương trình giống 3 cấp Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa mới khởi động, sau đó mới cân đối lại lượng cá giống có chất lượng đưa ra thị trường ổn định.

Chính vì vậy, giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao và người dân phải làm sao  tiếp cận được nguồn cá giống đảm bảo tỷ lệ sinh trưởng và chất lượng an toàn. Nếu không có được nguồn giống tốt, ổn định tỷ lệ hao hụt, sẽ ảnh hưởng đến thời vụ và sản lượng của người nuôi cá. “Thị trường cá tra nguyên liệu được dự báo tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay cho đến tháng 4 hoặc tháng 5/2019”, ông Hoè khẳng định.

 

Tính đến hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam) đạt 217,8 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang bốn thị trường lớn nhất là: Hà Lan tăng 29,6%; Anh tăng 1%; Đức tăng 7,1% và Italy tăng 56,2%.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam là ASEAN cũng đang trên đà tăng trưởng dương trong 11 tháng  năm nay khi 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan, Singapore và Philippines có giá trị tăng lần lượt 48,1%, 25% và 39,3% so với cùng kỳ.

Với tốc độ như hiện tại, VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ trong năm 2018.

 

 

 

 

 

P.V (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top