Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 14:22

Sức mạnh của cộng đồng trong giảm nghèo (Bài 2): Những thách thức trong giảm nghèo

Không để ai bị bỏ lại phía sau, giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nhưng để đạt được mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, còn gặp không ít khó khăn, thách thức...

>> Bài 1: Điểm sáng giảm nghèo

Tiêu chí giảm nghèo đa chiều cao hơn trước

Ngày 27/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều gồm các tiêu chí đo lường về thu nhập, mức độ tiếp cận các dịch vụ cao hơn rất nhiều so với trước.

Việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đặt ra không ít thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.

Với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong nghèo đa chiều theo Nghị định số 07, quá trình đánh giá hộ nghèo sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn, sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở sẽ khó hơn, bởi cần xác định hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong 3 kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất 2 kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc). Chính vì cách rà soát để xác định có thể mang tính chủ quan, nên cán bộ chương trình giảm nghèo có thể khiến hộ đang nghèo trở thành hộ không nghèo hoặc cận nghèo… Đi cùng với việc xác định sai đối tượng, chính sách hỗ trợ cũng sẽ được thực hiện không đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực.

Người dân Mường Chà, Điện Biên chăm sóc cây ngô. Ảnh: Xuân Tý/TTXVN

Một điều quan trọng nữa là, hóa giải sức ép về nguồn lực giảm nghèo. Theo cách làm trước đây, tỷ lệ  hộ tái nghèo chiếm tới 1/3 số hộ được giảm nghèo. Còn khi thực hiện theo chính sách mới, sẽ không chỉ cần đến nguồn lực để tăng thu nhập cho người nghèo, giúp họ thoát nghèo, mà còn đòi hỏi thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng (giáo dục, y tế, công nghệ thông tin…), giúp mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo.

Trong giai đoạn mới, khi áp dụng bộ tiêu chí xác định hộ nghèo đa chiều theo Nghị định số 07, dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng khá nhiều so với các giai đoạn trước, trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, xung đột xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới…

Tiêu chí mới cũng đòi hỏi cách tiếp cận mới, cách làm mới. Thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, của chính quyền địa phương về giảm nghèo là yếu tố căn bản nhất bảo đảm cho chương trình được thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả. Nhưng việc thay đổi nhận thức là cả một quá trình, không hề đơn giản, xét từ cả góc độ chính quyền lẫn người dân. Gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của hộ nghèo, chứ không phải là tạo cơ chế trông chờ sự ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

Để giải quyết những thách thức trên, đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa ngành mang tính đổi mới và sáng tạo hơn, trong đó hiện tượng nghèo được xét về nhiều phương diện chứ không chỉ về mặt tiền tệ. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều chính là phương thức hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Điểm mấu chốt chính là quá trình chuyển đổi nhận thức, cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều tại các địa phương và cùng đó là nâng cao trách nhiệm thực thi chính sách.

Còn người nghèo không muốn thoát nghèo!

Có một thực tế, còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tâm lý tự ti, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Một bộ phận người dân không muốn thoát khỏi hộ nghèo, đáng chú ý hơn, tình trạng “chạy hộ nghèo” xuất hiện ngày một nhiều, hộ nghèo muốn tách ra thành nhiều hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ, ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế cho thấy hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố.

Theo đó, mặc dù theo tiêu chí đã thoát nghèo nhưng cuộc sống thực tế của người dân ở địa bàn đó vẫn rất khó khăn, người thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

“Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội thì cơ bản đã được đầu tư, nhưng chất lượng ở các nơi có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Người ta cũng băn khoăn, nếu thoát nghèo thì có khi mình không được hưởng các chính sách hỗ trợ nữa. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề tâm lý khác cần đánh giá, khảo sát thêm. Đây là những lý do hết sức cơ bản”, ông Hầu A Lềnh nói.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa tốt, nhận thức người dân còn hạn chế nên có hiện tượng chưa muốn thoát nghèo.

Ông Tạ Văn Hạ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng: Người dân chưa muốn thoát nghèo vì từ cách làm đến chất lượng chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững hoặc tính bền vững chưa cao. Nó là ranh giới, hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Cách làm và chất lượng các chương trình đảm bảo bền vững cao thì người dân không ai muốn quay lại nghèo.

Vòng lặp tái nghèo

Trong nhiều năm qua, công tác giảm nghèo luôn đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,23% năm 2021, trung bình giảm 1,27%/năm.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu đề ra. Đã có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, sản xuất và làm kinh tế giỏi; nhiều địa bàn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ước  còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo là người các dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Trong báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được công bố cuối năm 2022 đánh giá, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Cùng với đó, chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều.

Mặc dù chính sách hỗ trợ hộ nghèo đã đi vào thực tiễn  nhưng hộ nghèo không biết lấy đó làm động lực, thiếu đi sự nỗ lực phấn đấu thì thoát nghèo khó bền vững, dễ dẫn đến tái nghèo và tất yếu vẫn mãi thích được nghèo. Vì thế, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, chưa tương xứng với công sức, kinh phí mà Nhà nước và địa phương đã bỏ ra, do vẫn còn một bộ phận hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), nhìn nhận, công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế ở các phương diện nguồn lực, hệ thống chính sách, việc tổ chức thực hiện tại địa phương, công tác đào tạo…

Trong đó phải kể đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều giữa các vùng của cả nước.

Đáng chú ý, tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), nguyên nhân phổ biến gây tái nghèo là gia đình có người ốm đau, thậm chí cả họ dồn sức, tiền của chăm sóc, đây là một nguyên nhân tái nghèo. Các bệnh lý phổ biến như huyết áp, đái đường... cần chăm sóc thường xuyên nhưng nguồn lực y tế cơ sở hạn chế nên tỷ lệ biến chứng rất cao ở các vùng quê nghèo.

“Nhà có người bệnh lên thành phố chữa trị là tiền của ra đi, thậm chí phải vay nợ, ra viện về không lao động được lại trở thành gánh nặng cho gia đình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, số hộ nghèo vì lý do ốm đau bệnh tật, vì thiên tai bất khả kháng lại chiếm rất ít so với các nguyên nhân khác như lười biếng, đông con, rượu chè, cờ bạc,…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ. Ảnh: TTXVN.

Năm 2016, gia đình anh Lò A Hơn (xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được Nhà nước hỗ trợ tôn làm nhà ở và giống cây trồng, phân bón… để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Thế nhưng đến nay, kinh tế gia đình anh vẫn chưa có gì khá hơn, vẫn thuộc diện hộ nghèo.

“Được hỗ trợ nhiều rồi, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chỉ kiếm măng, sắn ăn qua ngày. Hai vợ chồng đều uống rượu nhiều, biết khổ nhưng không bỏ được mà chỉ hạn chế được thôi. Dân tộc tôi ở đây, hầu như nhà nào cũng vậy”, anh Hơn chia sẻ.

Qua đấy để thấy nguyên nhân dẫn tới nghèo phần lớn là mang yếu tố chủ quan đã “bám rễ” sâu của chính hộ nghèo.

Hay như việc được hướng dẫn chu đáo về kỹ thuật, cách thức chăm sóc các loại cây trồng mới nhưng trên thực tế vì thiếu sự chăm chỉ, khó khăn trong tiếp nhận cái mới nên không ít mô hình chưa phát huy hiệu quả. Được hỗ trợ nguồn lực, cầm tay chỉ việc, nhưng vì thiếu ý thức vươn lên, thiếu sự học hỏi nên khi không có sự hỗ trợ, không có người trực tiếp hướng dẫn thì không thể tự triển khai thực hiện mô hình trong giai đoạn tiếp theo dẫn đến tình trạng... nghèo lại hoàn nghèo.

Học vấn chưa cao, đào tạo nghề gặp khó

Lâu nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, chỉ cần có sức khỏe, có đất sản xuất, có vốn… là có sinh kế ổn định; học vấn không quan trọng. Nhưng thực tế, trình độ học vấn có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ giàu nghèo của từng gia đình.

Theo đó,  người nghèo là người thường có trình độ học vấn thấp (gồm cả nhận thức về văn hóa và kỹ thuật sản xuất - kinh doanh), ít có cơ hội kiếm được việc làm tốt và ổn định. Mức thu nhập của họ hầu như chỉ đủ để đảm bảo cho nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu và do vậy không có điều kiện nâng cao trình độ của mình trong tương lai để thoát nghèo.

Trình độ học vấn thấp làm hạn chế khả năng kiếm việc làm trong các khu vực khác, trong các ngành phi nông nghiệp, những công việc mang lại thu nhập cao và ổn định. Các khu công nghiệp,khu chế xuất là cơ hội cho người dân thoát nghèo nhưng đồng thời đây cũng là thách thức lớn đối với người nghèo, bởi lẽ do trình độ học vấn thấp họ khó có thể tìm được việc làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bà Vòng Thị Múi (thôn Hoa Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cuộc sống tuy đỡ vất vả hơn so với trước, nhưng nguồn thu nhập của gia đình chưa ổn định. Nguyên nhân là 2 con của bà, lao động chính của gia đình, không biết chữ nên không thể theo học các lớp dạy nghề do địa phương tổ chức, không thể tìm công việc ổn định mà chỉ đi làm thuê làm mướn theo thời vụ, rất dễ tái nghèo.

Ngoài ra, do trình độ học vấn chưa cao, một số hộ vẫn sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống nên giá trị sản phẩm và năng suất các loại cây trồng, vật nuôi  thấp, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó luôn đeo bám họ.

Mặt khác, nhiều hộ nghèo không có kế hoạch sản xuất cụ thể hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, do vậy, họ khó có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Người nghèo còn thiếu thông tin về pháp luật, chính sách và thị trường... Điều này làm cho họ sẽ càng nghèo hơn.

Từ đây có thể nói rằng, giáo dục nghề nghiệp là giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, giúp người dân có thể nắm bắt khoa học, kiến thức kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao,  tiếp cận được các phương án sản xuất mang lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, để mở các lớp đào tạo nghề cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, trong lĩnh vực đào tạo nghề, các vùng nghèo có những hạn chế nhất định: ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn, ít được quan tâm hơn, khó thu hút người giỏi về dạy, cơ sở vật chất lạc hậu hơn, đi lại khó khăn hơn...

Chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ

Đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là nhóm người nghèo, gặp khó khăn nên họ không có dự trữ hay tích lũy về vốn hoặc nguồn lực sản xuất (sinh kế). Vì thế, phần lớn chính sách giảm nghèo đều phải sử dụng nguồn lực từ bên ngoài để tác động vào cộng đồng nghèo nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng phục  vụ cuộc sống.

Thế nhưng, vẫn còn một số chính sách chồng chéo, không hiệu quả, một số cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo chưa thật phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn bất cập, nên không tạo được động lực để người nghèo chủ động vượt nghèo. Không chỉ chồng chéo, việc ban hành văn bản thực hiện chương trình rất chậm; cùng với đó là việc phân bổ ngân sách trung ương chậm, vốn đối ứng của địa phương thấp, việc lồng ghép khó khăn...

Theo đó, nhiều chính sách giảm nghèo vẫn thực hiện theo hình thức hỗ trợ không hoàn lại, cơ chế “cho không”, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn và chính sách hỗ trợ các yếu tố trực tiếp sản xuất như con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại.

Ví dụ, để thúc đẩy phát triển sản xuất, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP quy định, hộ gia đình được hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất từ 2 - 5 triệu đồng/ha; được hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Những hỗ trợ này đã có tác động tốt đến cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo. Nhưng, nó đang làm nảy sinh những bất cập đó là càng hỗ trợ càng tạo nên tính trông chờ, ỷ lại; không thúc đẩy tính trách nhiệm của người tiếp nhận hỗ trợ; không thúc đẩy, khơi thông được nguồn lực trong dân đầu tư thêm vào sản xuất.

Đáng chú ý,  tình trạng trùng lặp về mục tiêu, nội dung đối tượng thụ hưởng vẫn còn tồn tại. Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nêu dẫn chứng: “Các nội dung trùng lặp về dự án của các chương trình, cụ thể là dự án hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Dự án hỗ trợ sản suất theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo vùng khó thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”.

Do trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các chương trình nên không ít địa phương lúng túng trong quá trình triển khai, thậm chí “có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận xét.

Ngoài ra, còn phải kế đến việc triển khai thực hiện giảm nghèo tại địa phương gặp khó khăn là lực lượng cán bộ chuyên trách tại xã, phường còn ít, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ,  lâu nay, tại mỗi địa phương chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách nhưng phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc như: Xóa đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, người có công, rà soát cấp phát thẻ BHYT, đào tạo nghề lao động nông thôn, đưa đối tượng bảo trợ xã hội vào trung tâm… Điều này làm cho cán bộ phụ trách không đủ thời gian để giải quyết công việc giảm nghèo; khoán mọi việc cho đại diện tổ dân phố, thôn, ấp bình chọn, đề cử đối tượng hộ nghèo mà không đủ thời gian giám sát, kiểm tra tính xác thực của công tác bình chọn, do vậy các chính sách hỗ trợ chưa đến kịp với các hộ nghèo cần giúp đỡ.

Từ thực tế những năm qua thấy, kết quả giảm nghèo ở nước ta chưa thực sự bền vững, hộ thoát nghèo có nguy cơ dễ tái nghèo. Rất cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Bài 3: Chính sách giảm nghèo đa chiều hiệu quả

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không trồng cau ồ ạt

    Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không trồng cau ồ ạt

    Hiện, đang là thời điểm chính vụ thu hoạch cau và giá cau cao, các thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Với giá bán cau hiện nay dao động ở mức 75-82 nghìn đồng/kg cau cành tươi, nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế tại tỉnh Quảng Ngãi rất phấn khởi. Có nguy cơ người dân chạy theo cây cau, ồ ạt trồng mới cau, phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng.

  • Hội nhập từ nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn

    Hội nhập từ nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn

    Xu hướng hội nhập đòi hỏi nông nghiệp ĐBSCL phải có bước chuyển sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nhằm gia tăng chuỗi giá trị, giảm thiểu tác hại với môi trường.

  • Thúc đẩy chăn nuôi xanh, tăng khả năng cạnh tranh

    Thúc đẩy chăn nuôi xanh, tăng khả năng cạnh tranh

    Để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Song song đó là chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

  • Ba doanh nghiệp được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho xoài

    Ba doanh nghiệp được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho xoài

    Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp vừa có thông báo ghi nhận Công ty TNHH Nông Sản Chú Chín, đã được Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” thẩm định và đủ điều kiện được ghi nhận vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.

  • Tiềm năng phát triển ngành hồi ở Lào Cai

    Tiềm năng phát triển ngành hồi ở Lào Cai

    Hôm nay (11/10), Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai” nhằm đánh giá kết quả trồng khảo nghiệm cây Hồi từ năm 2017 đến nay và bàn phương án phát triển bền vững.

  • Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen

    Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen

    Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước đang kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.

Top