Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 6 năm 2017 | 8:15

Yêu cầu của UBND tỉnh Yên Bái có phù hợp?

KTNT - Sau khi đăng bài: “Dinh cơ “đồ sộ” của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái”, Báo Kinh tế nông thôn nhận được Văn bản số 1163/UBND-VX của UBND tỉnh Yên Bái về việc phối hợp nội dung phản ánh về chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại phường Minh Tân, TP.Yên Bái (diện tích này do bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, đứng tên). Ngoài việc cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra sự việc trên, văn bản này còn đề nghị các cơ quan báo chí tạm thời không tiếp tục đưa tin…

>> Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói về "biệt phủ" rộng 1,3 ha đứng tên vợ Giám đốc Sở TNMT

>> Dinh cơ “đồ sộ” của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái

Văn bản của UBND tỉnh Yên Bái đề nghị báo Kinh tế nông thôn dừng thông tin.

Đề nghị báo chí tạm dừng thông tin

Nội dung Văn bản số 1163/UBND-VX nêu rõ: Trong những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải tin, bài liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài sản trên đất đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (là vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP. Yên Bái.

Qua thông tin phản ánh của báo chí và báo cáo của các cơ quan chức năng của tỉnh, ngày 8/6, UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai; việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng đối với gia đình bà Hoàng Thị Huệ, sử dụng đất tại tổ 42, tổ 52, phường Minh Tân, TP.Yên Bái. Theo đó, ngày 9/6, Thanh tra tỉnh Yên Bái có Quyết định số 71/QĐ-TTr  tiến hành thanh tra các nội dung trên.

“Để quá trình thanh tra được tiến hành thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo công bằng, khách quan, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí tạm thời không tiếp tục đưa tin, bài về vụ việc nói trên. Sau khi kết thúc thanh tra, UBND tỉnh Yên Bái và Thanh tra tỉnh sẽ công bố công khai kết quả thanh tra đến các cơ quan thông tin, báo chí theo đúng quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) cho rằng, hoạt động của báo chí trước hết phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, trong đó báo chí là đối tượng quy định của Luật Báo chí.

Luật Báo chí không có quy định nào nói rằng, trong quá trình các cơ quan đang xác minh giải quyết thì không đưa tin. Ở đây vấn đề là đưa tin để phản ánh về quá trình giải quyết sự việc để cho người dân biết, bảo đảm mọi thông tin, mọi sự việc trong xã hội để người dân biết, giám sát và kiểm tra.

“Nếu như nội dung công văn thể hiện quan điểm yêu cầu các cơ quan báo chí không được đưa tin, tôi cho rằng không phù hợp. Bởi vì như đã nói, pháp luật không cấm cơ quan báo chí không đưa tin quá trình đang điều tra xác minh vụ việc”, đại biểu Chiến nêu.

Ông Chiến cũng nhấn mạnh, Luật Báo chí quy định các cơ quan, tổ chức cá nhân phải đảm bảo điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện tác nghiệp, hoạt động nghề nghiệp của mình.

Trả lời câu hỏi, việc UBND tỉnh Yên Bái ra công văn yêu cầu các cơ quan báo chí tạm thời không đưa tin, bài về vụ việc có được xem như là đang hạn chế tác nghiệp của báo chí hay không, ông Chiến cho rằng, báo chí đang thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật thì không có lý gì mà đưa tin “không sai tự nhiên phải dừng bởi một công văn của cơ quan nào đó”.

Một góc dinh cơ “đồ sộ” của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Hơn 13.000m2 đất rừng thành… đất ở

Tìm hiểu được biết, từ tháng 7/2015, UBND  TP.Yên Bái đã có nhiều quyết định liên tiếp cho phép chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Trong 7 quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà UBND TP.Yên Bái ban hành, có tới 6 quyết định được ký trong 1 ngày, đồng ý cho hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang “đất ở” cho bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).

Cụ thể, ngày 20/7/2015, ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch UBND TP.Yên Bái ký các quyết định số 2356; 2357; 2358; 2359; 2360; 2361/QĐ-UBND cho phép chuyển đổi 13.272m2 đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất thủy sản thành đất ở đứng tên bà Hoàng Thị Huệ.

Ngày 02/6/2016, ông Nguyễn Yên Hiền tiếp tục ký tiếp Quyết định số 1639/QĐ-UBND để chuyển đổi 308m2 cho gia đình ông Quý.

Ở một diễn biến khác, vào năm 2014, hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được UBND TP.Yên Bái cấp cho bà Hoàng Thị Huệ, cụ thể:

Ngày 23/6/2014, ông Trần Xuân Thủy, Phó chủ tịch UBND TP.Yên Bái, trong 1 ngày đã ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất ở Tờ bản đồ số 47, gồm thửa đất số 09, diện tích 250m2 với mục đích sử dụng làm đất nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng đến hết ngày 23/6/2034; thửa đất số 06 với diện tích 400m2, sử dụng làm đất ở đô thị (ODT); thửa đất số 05 với diện tích 933m2, được sử dụng đến hết ngày 23/6/2064 để trồng cây lâu năm khác.

Cũng trong ngày 23/6/2014, tại Tờ bản đồ số 4, thửa đất số 155, UBND TP.Yên Bái cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 25.966m2 đất rừng sản xuất tới năm 2064 cho bà Hoàng Thị Huệ.

Ngày 22/3/2016, ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch UBND TP. Yên Bái, tiếp tục ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 300m2 đất ở đô thị tại Tờ bản đồ số 4, thửa đất số 450 cho bà Hoàng Thị Huệ.

Tại Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 12/5/2014 của UBND tỉnh Yên Bái, phần “Quy mô diện tích dự kiến thực hiện” ghi là 2,98ha, trong đó đất trồng lúa là 0,3ha, đất khác là 2,68ha… Quyết định cũng ghi rõ, thời gian thực hiện và hoàn thành là năm 2016.

Như vậy, gia đình ông Quý đã đi trước “người dân” một bước, khi tháng 7/2015,  hoàn thành việc chuyển đổi mục đích và trong số 2,68ha “đất khác” mà tỉnh quy hoạch cho phép người dân chuyển đổi thì gia đình ông Quý đã chuyển đổi hơn 1,3ha (chiếm gần 50% diện tích).

Thanh tra phải đảm bảo khách quan

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng, không chỉ báo chí mà ngay cả người dân khi thấy khu “biệt phủ” của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng phải suy nghĩ.

Ông Đạt cho biết, việc Thanh tra tỉnh Yên Bái đang tiến hành thanh tra các vấn đề liên quan đến khu dinh cơ “khủng” của gia đình ông Quý là đúng theo phân cấp quản lý cũng như quy định của pháp luật.

“Sau khi có kết luận thì báo chí có thể hỏi thêm về nguồn gốc tài sản ở trên đó cũng như tài sản này có được kê khai hay không?”, ông Đạt nói.

Trước những lo ngại việc ông Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái), Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra liệu có thực sự khách quan? Ông Đạt cho rằng chưa có căn cứ để nói khách quan hay không.

Theo ông Đạt, dư luận có ý kiến về khu đất và nhà của ông Giám đốc sở nói trên là có cơ sở.

“Vì sao một ngày có tới 6 quyết định ký chuyển đổi đất như vậy? Liệu nếu là người dân có được như thế không? Ngoài ra, những tài sản đó nguồn gốc ở đâu? Có được kê khai hay không?”, ông Đạt cho rằng, những việc này cần phải làm rõ ràng.

Theo Quyết định số 71/QĐ-TTr của Thanh tra tỉnh Yên Bái, các đối tượng bị thanh tra gồm: UBND TP.Yên Bái, bà Hoàng Thị Huệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Đoàn thanh tra liên ngành do ông Phạm Công Bình, Phó Chánh thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Phó giám đốc Sở Xây dựng làm phó trưởng đoàn; ngoài ra, còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh. Thời gian thanh tra từ năm 2015 trở lại đây và thời hạn thanh tra là 45 ngày (không tính ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).

Trả lời câu hỏi liệu việc Thanh tra tỉnh Yên Bái tiến hành thanh tra có đảm bảo khách quan khi vị giám đốc này lại là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ ý kiến: “Tôi cho rằng, trong trường hợp này, chính Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nên chỉ đạo làm cho rõ ràng, như thế cũng chính là bảo vệ uy tín của bà. Đơn giản như vậy thôi, còn nếu không làm minh bạch, rõ ràng thì người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi nghi vấn”.

Còn đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, nếu để Thanh tra tỉnh Yên Bái thanh tra vụ việc của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì tính khách quan bị dư luận nghi ngờ là điều dễ hiểu.

“Việc này, theo tôi, nên để cơ quan Thanh tra cấp Trung ương vào cuộc, vấn đề sẽ được nhìn nhận khách quan hơn”, ông Phong nói.

Cũng theo ĐB Đặng Thuần Phong: Đối với quan chức, ngoài việc phải kê khai tài sản cũng cần phải kê khai tài sản của người thân trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó tất cả mọi việc sẽ khách quan hơn, dư luận có cơ sở để đánh giá được cán bộ có trung thực hay không.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc.

Một số hình ảnh về “biệt phủ” nhà ông Phạm Sỹ Quý:

Nhóm PV

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top