Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 31 tháng 10 năm 2022 | 10:45

An Giang đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu qua biên giới

Chỉ trong 9 tháng năm 2022, lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã bắt giữ 1.572 vụ về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tổng trị giá hàng hoá lên tới gần 120 tỷ đồng.

Khởi tố 29 vụ án, với 31 bị can

Hiện nay, đang là thời điểm đỉnh lũ, nước đã ngập sâu trên các cánh đồng thuộc khu vực biên giới tỉnh An Giang. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng gia qua biên giới có xu hướng tăng lên. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã và đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu.

Các đối tượng buôn lậu lợi dụng mùa nước nổi, đêm tối, khu vực có cư dân hai bên biên giới sống gần nhau…để tập kết hàng lậu, vận chuyển với số lượng lớn. Mới đây, vào rạng sáng ngày 6/10, tại khu vực khóm Vĩnh Xuyên, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tổ công tác thuộc lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Châu Đốc đã phát hiện và tổ chức truy đuổi, bắt được 2 đối tượng cùng tang vật liên quan gồm: 400 cây thuốc lá lậu, 1 xuồng máy và 4 xe mô tô.

Mới đây, Công an tỉnh An Giang phát hiện 5 tấn đường cát nhập lậu.

Mới đây nhất, chiều 30/10, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 5 tấn đường cát nhập lậu tại một kho hàng trên khu vực biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Theo thông tin ban đầu, qua thời gian theo dõi, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 30/10, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang kiểm tra đột xuất kho hàng tại số 209, khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Kho hàng do ông Nguyễn Thanh Hải (Hải đường), sinh năm 1970 làm chủ. Qua kiểm tra thực tế, Tổ công tác phát hiện trong kho có 100 bao đường xuất xứ nước ngoài, tổng trọng lượng 5 tấn có dấu hiệu nghi vấn thay bao bì và 105 tờ nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa gần 100 triệu đồng.

Qua làm việc, ông Hải thừa nhận 100 bao đường có tổng trọng lượng 5 tấn trên, bên trong là đường cát Thái Lan, được ông mua của những người dân đi giăng lưới (không rõ họ tên địa chỉ cụ thể) với giá 800.000 đồng/bao loại 50kg/bao.

Sau đó, ông Hải thay bao bì nhãn hiệu SINN SHWE LI và dán tem nhãn phụ của thương nhân nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa để hợp thức hóa nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Vụ việc hiện được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên thụ lý để xử lý theo quy định pháp luật.

Ở một góc độ khác, hiện nhiều chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 bị ngập sâu, một số đơn vị đã phải làm lại chốt trên những chiếc thuyền. Trung úy Trần Khánh Vi, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 11, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, Bộ đội Biên phòng An Giang chia sẻ, hiện nay nước nước lũ dâng cao, thời tiết lại hay xảy ra mưa to, gió lớn khiến anh em gặp không ít khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới. Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng, tất cả anh em đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, thời tiết khắc nghiệt cũng là cơ hội để anh em rèn luyện thêm cho mình.

Trung úy Trần Khánh Vi cho biết thêm, được sự quan tâm của Ban chỉ huy đồn, cán bộ, chiến sĩ trong chốt cũng luôn đoàn kết, an tâm tư tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là được bà con nhân dân xung quanh chốt ủng hộ và động viên, người dân khai thác cá cũng thỉnh thoảng tặng cho anh em chiến sĩ của chốt trực, để anh em an tâm thực hiện nhiệm vụ; đây cũng là niềm động viên an ủi các anh em trong chốt hoàn thành nhiệm vụ.

Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19  bị ngập sâu, phải làm lại chốt trên những chiếc (Chẹt) thuyền (Ảnh: VOV).

Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, đường dây buôn lậu thuốc lá vừa qua (6/10) bắt giữ, kết quả bắt giữ chỉ có 400 cây, nhưng trong đường dây đó và lúc vận chuyển trên vỏ lãi hơn 1000 cây thuốc, hàng hóa. Số lượng này không phải là ít, nhưng do địa bàn hiểm trở, phức tạp nên đơn vị chỉ bắt được 400 cây, còn lại chạy ngược về phía bên kia. Hiện nay, lợi dụng mùa nước nổi, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi tuyến, địa bàn, phương thức, khu vực hoạt động, nên hàng hóa lậu có chiều hướng tương đối nhiều và tăng.

9 tháng của năm 2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 1.572 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng giá trị hàng hóa bắt giữ 119,6 tỷ đồng. Theo đó, đã khởi tố 29 vụ án, với 31 bị can, tổng trị giá hàng hóa bị khởi tố 31,2 tỷ đồng.

Không để phát sinh điểm nóng

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, từ đầu năm 2022, đã rút bớt các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Số lượng chốt ít đi, khoảng cách giữa các chốt xa hơn, nên đối tượng buôn lậu cũng lợi dụng chỗ này. Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi hơn, áp dụng mọi hình thức để vận chuyển hàng lậu, khi vận chuyển mà phát hiện lực lượng chống buôn lậu, các đối tượng bỏ lại hàng, phương tiện, thậm chí nhấn chìm cả thuyền máy chở hàng xuống nước rồi chạy thoát thân; để tránh bị khởi tố khi bị bắt, các đối tượng không mang vác quá số lượng quy định; thậm chí, các đối tượng buôn lậu cất giấu hàng có giá trị như vàng, trang sức vào hàng hóa thông thường để qua mặt lực lượng chức năng bằng đường cửa khẩu…Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện một số vụ vận chuyển ma túy, các đối tượng này có mang theo súng.

Đại tá Lý Kế Tùng cho biết thêm, trong việc đấu tranh với loại tội phạm buôn lậu có rất nhiều khó, số lượng người bị xúi giục tham gia buôn lậu tăng lên; thứ hai, chính vì việc chênh lệch lợi nhuận cao nên người ta vẫn cố đi buôn lậu và cố tình bảo vệ cái sản phẩm của người ta, tránh để thua thiệt, tránh bị đầu nậu xử phạt, cho nên là chúng rất manh động, chống lại lực lượng.

Lợi dụng mùa nước nổi, đêm tối, khu vực có cư dân hai bên biên giới sống gần nhau…vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn (Ảnh: VOV).

Cũng theo Đại tá Lý Kế Tùng các đối tượng còn lợi dụng việc xoay vòng giấy tờ; các đối tượng chở hàng nghi là nhập lậu, thì lại chở hàng lậu từ tỉnh khác về An Giang hoặc chở hàng lậu đi qua An Giang. Công an, Hải quan…đã phát hiện và bắt rất nhiều vụ chở hàng từ TP. HCM và từ Bình Dương về đây.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang yêu cầu, các đơn vị chức năng của tỉnh, nòng cốt là Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường…và Ban chỉ đạo 389 cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động, tự tổ chức xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…không để phát sinh điểm nóng, kho bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn quản lý; xử lý kịp thời, công khai, nghiêm minh các tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê và tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đề nghị, các đơn vị  tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung, giải pháp trong trong những tháng cuối năm, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng làm nhiệm vụ, không để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiếp tay, bao che cho buôn lậu. Tiếp tục quán triệt phương châm “Không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ” khi phát hiện tập thể, cá nhân vi phạm. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, đẩy mạnh điều tra địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu phục vụ cho công tác đấu tranh, phá án; ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ phục vụ cho công tác nghiệp vụ, cũng như xử lý kịp thời các tin báo từ quần chúng nhân dân…

Để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục duy trì các Tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường…tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đặc biệt, chú trọng đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân ở khu vực biên giới không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu nghiêm trọng, kéo dài thuộc chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Tăng cường hợp tác quốc tế với 2 tỉnh Kandal và Takeo - Campuchia trong quản lý biên giới, nhất là công tác quản lý, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top