Đói nghèo là vấn đề có tính toàn cầu. Đối với Việt Nam, đói đã lùi xa nhưng nghèo vẫn là vấn đề lớn. Nghèo ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững. Xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chúng ta luôn có những thay đổi lớn về chuẩn nghèo và cách thức triển khai chính sách, thực thi chính sách giảm nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trong đó, sức mạnh của cộng đồng được đánh giá cao và có vai trò quan trọng.
Bài 1: Điểm sáng giảm nghèo
Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).
Trong những năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều
Chuẩn nghèo là tiêu chí đo lường nhằm xác định người nghèo (hoặc không nghèo) để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước nhằm bảo đảm công bằng trong thực hiện các chính sách giảm nghèo. Trước năm 2015, Việt Nam đánh giá hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập dưới mức chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Với chuẩn đó, nhiều hộ dân được thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở cận chuẩn nghèo, khiến tỷ lệ tái nghèo cao.
Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng theo hướng: sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở: 1- Các tiêu chí về thu nhập, bao gồm: chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; 2- Mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Phát triển kinh tế vùng cao. (Ảnh minh họa).
Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị định số 07 quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm: 1- Tiêu chí thu nhập; 2- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) gồm: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Điều này cho thấy, nước ta từng bước chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm, hướng tới sự bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2025, chuẩn nghèo mới với mức thu nhập cao hơn và chú ý đến nhiều chiều hơn được áp dụng. Theo đó, tiêu chí về thu nhập được nâng lên, ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, người phụ thuộc trong hộ gia đình… Cùng với đó, cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án bảo đảm 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững. Theo đó, chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Những con số biết nói
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả khảo sát mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.
Theo đó, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa... Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13 điểm phần trăm; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới (theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ), địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất là Hà Giang 37,9%, Lai Châu 28,6%, Điện Biên 27,8%, Sơn La 23,9%, Gia Lai 22,7%,Cao Bằng 20,1%…
Tại các vùng kinh tế-xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,92 điểm phần trăm.
Tiếp đến là Vùng Tây Nguyên - 10,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69 điểm phần trăm.
Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, khu vực các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giờ đây đang “thay da đổi thịt”.
Xếp thứ 3 là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - 5,7% giảm 5,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 1,17 điểm phần trăm; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 3,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,96 điểm phần trăm.
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước, lần lượt là 1,2% và 0,2%, giảm so với năm 2016 lần lượt là 1,8 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm, bình quân mỗi năm giảm lần lượt là 0,37 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm. Theo cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025, có sự khác biệt và khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và vùng núi, cao nguyên.
Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất trong các vùng kinh tế với 12,1%; tiếp đến là Vùng Tây Nguyên 11,4%; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 5%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 4,7%; Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung các địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao của cả nước và các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nên tỷ lệ nghèo đa chiều tại 2 vùng này rất thấp, tương ứng là 0,7% và 0,9%.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.
Từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản... Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp.
Bộ mặt nông thôn mới ở Quỳ Châu (Nghệ An) đã có nhiều đổi khác.
Bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo...
Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan, dự kiến ngân sách Trung ương bố trí thực hiện năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là 11.402,066 tỷ đồng, chưa bao gồm 1.700 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo.
“Thay da đổi thịt”
Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, khu vực các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa giờ đây “thay da đổi thịt” từng ngày, những nương sắn, đồi ngô, ruộng lúa bậc thang, cánh rừng xoan, lát xanh ngút ngàn trải dài tít tắp… tất cả như minh chứng cho cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo đói đã có sự bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.
Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Quý ở thôn Lương Thiện, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, được vay vốn hỗ trợ sinh kế, vợ chồng ông đầu tư nuôi thêm các loại gia cầm. Với tính chịu thương chịu khó, lập kế hoạch thoát nghèo, sau 5 năm phát triển sản xuất, gia đình ông đã nhân giống được 3 con bò, gần 200 con gà thương phẩm. Sau nhiều năm tích cóp gia đình ông cũng đã xây dựng được căn nhà mới khang trang và ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình giảm nghèo, chị Hà Thị Dự (thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) đã thực hiện thành công mô hình bảo tồn, phát triển vịt Cổ Lũng để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cùng với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt phát triển tốt, hiện chị đang nuôi gần 300 con cho hiệu quả kinh tế khá cao. Không dừng lại ở đó, chị Dự còn vận động các hộ dân trong bản sống cạnh suối Nủa nuôi vịt Cổ Lũng, gia đình chị sẽ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc…
Ông Lê Văn Tình (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) cho biết: Từ khi có các chính sách của Nhà nước hỗ trợ các chương trình giảm nghèo, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi… Gia đình đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu”.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi Thanh Hóa đạt 38,12 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81 %, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07% (giảm 3,93%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 89,7%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 74%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%...
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: Dẫu còn nhiều việc phải làm, song thực tiễn nhiều năm thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi chứng minh rằng, khi công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, tăng cường thì địa phương đó có nhiều nghị quyết thiết thực, phù hợp, nhanh chóng được triển khai và phát huy hiệu quả, giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện thành công hơn nữa chương trình này, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ...
Đột phá từ huyện 30a
Quỳ Châu nằm trong số 4 huyện miền núi và thuộc diện 30a của tỉnh Nghệ An, nhưng mấy năm gần đây, bằng những chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, huyện đã có những đột phá trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Những năm qua, Quỳ Châu luôn đặt công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mọi chính sách luôn hướng đến mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án số 08 –ĐA/HU ngày 30/12/2020 về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Quỳ Châu giai đoạn 2020 – 2025 và các kế hoạch, văn bản để triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm xuống 37% (giảm 5,04% so với năm 2021) và các chính sách giảm nghèo được triển khai đầy đủ, đến tận người dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác giảm nghèo có sự chuyển biến tích cực. Phong trào “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, công tác xã hội hóa giảm nghèo được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu. Đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 5.431 hộ nghèo, chiếm 37%. Thu nhập bình quân đạt 31,4 triệu đồng/người/năm 2022. Đối với một huyện miền núi nghèo thuộc diện 30a thì đây là nỗ lực lớn trong cuộc chiến chống lại đói nghèo.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, tại xã Châu Hạnh, mỗi năm có trên 30 hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ bò sinh sản, từ đó, hàng trăm hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đảm bảo cho công tác hỗ trợ bò sinh sản, giúp người dân thoát nghèo, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn kĩ thuật, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm 2023, huyện phấn đấu giảm 4 – 4,5% hộ nghèo so với năm 2022. Không còn tình trạng trẻ em không được đến trường. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế, trên 60% hộ nghèo có nhà ở bán kiên cố. 90 - 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và và dịch vụ thông tin truyền thông. 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và có việc làm tại chỗ.
Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, chú trọng giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp; ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng cuộc sống ấm no...
Có thể thấy, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương, sự vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chúng ta đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: “Trước đây đã khó thì bây giờ khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn và bền vững”.
Bài 2: Những thách thức trong giảm nghèo
Là người đưa cây dược liệu xáo tam phân đến với Đồng Nai và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng, anh Nguyễn Văn Khôn, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang sở hữu hơn 500.000 cây nguyên liệu 6 năm tuổi trên diện tích 5,6 ha.
Hiện, đang là thời điểm chính vụ thu hoạch cau và giá cau cao, các thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Với giá bán cau hiện nay dao động ở mức 75-82 nghìn đồng/kg cau cành tươi, nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế tại tỉnh Quảng Ngãi rất phấn khởi. Có nguy cơ người dân chạy theo cây cau, ồ ạt trồng mới cau, phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng.