Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 7 năm 2012 | 8:39

“Cát tặc” hoành hành trên sông Luộc

KTNT- Dòng sông Luộc vốn hiền hoà, nó được coi là nơi “kết giao” giữa 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Hà Nam nhưng gần 3 tháng nay, dòng sông bị “chao đảo” bởi sức quậy phá của “cát tặc”. Lợi dụng đây là khu vực ngã ba sông giáp danh các tỉnh, đủ loại phương tiện từ có biển hiệu đến tàu không số, ngang nhiên bủa vây tại đây để hút cát trái phép.

“Mục sở thị” điểm nóng “cát tặc”

Cũng bởi là khu vực giáp danh nên đoạn ngã 3 sông Luộc đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Sự sơ hở trong khâu quản lí của các địa phương thời gian qua là cơ hội cho “cát tặc” tung hoành khai thác trái phép. Theo phản ánh của những người dân địa phương, thì mỗi ngày có cả chục con tàu “bí hiểm” đổ về đây lượn lờ, rồi lợi dụng lúc “lơ lài” của cơ quan chức năng thì thi nhau nhả “vòi rồng” xuống dòng sông Luộc hì hục để hút cát. Hậu quả để lại sau những lần “oanh tạc” đó là tình trạng sụt lún hai bên bờ sông ngày một nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu của người dân đang bị đe doạ mất trắng.

Để tận mắt ghi lại những hình ảnh sông Luộc bị “moi ruột”, chúng tôi quyết định mục sở thị trên dòng sông.

Bờ sông Luộc đang bị sạt lở trầm trọng

Những con tàu “không số” đang chuẩn bị “ăn hàng”

Từ 4h sáng, theo hướng dẫn của “người chỉ đường”, nhóm phóng viên bắt đầu cuộc hành trình xâm nhập vào vùng “tâm bão”. Người chủ thuyền vốn là “thổ công” vùng sông nước này nên khá rành rọt đường đi nước bước cũng như thời gian hoạt động của đội quân “cát tặc”. Theo anh T, các tàu thuyền thường tấp nập khai thác cát trái phép vào khoảng 6 – 7h sáng, đây là thời điểm các cơ quan chức năng ít kiểm tra nhất. Chúng rất táo tợn và sẵn sàng hành động nếu phát hiện thấy có biểu hiện khác thường. Để tránh phải cuộc “chạm chán” không mong muốn, chúng tôi phải thay đồ đóng giả dân chài lưới, khoắc áo mưa theo đúng bộ dạng người đánh cá.

Hơn một giờ lênh đênh trên sông nước, hình ảnh đập vào mắt phóng viên là những con thuyền lớn nhỏ với đầy đủ các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác cát, ngạo mạn đang tiến vào vùng nóng chuẩn bị “ăn hàng”, sóng to va đập làm chiếc thuyền chao đảo, cộng thêm bên bờ sông, từng khối đất lở ầm ầm rơi xuống sông như lâu đài cát đang sụp đổ khiến cuộc ghi hình càng thêm phần ngặt thở. Thi thoảng, có vài người trên những chiếc thuyền nhỏ như những vệ tinh, đưa mắt xăm xoi vào chiếc xuồng lạ chở chúng tôi rồi gọi điện thoại í ới gì đó nhưng có vẻ chúng tôi vẫn không bị lộ.

Tiến gần hơn đến “điểm hẹn” của đội quân “cát tặc”, người chỉ đường nhắc chúng tôi chuẩn bị tư thế sẵn sàng tác nghiệp cũng như dặn dò: “các anh phải hết sức cẩn thận, đừng để bọn chúng phát hiện ra việc đang chụp ảnh và ghi hình, nếu để bọn chúng phát hiện, thì sẽ vô cùng nguy hiểm và nguy cơ gặp nạn cao. Để chắc chắn hơn cho tính mạng những người trên thuyền, anh T đưa thuyền đi dạt gần sát bờ, theo lời chỉ dẫn của anh, nếu gặp sự cố thì chúng tôi cứ nhảy xuống sông rồi ngoi lên bờ tháo thân cầu cứu.

Ý thức được mối nguy hiểm cận kề, nhóm phóng viên đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của người lái thuyền nhằm qua mặt đội quân hung hãn “cát tặc” này. Gần 6h sáng, nhóm phóng viên có mặt tại điểm nóng ngã ba sông Luộc cũng là lúc “cát tặc” bắt đầu trỏ những vòi rồng xuống dòng sông. Đúng như dự đoán từ trước, hàng chục con mắt săm soi hướng về phía con thuyền nhỏ của chúng tôi, những động thái nhằm dò xét tình hình, vài cuộc điện thoại í ới gì đó, nhưng rồi các đối tượng lại hì hục với những cỗ máy hút cát. Linh tính bảo tôi rằng, có lẽ cuộc giáp mặt đã thành công.

Theo người chỉ đường, đây là địa phận giáp danh 3 tỉnh nên các đối tượng thường lợi dụng để chốn tránh các cơ quan pháp luật. Cũng vài lần thấy công an truy đuổi nhưng những đối tượng này rất tinh vi và nhanh trí. Thêm vào đó, khoảng cách giáp danh khá ngắn nên việc tẩu thoát khá dễ dàng. Việc khai thác cũng diễn ra khá nhanh, chỉ cần một tiếng đồng hồ là có thể hút với số lượng lên đến hàng trăm khối cát.

Người chỉ đường cũng cho biết thêm, do đợt này, phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình ra quân làm mạnh nên “cát tặc” dạt về phía sông thuộc địa phận Hưng Yên để khai thác. Chứng kiến trên sông, chúng tôi thấy đến gần chục con tàu thi nhau nhả các “vòi rồng” xuống lòng sông và hì hục hút. Tại khu vực ngã 3 sông Luộc, có một hòn đảo nhỏ, theo anh T, có lẽ cũng là nơi đánh dấu lãnh thổ mỗi tỉnh. Phía bên phải bờ sông, vài con tàu không số bắt đầu trõ “vòi rồng” xuống sông, cách hòn đảo vài trăm mét, vài chiếc tàu đã khởi động, nổ máy phành phạch.

Giáp mặt “cát tặc”

Áp sát còn tàu số hiệu HY 0564, cho thấy đội quân “cát tặc” không chỉ có đàn ông mà những phụ nữ cũng “tham chiến”. Hệ thống “vòi rồng” đang ngoặm thẳng xuống dòng Luộc moi lên từng khối cát đen, phun lên những boong tàu, 2 bên mép tàu, nước chảy lanh láng. Đặc biệt tàu HY 05 với những cỗ máy khổng lồ thả vòi rồng ngay xuống sát bờ sông.

Sau khi ghi lại toàn bộ việc “cát tặc” hoành hành trên sông Luộc, lúc này đã hơn 7h sáng, một số con tàu hút cát đã “no hàng” và đang tiến hành nhổ neo, chúng tôi cũng quyết định “ rút quân” nhằm đảm bảo cho việc ghi hình được trọn vẹn.

Có sự ‘bảo kê” của chính quyền?

Theo điều tra của phóng viên, địa bàn cát tặc xâm chiếm trên sông Luộc (tại thời điểm ghi hình, sáng 11/07/2012) thuộc xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Những bức ảnh giáp mặt “cát tặc”, nhiều đoạn clip cận cảnh ghi lại cử chỉ, hành động của đội quân “cát tặc” của nhóm phóng viên khẳng định dòng sông Luộc đang “oằn mình” trước nạn khai thác cát trái phép. Bằng chứng đã quá rõ, nhưng giường như chính quyền huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) vẫn “vô cảm” bởi họ cho rằng, dòng sông Luộc làm gì còn cát mà hút…

Theo ông Vũ Hồng Thái, Chánh thanh tra huyện Tiên Lữ cho biết: Hoạt động “cắt tặc” thường diễn ra vào ban đêm, khoảng mấy giờ tôi cũng không để ý. Trước đây, việc khai thác trái phép diễn ra công khai, các đối tượng cắm ngay ống hút dưới chân đê nhưng giờ thì làm gì còn cát nữa mà hút. Hiện, ở Tiên Lữ chỉ có những chiếc tàu làm công tác vận chuyển cát từ nơi khác về tập kết tại các bến bãi đã được cấp phép.

Mà nói thật, mình làm thanh tra chủ yếu giải quyết khiếu nại tố cáo, nên không nắm rõ được cụ thể. Mặc dù UBND huyện mới ra Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành và giao cho tôi làm trưởng đoàn, để tiến hành thanh tra, kiểm tra tình trạng “cát tặc”. Nhưng vì đang trong thời gian đi học trường cán bộ thanh tra nên công việc chủ yếu do các phó đoàn thanh tra giải quyết; các đồng chí PV cứ qua Phòng Nông nghiệp và PTNT gặp anh Huyên- Trưởng phòng, kiêm Phó đoàn Thanh tra là rõ nhất” – ông Thái cho biết thêm.

Trước khi chúng tôi sang làm việc với Phòng nông nghiệp, ông Thái đã điện thoại cho ông Huyên. Cũng như câu trả lời của vị trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Huyên, Trường phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, kiêm Phó đoàn Thanh tra cho biết, Phòng Nông nghiệp chỉ có chức năng quản lí các tuyến đê, còn về tài nguyên khác chỉ được nghe phong phanh chứ không sâu lĩnh vực đó. Tuy nhiên, vị này lại khẳng định, tại ngã ba sông Luộc không có việc khai thác cát trực tiếp mà chỉ là trung chuyển từ nơi khác về.

Đây là khu vực chưa được cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cấp phép khai thác. Do là ngã ba sông là địa bàn giáp danh, với lại ông Hưng Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình – PV) nhiều khi để sơ xảy, thật giả lẫn lộn nên rất khó quản lí – ông Huyên cho biết thêm.

Trao đổi với ông Đỗ Mạnh Trung, Hạt trưởng hạt QL đê điều (thuộc Chi cục QL đê điều tỉnh Hưng Yên) cũng được “chỉ đạo” bằng điện thoại trước, ông này khẳng định: Không có tình trạng khai thác cát trên địa bàn sông Luộc thuộc huyện Tiễn Lữ vì tỉnh đã cấp phép đâu mà có. Ngày trước thì có, nhưng do mấy năm nay không có lũ nên sông không còn cát. Nếu muốn khai thác phải có lũ báo động 2 -3 thì cát mới về. Mấy năm gần đây, nói thật là không có cát mà hút. Nếu có tình trạng khai thác trái phép cũng rất khó vì là khu vực ngã 3 sông thuộc 3 tỉnh.

Ông Đoàn Thế Bào, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện thừa nhận: thật sự hiện nay sự phối hợp giữa các phòng ban huyện Tiên Lữ chưa thực sự chặt chẽ. Huyện mới thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra toàn tuyến sông Hồng và sông Luộc nhưng từ đầu năm tới giờ cũng chưa đi kiểm tra lần nào.

Việc khai thác cát chỉ diễn ra ở 1 số xã trên địa bàn huyện như Tân Hưng, Thiện Phiến, Hải Triều, Cương Chính…Ban thường vụ huyện uỷ đã có ý kiến chỉ đạo xuống UBND huyện, giao cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc khai thác cát trên địa bàn huyện. Đây là khu vực chưa được cơ quan cấp phép và việc cấp phép không phải chức năng của Phòng TN&MT nên cũng chưa nắm được là hộ nào được cấp hay chưa. Chúng tôi đang kiểm tra tại xã Thiện Phiến, nếu có tình trạng khai thác trái phép ở xã Tân Hưng như phóng viên đã cung cấp, chúng tôi hứa sẽ kiểm tra ngay.

Nạn khai thác cát trên dòng sông Luộc khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép đang diễn ra ngày càng lộ liễu. Hành động thách thức pháp luật của các đối tượng phải được xử lí dứt điểm và để tránh việc, khu vực ngã 3 sông Luộc rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam nên chăng cần có sự bắt tay vào cuộc xử lí.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh







KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top