Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2023 | 10:59

Bài 3: Chính sách giảm nghèo đa chiều hiệu quả

Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện và luôn thể hiện bản chất nhân văn của chế độ ta “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để thúc đẩy chương trình giảm nghèo hiệu quả, thực chất, ngoài các chính sách thoát nghèo thì vấn đề tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả đúng mục tiêu phụ thuộc rất nhiều vào cấp ủy, chính quyền địa phương và chính bản thân đối tượng thụ hưởng chính sách.

>> Bài 1: Điểm sáng giảm nghèo

>> Bài 2: Những thách thức trong giảm nghèo

Mô hình sản xuất thâm canh bưởi bưởi Diễn theo quy trình VietGap tại tổ hợp tác Du Long, thị xã Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh Vũ Sinh.

Dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐTBXH), năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2023 là 1.410,892 tỷ đồng, đạt 26%, ước giải ngân đến hết tháng 9 năm 2023 là 4.007,572 tỷ đồng (trong đó 2.019,514 tỷ đồng thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang, đạt 60%, 1.988,059 tỷ đồng thanh toán kế hoạch vốn giao trong năm 2023, đạt 37%.

Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng. Bộ cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ những hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Ước thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023 tổng dư nợ đạt 321.648 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thanh, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước còn 4,03%, giảm 1,17% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (giảm từ 1-1,5%/năm). Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chính sách cần được thực thi bài bản

Để Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đạt được mục tiêu đề ra, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, ông Trần Quang Minh (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nêu ý kiến, cần rà soát lại các tiêu chí của chương trình giảm nghèo bền vững để điều chỉnh phù hợp thực tế và tránh lãng phí, kém hiệu quả. “Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước đây đã làm và đã có bài học kinh nghiệm, đồng thời sớm thống nhất đối tượng cụ thể được hỗ trợ đào tạo nghề. Việc hỗ trợ đào tạo sinh kế cho người nghèo cũng cần được chú trọng hơn. Vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững, cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết”, ông Minh kiến nghị.

Hiện nay, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, gồm: cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách Trung ương; giao UBND cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng; cơ chế quản lý, sử dụng tài sản (nếu có) sau khi kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế ủy thác vốn đầu tư công nguồn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; thay đổi phương thức hỗ trợ người nghèo chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo; tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo. Chuẩn nghèo quốc gia được xây dựng theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.

Giáo dục nghề nghiệp - trao “cần câu” hiệu quả

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 nêu rõ, cần động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Theo số liệu của Bộ LĐTBXH, trong giai đoạn 2016-2020, có 38% số hộ đã thoát nghèo và 53% số gia đình trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn; 90% số người sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thoát nghèo bền vững.

Lớp dạy nghề may nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, từng bước xóa đói, giảm nghèo tại huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Mai Trang

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.

Mục tiêu của Chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, HTX, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Các nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp  là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết, Nhà nước cần có chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng có điều kiện khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, cho rằng, các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế lại theo hướng đầu tư cho con người, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề - với tư cách là “chiếc cần câu” thiết yếu.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Dung, hiện tại, chương trình hỗ trợ đào tạo cho người nghèo đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn chưa thực sự hiệu quả, bền vững do những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như những biến động của thế giới hiện tại mà đối tượng ảnh hưởng đầu tiên là những người nghèo do không có tài sản tích lũy cũng như những kỹ năng để có thể thích nghi với những biến động này.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng: Chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp và các hộ gia đình có năng lực sản xuất. Còn chính sách an sinh xã hội về trợ giúp hộ đói, hộ nghèo chỉ nên hướng tới các đối tượng người già, người yếu thế, không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất.

Bà Ngọc Dung nêu kiến nghị và cho rằng: “Có như vậy mới phát huy được toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững và hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo”.

Để chương trình bám sát được mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ lương thực thực phẩm nên khai thác sâu hơn vào những chủ thể có khả năng đầu tư hiệu quả, tức là chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu.

Điều này có nghĩa là chuyển hẳn từ hình thức cho không là chủ yếu sang hình thức cho vay là chủ yếu. Nữ đại biểu phân tích, sử dụng hình thức cho vay sẽ không sử dụng nhiều đến vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, sẽ thu hút được những người thực sự muốn sản xuất và có khả năng sản xuất vào đầu tư sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm.

“Họ sẽ là những doanh nghiệp, những hộ khá, hộ giàu tại các xã vùng khó khăn và cũng chính là những người biết câu. Những doanh nghiệp, hộ khá và hộ giàu này phát triển sẽ là động lực thúc đẩy, khuyến khích các cá nhân kéo theo các hộ gia đình khác, từ đó tạo nên cơ hội xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững”, bà Ngọc Dung nói.

Tăng năng lực sản xuất cho người nghèo

Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng, tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”; bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị, với Việt Nam, năng suất và kỹ năng lao động là những trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững, thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn thì phải tập trung vào đào tạo nghề chính quy ở trường nghề. Bằng cấp chính thức sẽ là cơ sở giúp người nghèo vươn lên một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức; cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời với hỗ trợ người nghèo đi học nghề.

Mô hình đan giỏ nhựa giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo ở Bạc Liêu phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Bài học kinh nghiệm tại một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc cho thấy, sự thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững. Đối với Việt Nam, nhiều báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của các hộ gia đình.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ, tình trạng nghèo đa chiều của nhóm các chủ hộ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ chiếm dưới 1%, trong khi đó, tình trạng nghèo của nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học lên tới 26,6%. Tỷ lệ nghèo giảm ở các hộ có chủ hộ có các trình độ học vấn cao hơn, tốc độ giảm nghèo của các nhóm hộ có chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề thấp hơn các nhóm hộ khác.

Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines), đến năm 2045, tiếp cận trình độ của các nước G20 - nhóm các nền kinh tế lớn. Đây là một phương thức hiệu quả để người dân chia tay cái nghèo mà “không hẹn ngày gặp lại”.

Mô hình trồng cây dược liệu tại huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Nguyễn Nam.

Giảm nghèo thông tin - Giảm nguy cơ tụt hậu

Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, cần có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần quan tâm “giảm nghèo thông tin” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi bà con có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Mới có hơn 61% số hộ ở đây sử dụng internet, khoảng 93% số hộ sử dụng điện thoại (cố định và di dộng); số hộ có máy thu hình là khoảng 82%, số hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) chỉ đạt 10,3%.

Việc “nghèo thông tin” không chỉ cản trở giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm chậm sự phát triển của khu vực miền núi, mà còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến một số bà con dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6), đã đặt mục tiêu đảm bảo 100% số xã với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội mới đây, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng, Nhà nước, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, thu nhập của người dân.

Ông Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và triển khai trên địa bàn 51 tỉnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực, cùng một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Chương trình nhằm tích hợp các chính sách thống nhất, đảm bảo đủ nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển bền vững và phát huy nội lực, lợi thế, tiềm năng của từng vùng và tinh thần tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hang Kia  (Mai Châu - Hòa Bình) được vay vốn giữ gìn, phát triển nghề làm thổ cẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Ảnh: Trần Việt

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), cho rằng, công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo đối với người dân là giải pháp rất quan trọng. Đây là giải pháp đầu tiên nêu trong Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030.

Do vậy, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, các cơ quan báo chí, xuất bản đã tích cực tuyên truyền, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình kinh nghiệm hay trong công tác giảm nghèo bền vững để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người nghèo.

Để động viên hướng dẫn hộ nghèo, người nghèo có kiến thức, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước cũng như xã hội thông qua các hoạt động, như: dự án mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tham quan học hỏi các mô hình hay, cách làm giỏi… Đây là một trong những giải pháp giúp người nghèo bớt ỷ lại và tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về vấn đề tâm lý, cách làm.

Ngoài ra, chúng ta cần phải đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực thoát nghèo cho người dân và cộng đồng, phấn đấu vì một Việt Nam không còn đói nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1 - 1,5%, đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3% và các huyện nghèo là từ 4 đến 5%.

Những con số này cho thấy quyết tâm cao của chúng ta nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo đói trước thời hạn.

Phía trước vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên, với nền tảng và kinh nghiệm của giai đoạn trước cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm đạt được kế hoạch đã đề ra.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top