Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 6 năm 2023 | 16:14

Kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an

Cơ quan chức năng vừa kịp thời ngăn chặn một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh công an, luật sư nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội như facebook, tiktok...

Cảnh báo về tình trạng lừa đảo mới

Như Tạp chí Kinh tế nông thôn đã phản ánh thông tin với tiêu đề (Cảnh báo giả danh công an, luật sư lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Nội dung cảnh báo tình trạng tội phạm công nghệ cao có diễn biến phức tạp và thực tế đã có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo. Đa số những nạn nhân khi nhận ra mình bị lừa đảo, thì kẻ xấu đã “cao chạy xa bay”. Và khi đó, số tiền nạn nhân đã chuyển khoản tiền cho bọn chúng hầu hết đều không có khả năng lấy lại.

Trường hợp của bà N.T.L (trú ở thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ. Cụ thể, vào khoảng gần 10 giờ sáng ngày 16/6, bà nhận được điện thoại của một người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Đường Nhạn, mời ra trụ sở Công an xã để kích hoạt định danh điện tử.

Chưa hết, đối tượng này cho biết, bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng. Nghe vậy, bà L. quả quyết rằng chưa bao giờ vay nợ ngân hàng. Đối tượng này dọa sẽ gửi số điện thoại của bà L. đến cán bộ Công an TP. Hà Nội, để trao đổi thêm và sẽ hướng dẫn bà L. làm tường trình khẳng định không liên quan đến số tiền 66 triệu đồng.

Người dân cần cảnh giác công an "dởm" hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: CAHN)

Sau khi gác máy được vài phút, một người khác, tự xưng là “cán bộ Công an TP. Hà Nội”, gọi điện thoại cho bà L. Sau khi cam kết sẽ hướng dẫn, đảm bảo bà L. không liên quan trong việc nợ tiền, đối tượng yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản để chứng minh không nợ tiền. Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ 66 triệu đồng.

Trước những lời tư vấn bất thường trên, bà L. nhận ra chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã tuyên truyền. Ngay lập tức, bà L. đã trình báo vụ việc với Công an xã Xuân Nộn.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới. Theo đó, các đối tượng mạo danh luật sư sẽ giả vờ kết nối với lực lượng an ninh mạng. Sau đó thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.

Để thu hồi số tiền đã mất, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỷ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về. Khi thấy "con mồi" đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi thì “luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về...

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất cũng như quy mô của sự việc. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng không còn là cá nhân đơn lẻ nữa mà được phối hợp tổ chức chặt chẽ, tinh vi cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Các đối tượng giả danh luật sư để tạo niềm tin cho nạn nhân. Bằng thủ đoạn hứa hẹn sẽ can thiệp hệ thống, hack vào tài khoản lừa đảo vào các khung giờ nhất định. Yêu cầu nạn nhân phải nộp trước một khoản tiền khoảng 30% số tiền đã bị mất trước đó. Sau đó, các đối tượng lấy rất nhiều lý do, thậm chí chặn liên hệ để chiếm đoạt tiền của nạn nhân” - Luật sư Hùng nói và nhấn mạnh, hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của các luật sư.

Kịp thời ngăn chặn

Công an phường Đức Giang, quận Long Biên phối hợp ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vừa kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền.

Theo đó, ngày 22/6/2023, vợ chồng ông T, bà Th (trú tại Tổ 16, phường Đức Giang, quận Long Biên) nhận được cuộc gọi của một người, tự nhận là cán bộ Công an quận Long Biên, yêu cầu bà Th phải tất toán số tiền tiết kiệm là 3.098.000.000đ (Ba tỷ không trăm chín mươi tám triệu đồng), rồi chuyển ngay số tiền đó vào một tài khoản do đối tượng này cung cấp.

Ngay sau đó, bà Th đã đến phòng giao dịch ngân hàng BIDV Thành Đô để thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Quá trình tiếp nhận yêu cầu của bà Th, cán bộ phòng giao dịch, do đã được tuyên truyền về phương thức thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm nên đã rất cảnh giác, nhận thấy bà Th có biểu hiện bất thường nên đã báo ngay cho cơ quan Công an.

Cặp vợ chồng già vui mừng, xúc động vì được giúp thoát bẫy lừa, không bị mất số tiền hơn 3 tỷ đồng

Tiếp nhận thông tin, Công an phường Đức Giang đã cử cán bộ đến ngay phòng giao dịch của ngân hàng, gặp gỡ, giải thích, tuyên truyền để vợ chồng bà Th hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhờ tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm của cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô và sự giải thích rõ ràng của Công an phường Đức Giang, vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời, không xảy ra thiệt hại gì.

Qua hai sự việc trên cho thấy đối tượng xấu đang mở rộng phạm vi hoạt động của chúng với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt, chúng đang tìm cách dựa vào những hoạt động phổ biến diễn ra hằng ngày để lợi dụng tấn công vào sự chủ quan, bất cẩn của người dân, từ đó dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.

Tương tự, trước đó, ngày 21/6/2023, bà P.T.N (SN: 1967, HKTT: thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là cán bộ Công an tỉnh Bình Định, thông báo bà N liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn. Sau đó, người này hướng dẫn bà N mở một tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản đó để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Do lo sợ, bà N một mình đến ngân hàng Agribank để rút tiền từ sổ tiết kiệm và mở tài khoản chuyển tiền vào tài khoản đó theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.

Khi đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì, bà N yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm, số tiền 260 triệu đồng, với nét mặt mệt mỏi, trạng thái tâm lý hoang mang. Nhận thấy bà có dấu hiệu bất thường, nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng liên hệ với Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an huyện Ba Vì.

Bà N tại Ngân hàng Agribank

Sau khi nắm tình hình, cán bộ Công an huyện Ba Vì và nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì đã giải thích rõ cho bà N về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, lợi dụng mạng viễn thông giả danh Cơ quan Công an để gây án và nhắc nhở bà N không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.

Trước phương thức và thủ đoạn như trên, thời gian qua Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ phối hợp với Công an các xã, thị trấn nhiều lần khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc Công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Cũng liên quan đến hành vi lừa đảo trên không gian mạng, sáng 23/6, Trưởng Công an xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) nhận được thông tin từ nhân viên Phòng Giao dịch Agribank Cầu Lão, Chi nhánh huyện Ứng Hòa về việc có một cụ ông tới làm thủ tục rút tiền với tâm trạng bất bình thường. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, thấy ông A có các biểu hiện khác thường nên nhân viên Phòng giao dịch Cầu Lão là chị Nguyễn Thị Bích Hạnh đã tạm dừng giao dịch để liên hệ cơ quan Công an phối hợp.

Sau khi được Công an xã Quảng Phú Cầu phân tích về kiến thức phòng, chống tội phạm trong thanh toán, cảnh báo tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ông A đã dần bình tĩnh và ngừng mọi giao dịch, kịp thời giữ lại số tiền 120 triệu đồng.

Công an Hà Nội cho biết, trên đây chỉ là 3 trong số các vụ việc cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy số vụ việc tích cực trên còn khiêm tốn so với thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ cao; nhưng điều này cho thấy, biện pháp tuyên truyền càng bền bỉ, càng đi vào chiều sâu, hướng đến các hộ gia đình, ngân hàng và người dân, chắc chắn sẽ càng phát huy hiệu quả.

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn. Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Theo Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, trong số các tin báo liên quan đến các vụ lừa đảo công nghệ cao, Công an quận đã tiếp nhận 17 tin tội phạm “hack” tài khoản mạng xã hội, giả lập người quen để vay tiền gấp.

Để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã “chỉ mặt, điểm tên” hàng loạt chiêu trò tinh vi của loại tội phạm này.

“Đây là phương thức thủ đoạn khá quen thuộc được các đối tượng sử dụng, nhưng do người dân chủ quan nên vẫn “sập bẫy”. Tội phạm trong quá trình dẫn dắt bị hại thường đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân không có sự đề phòng. Nếu không tỉnh táo, các đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền” – Trung tá Tống Đăng Công nhấn mạnh.

Theo Công an quận Hà Đông, trong quá trình dẫn dắt bị hại, đối tượng lừa đảo đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo công nghệ cao, đơn vị đã đặt biển cảnh báo (khổ A4, nền đỏ, chữ vàng) tại tất cả phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, Công an TP đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân bằng các hình thức như: Thông qua hệ thống loa phát thanh, nhóm Zalo, Facebook phòng, chống tội phạm trên địa bàn các phường; lồng ghép nội dung trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng.

Lực lượng Cảnh sát khu vực chủ động trực tiếp phát các bài tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, người dân; đồng thời, đăng tải bài tuyên truyền trên bảng tin tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa và các cụm dân cư. Đặc biệt, lực lượng Công an cũng phối hợp với các cấp hội tuyên truyền trực tiếp đến từng hội viên nhằm lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, đặc biệt chú ý đến đối tượng là người cao tuổi, sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình. Về phần người dân, cần nâng cao ý thức, kiến thức để phòng tránh và đối phó với những trường hợp lừa đảo trên không gian mạng.

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác

Các chuyên gia pháp lý cho biết, trên thực tế, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài... Trong khi đó, bị hại thường trình báo Công an rất trễ. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ…

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và điều này dẫn đến việc người dân có tâm lý bất an.

Luật sư Hà cũng nhận định, đối với hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt lên đến 20 năm tù.

“Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.

Một số tài khoản giả mạo luật sư có số lượng follow lên đến hơn 23 ngàn người.

Qua những vụ việc như trên, Công an TP. Hà Nội cũng đề nghị, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn lừa đảo tương tự, tránh mắc bẫy các đối tượng xấu.

Để phòng, tránh các đối tượng lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…), tài khoản ngân hàng, mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người xưng là luật sư, công an.

Bên cạnh đó, khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần hết sức bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc có bất cứ một nghi ngờ nào, người dân cần thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top