Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2023 | 16:31

Tín dụng chính sách “tăng lực” cho chương trình giảm nghèo

Nghệ An là tỉnh có nguồn vốn chính sách lớn thứ 4 cả nước, tăng trưởng tín dụng đạt kết quả khá cao. Nhờ nguồn vốn chính sách, hàng nghìn đối tượng trên địa bàn đã được tiếp cận để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Nâng “chất” cuộc sống

Cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn, chúng tôi tới thăm gia đình chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh. Năm 2015, sau khi chồng mất, gia cảnh chị Vinh rơi vào túng quẫn, bế tắc khi cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào sức lao động của chị Vinh và dăm sào ruộng khoán.

Chị Vinh cho biết: “May thay, lúc đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn cho vay 20 triệu đồng. Tôi dùng tiền vay mua 1 con bò sinh sản, rồi ra công chăm sóc để bò nhanh đẻ ra bê. Một phần tiền còn lại thì để làm chuồng bò. May mắn, bò mỗi năm đẻ 1 lứa nên đến năm 2018 tôi trả hết nợ ngân hàng và vẫn còn 2 con bò làm vốn”.

Người dân xã Nam Giang (Nam Đàn) vay vốn chính sách phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Thu Huyền

Cũng nhờ đợt vay thứ nhất, chăm chỉ lao động nên gia đình chị Vinh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo và được tiếp tục vay theo diện hộ cận nghèo với mức 30 triệu đồng để mua thêm 2 con bò nữa. Mỗi năm mỗi con bò đẻ 1 lứa, chị có nguồn tiền từ bán bò để đầu tư mua thêm gà giống. Đến nay, chị Vinh đã trả hết nợ ngân hàng và hiện gia đình có 4 con bò sinh sản cùng đàn gà hơn 200 con. Kinh tế gia đình ổn định, chị có điều kiện chăm sóc mẹ già và 2 con ăn học.

Cũng vươn lên từ hộ nghèo trở thành hộ khá nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là gia đình chị Phạm Thị Yến ở xóm Hồng Sơn, xã Kim Liên. Trước đây, gia đình chị chỉ quen với nghề làm nông, thu nhập của cả nhà 6 miệng ăn trông chờ vào hơn 1 mẫu ruộng lúa. “Năm 2020, tôi làm đơn xin vay vốn chính sách để mua 1 con bò thời điểm năm 2020. Sau khi bò sinh sản, tôi trả hết nợ. Đầu năm 2023, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để mua con giống gồm lợn, gà và dành một phần để xây bể biogas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, vừa tận dụng nguồn khí đốt để đun nấu phục vụ nhu cầu gia đình, tiết kiệm chi phí”, chị Yến cho biết.

Hiện, chị Yến nuôi 8 con lợn thịt và 2 con lợn nái. Dự kiến sau khi đàn lợn con xuất chuồng thì chị sẽ trả được phần lớn số nợ ngân hàng và có nguồn vốn để tiếp tục phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Sỹ Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn, cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì được nguồn vốn cho vay cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. 9 tháng năm 2023, huy động được gần 16 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm. Có được điều đó là nhờ chi nhánh sớm tham mưu cho  ban đại diện các xã để phối hợp tuyên truyền, tìm nguồn khách hàng gửi tiết kiệm ở các điểm giao dịch xã.

Huyện Nam Đàn đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên việc đầu tư phát triển kinh tế, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm. Các ban đại diện tổ vay vốn cũng tích cực phát huy vai trò”.

Người dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển nghề mộc. Ảnh: Thu Huyền

Ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu)  hiện có nhiều hộ vay đầu tư nuôi hươu. Như chị Trương Thị Liên ở thôn 2, xã Quỳnh Nghĩa. Năm 2022, vay 100 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị dùng toàn bộ số tiền vay để mua hươu giống, giá trung bình khoảng 13 triệu đồng/con. Sau 1 năm chăm sóc, đàn hươu 12 con của chị đã cho thu hoạch nhung.

Thấy được hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng nhiều hộ ở xã Quỳnh Nghĩa đăng ký vay. Hiện nay, tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của xã Quỳnh Nghĩa khoảng 4 tỷ đồng; các hộ vay vốn hầu hết đều phát huy tốt hiệu quả tiền vay, trả nợ lãi đúng hạn và không có nợ xấu.

Theo đánh giá của Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu, trong 9 tháng năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1,3 ngàn lao động; giúp 154 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 22 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách; giải ngân cho 13 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện.

“Kênh dẫn” quan trọng giúp giảm nghèo hiệu quả

Đến ngày 30/9/2023, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Nghệ An đạt 12.140 tỷ đồng, cao thứ 4 toàn quốc, đạt tốc độ tăng trưởng 11,6%. Tổng dư nợ tín dụng chính sách Nghệ An đạt trên 12.126 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 11,61%, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,64%. Có 10 chương trình tín dụng tăng trưởng dư nợ so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tương đương tốc độ tăng trưởng vốn, điều này chứng tỏ công tác điều hành nguồn vốn và giải ngân các nguồn vốn rất tốt, kịp thời, không để vốn tồn đọng.

Các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác đã thực hiện giám sát tổ tiết kiệm vay vốn bình xét cho vay đảm bảo công khai, đúng đối tượng; hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục, phối hợp với ngân hàng tổ chức giải ngân kịp thời đến từng hộ tại điểm giao dịch xã. Tốc độ tăng trưởng dư nợ do 4 tổ chức hội quản lý tương đối đồng đều và đều đạt mức tăng trên 10%.

Mô hình vay vốn Ngân hàng Chính sách phát triển chăn nuôi của người dân xã Nam Giang phát huy hiệu quả giúp người vay từng bước thoát nghèo.

Qua 9 tháng của năm 2023, Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 60.417 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để sản xuất, kinh doanh, cải tạo công trình chứa nước sạch, công trình vệ sinh, mua nhà ở xã hội, mua sắm thiết bị học tập cho con em phục vụ học tập…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An - ông Bùi Thanh An cho biết, thời gian qua, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đạt kết quả tốt, có nhiều điểm sáng; cho vay khá cao trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng toàn ngành Ngân hàng thấp; việc số hóa mobile banking được triển khai hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ… Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng qua.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, như mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất..., gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và đời sống nhân dân; đồng thời, ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách. Một số chương trình cho vay về đất ở, đất sản xuất, cho vay theo chuỗi giá trị và trồng cây dược liệu quý gặp khó khăn do chưa có danh sách phê duyệt đối tượng thụ hưởng để có cơ sở đề nghị bố trí vốn và giải ngân kịp thời, trong khi thời hạn của các chương trình này không còn nhiều.

Để hoàn thành tốt kế hoạch năm, ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết: Ban Đại diện Hội đồng Quản trị cấp tỉnh, cấp huyện đang tiếp tục tham mưu các huyện, thị xã sớm bố trí nguồn ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay năm 2023 và năm 2024; rà soát đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ, các huyện sớm phê duyệt danh sách để xin bổ sung vốn và giải ngân kịp thời. Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giải ngân nguồn vốn kịp thời; giám sát chặt chẽ nguồn vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top