Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023 | 15:51

Cần khung pháp lý để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng trên thị trường mua bán hàng hóa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng này đang rất phức tạp.

Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu...

Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỉ USD vào năm 2025.

Gần đây, tại tọa đàm về chủ đề "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Dự báo đến năm 2025, theo Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỉ USD. "Việt Nam hiện nay đang có hàng trăm sàn thương mại điện tử hoạt động dưới hình thức website. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên các nền tảng xã hội khác như tiktok, zalo, facebook, intagram… với đa dạng hình thức bán hàng" – ông Trung nêu.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo ông Trung, bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách. Có thể rất đơn giản khi tìm kiếm mua những mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, trong những tháng đầu năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra.

Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trước đó, năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). 

"Kết quả này chưa phản ánh hết được tình hình thực tế; tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên nền tảng TMĐT còn tiềm ẩn phức tạp" – ông Trung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện Dự thảo đề án đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành.

Giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Ông Nguyễn Đức Lê – Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng: "Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng. Chúng ta phải xây mới chống được, trước mắt thì chống nhưng về lâu dài phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Về giải pháp căn cơ, đầu tiên, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách, vì vấn đề này đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật rất lớn, không đơn thuần như thương mại truyền thống.

Với Tiki, khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu

Tiếp theo, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu, nhưng doanh nghiệp phải biết được sản phẩm của mình có đang bị làm giả hay không và cần chủ động phối hợp. Hiện nay chúng tôi có rất nhiều đường dây nóng, bất kỳ lúc nào thấy có hiện tượng thì báo cho chúng tôi. Đó là nguồn tin để cơ quan chức năng xử lý, cũng là cách doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình và không bị đơn vị khác làm giả, xâm phạm bản quyền.

Với lực lượng quản lý thị trường, chúng tôi đã ban hành kế hoạch với những mục tiêu cụ thể để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không những trong thương mại truyền thống mà cả ở không gian thương mại điện tử.

Chúng tôi trao đổi thông tin thường xuyên hơn với các cơ quan chức năng khác như hải quan, biên phòng để quản lý tốt hơn đối với các loại hàng hóa.

Chúng tôi cũng kết hợp với các hiệp hội để tuyên truyền đến doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức. Với người tiêu dùng, không chỉ trong thương mại điện tử mà trong quá trình mua hàng hóa nếu gặp các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng thì hãy phối hợp với các cơ quan chức năng, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để chúng tôi tiếp nhận thông tin xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm".

Dùng trí tuệ nhân tạo để lọc hàng giả hàng nhái

Theo các chuyên gia, thực tế có không ít sàn thương mại điện tử vì chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó nên chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái.

Chia sẻ với VnEconomy về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Quản lý vận hành nền tảng thương mại điện tử cấp cao, sàn Tiki cho rằng đối với khách hàng khi mua hàng trực tuyến, có ba yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định mua hàng, đó là số lượng hàng hóa, giá cả và chất lượng dịch vụ. Để đảm bảo số lượng hàng hóa đủ đa dạng và phong phú, như một hệ quả tất yếu, các đối tượng kinh doanh trên sàn cũng sẽ đa dạng hơn, song việc này dẫn đến sự khó kiểm soát sự đồng đều về mặt uy tín hơn trước.

Dù các sàn đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, song việc ngăn chặn triệt để tình trạng này vẫn là một thách thức không nhỏ...

Mặt khác, với số lượng hàng triệu đơn hàng một tháng thì tỷ lệ dù chỉ là nhỏ hơn 1% lượng hàng không đảm bảo chất lượng cũng đã ảnh hưởng tới hàng nghìn khách hàng. Vì thế khách hàng sẽ cảm nhận con số tuyệt đối này ngày càng lớn lên, mặc dù một cách tương đối thì tỷ lệ này có thể không tăng quá nhiều ở một số sàn thương mại điện tử. Với tư cách là người đứng giữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng đã và đang bắt đầu triển khai các hoạt động rà soát đầu vào và trong quá trình vận hành để từ đó hạn chế tối đa số lượng hàng hóa không đúng như kỳ vọng của khách hàng.

Đơn cử như tại Tiki, việc kiểm soát, giám sát, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu. Gần hai năm qua, mặc dù vẫn phát triển về số lượng hàng hóa nhưng Tiki không gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nhà bán hàng và sản phẩm trên sàn nhờ vào công nghệ “máy học” (Machine Learning- một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI). Trên thực tế, cả nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng đã bị gỡ khỏi sàn hàng tháng. Đồng thời với công nghệ này, Tiki cũng có hệ thống điểm uy tín được sử dụng nội bộ nhằm đánh giá các đối tác kinh doanh/nhà bán hàng trên sàn, từ đó nhanh chóng ngăn chặn các đối tác kém chất lượng hoặc các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ trước khi khách hàng đặt hàng.

Các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa. 

Ngoài Tiki, một số sàn thương mại điện tử khác cũng áp dụng các công nghệ hiện đại để “lọc” hàng giả hàng nhái trước khi lên sàn đến tay người dùng. Ông Đặng Đăng Trường, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, sàn thương mại điện tử Sendo, cho biết đã triển khai áp dụng giải pháp lọc các sản phẩm hàng hóa đang bán trên sàn thông qua hệ thống công nghệ AI đồng thời có đội ngũ nhân lực lọc thủ công để kiểm tra từng sản phẩm hàng hóa đang bán có chính xác như mô tả, quảng cáo hay không; các thông tin cung cấp có chính xác so với tính chất của sản phẩm đang bán hay không…

Công nghệ AI cũng sẽ phân tích lịch sử giá bán của sản phẩm hợp lý hay bất thường, có chênh lệch quá lớn so với thương hiệu đó và sản phẩm tương tự ngoài thị trường hay không. Công nghệ này cũng phân tích các từ khóa và hình ảnh để đảm bảo không bán các sản phẩm hàng hóa bị cấm trên sàn.

Ngoài ra, Sendo cũng dựa vào những ý kiến, báo cáo, nhận xét đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Với những report, review của khách hàng, sàn xem xét, thực hiện hoàn tiền cho khách hàng, đồng thời xác minh để gỡ sản phẩm.

Còn với Chợ Tốt, ngay từ khi duyệt tin, sàn đã áp dụng các biện pháp công nghệ máy học để chặn, loại bỏ các tin liên quan đến hàng nhái, lừa đảo trên hệ thống và đảm bảo môi trường mua bán minh bạch.

Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc quản lý nội dung của Chợ Tốt, tất cả những tin đăng bán sản phẩm không chính hãng với thông tin như hàng Replica, hàng rep 1:1, hàng F1, hàng fake cao cấp… đều được loại bỏ trong khâu duyệt tin. Ngoài ra, Chợ Tốt phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chống hàng giả quốc tế (REACT) trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên cập nhật thông tin hệ thống, nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những tin sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng…

Chống đi đôi với xây

Ông Võ Trí Thành – Viện trượng viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: "Thương mại điện tử là xu hướng không thể né tránh, mang lại những điều rất tích cực nhưng cũng có nhiều mặt trái. Nhìn ở tấm huân chương hai mặt này, chúng ta cần phải kết hợp nguyên tắc đầu tiên là chống đi đôi với xây. Xây ở đây là khía cạnh nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan.

Ngay bản thân các cơ quan nhà nước không thể né tránh được, phải phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay nhiều cơ quan khác như biên phòng, Bộ Y tế…

Một điều nữa là câu chuyện về cách ứng xử. Vấn đề này phổ biến và rộng khắp, trong khi nguồn lực có hạn, thì có nên lựa chọn ưu tiên nhằm vào chống hàng giả, hàng nhái hay là ưu tiên vào các mặt hàng mà doanh nghiệp có cơ hội phát triển.

Quan trọng nữa là, cùng với ưu tiên đó, cần có các nghiên cứu về hành vi xảo trá, gian dối để lựa chọn khâu nào có tính răn đe, quyết định nhất. Ví dụ: với người tiêu dùng, họ đa số biết chắc là hàng giả, hàng nhái nhưng vì chưa đủ tới mức xa xỉ mà lại cần đẳng cấp, nên sẵn sàng tiếp tay cho các mặt hàng này.

Bên cạnh góc độ pháp lý, khâu truyền thông rất quan trọng. Ví dụ vừa qua về vấn đề thực phẩm, chúng ta nói quá nhiều tới tiêu cực, gây thiệt hại cho tất cả, nhưng nếu truyền thông cái tích cực thì hiệu ứng sẽ tốt hơn.

Ông Võ Trí Thành – Viện trượng viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Câu chuyện ở đây có nhiều khía cạnh, tuy chúng ta đã rất nỗ lực, nhưng với nguồn lực có hạn trong bối cảnh vẫn đang hoàn thiện thể chế, thì chỉ có thể phần nào hạn chế những tiêu cực này một cách có ý nghĩa, đồng thời khuyến khích được mặt tích cực của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vấn đề của thương mại điện tử hiện nay là tràn lan hàng giả, hàng nhái, cần sự vào cuộc của nhiều bên, cùng với hoàn thiện pháp lý, công tác truyền thông, sâu hơn nữa là việc ưu tiên nguồn lực trong quá trình thể chế đang được hoàn thiện.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh là khi nói về việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, chúng ta hay nói là xử phạt chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ sức răn đe. Trong vấn đề này, vai trò của các hiệp hội, nhóm xã hội rất quan trọng. Tiếp đến là vai trò của các cơ quan an ninh nạng, xử lý liên quan tới công nghệ. Nhưng có một cơ quan rất quan trọng nữa đó là cơ quan xử lý tranh chấp, vai trò của hiệp hội, trọng tài, tòa án trong quan hệ thương lượng, hòa giải… lại chưa thực sự tốt".

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top