Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 10:40

Năm 2023, trồng cây gì được đền bù cao nhất khi Nhà nước thu hồi đất?

Mức đền bù cho cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người dân. Nhiều người thắc mắc, vậy trồng cây gì được đền bù cao nhất khi Nhà nước thu hồi đất?

Thế nào là đền bù về cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất?

Về khái niệm thu hồi đất, theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”.

Hiện nay, pháp luật nước ta quy định ba nhóm trường hợp thu hồi đất, song trường hợp thu hồi đất có bồi thường về cây trồng phổ biến là trường hợp thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh; mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 61 và 62 Luật Đất đai năm 2013.

Về khái niệm bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất thì cho đến nay, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan vẫn chưa có khái niệm chính xác, khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định khái niệm “bồi thường về đất”: “Việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất”.

Vì vậy có thể hiểu cây trồng được đền bù khi thu hồi đất là những cây trồng được người nông dân trồng trước đó, tuy nhiên một thời gian thì khu vực đất trồng đó được nhà nước làm những dự án như xây dựng nhà máy, làm cầu đường, làm đô thị, phân khu, phân lô…

Theo quy định thì Nhà Nước sẽ dựa trên số lượng cây trồng cũng như tùy thuộc từng loại cây trồng cụ thể mà sẽ bồi thường cho các hộ dân.

Nhà nước sẽ tiến hành bồi thường cho những trường hợp bị thu hồi khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất mà người sử dụng đất bị thiệt hại về tài sản do quá trình thu hồi đất gây ra. 

trồng cây gì được đền bù cao nhất

Trồng cây gì được đền bù cao nhất khi Nhà nước thu hồi đất? (Ảnh minh họa)

Cây gì được đền bù cao nhất khi thu hồi đất?

Khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất mà người sử dụng đất bị thiệt hại về tài sản do quá trình bồi thường gây ra thì được Nhà nước tiến hành bồi thường.

Theo nguyên tắc đền bù cây trồng khi thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

"1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”

Theo quy định trên, khi Nhà nước thu hồi đất mà có thiệt hại cho cây trồng thì việc bồi thường được tính như sau:

- Trường hợp 1: Bồi thường với cây trồng hằng năm

  • Mức bồi thường được tính theo giá trị sản lượng của vụ thu hoạch.

  • Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.

- Trường hợp 2: Bồi thường với cây trồng lâu năm

  • Mức bồi thường được tính theo giá trị sẵn có của vườn cây lâu năm theo khung giá ở địa phương vào thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.

  • Ngoài việc bồi thường đối với đất (nếu đủ điều kiện được bồi thường) thì còn được bồi thường đối với cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Mỗi địa phương giá của vườn cây lâu năm tại ở từng thời điểm là khác nhau.

- Trường hợp 3: Bồi thường với cây trồng có thể di chuyển đến nơi khác

  • Trường hợp cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến nơi khác thì sẽ được bồi thường phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.

  • Thông thường việc bồi thường với cây trồng có thể di chuyển đến nơi khác áp dụng với các loại cây trồng lâu năm.

- Trường hợp 4: Bồi thường về rừng

Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây.

Theo nguyên tắc trên, có thể thấy trong tất cả các loại cây trồng, cây trồng lâu năm là loại cây được tính giá trị đền bù “có lợi” nhất đặc biệt là cây ăn quả.

Điều này được thể hiện rất rõ trong các quyết định về mức bồi thường cây trồng khi thi hồi đất  được UBND cấp tỉnh tại các địa phương ban hành. Cụ thể có thể kể đến:

- Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND tỉnh Hưng Yên về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên: Cây lâu năm được tính theo giá trị hiện có của vườn cây.

Nếu cây mới đầu tư: Bồi thường chi phí mua cây, chi phí khác và công chăm sóc. Cây lâu năm trong vụ thu hoạch: tính bồi thường theo đường kính gốc hoặc đường kính tán lá. Đối với cây phải chặt bỏ: bồi thường chi phí chặt hạ.

- Quyết định 10/2017/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về bồi thường, hỗ trợ, và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội;

- Quyết định 05/2021/QĐ-UBND của UBND Thành phố Đà Nẵng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ví dụ: Các cây: Chanh, Cam, Quýt, Bưởi: Nếu có quả – 300.000 đồng/1 cây. Chưa có quả: 250.000 đồng/1 cây. Cây mới trồng 1- 2 năm: 117.000 đồng/1 cây. Cây con: 10.000 đồng/1 cây….

Như vậy, căn cứ vào bảng giá đền bù thiệt hại đối với cây trồng khi thu hồi đất, có thể kể đến một số loại cây trồng có giá đền bù cao nhất như sau:

- Cây ăn quả cây công nghiệp lâu năm: cây vải, cây táo, mận, nhãn, lê, lựu, vú sữa, chanh…

- Cây trồng thời vụ: củ mì, khoai, mía, đậu, rau, lứa nước…

- Cây lâu năm: xoan, tre, bạch đàn, nứa…

- Cây hoa, cây cảnh

Trong danh mục đền bù thiệt hại khi thu hồi và giải phóng mặt bằng thì danh sách những cây trên đều được bồi thường với mức giá tốt nhất. Vì vậy mọi người có thể trồng thêm những cây này để được đền bù ở mức giá cao nhất.

Cây trồng cần đáp ứng điều kiện gì để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất?

Theo Điều 88 Luật Đất đai năm 2013, nhà nước sẽ cung cấp bồi thường đất và tài sản trên đất theo nguyên tắc cụ thể. Vì vậy, để có thể nhận được bồi thường từ nhà nước, cây trồng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, cây trồng phải được tuân thủ quy định pháp luật. Theo Điều 6 và Điều 92 của Luật Đất đai năm 2013, cây trồng chỉ được coi là hợp pháp khi thỏa mãn 3 yếu tố sau đây:

- Cây trồng phải được trồng trên đất sử dụng đúng mục đích.

- Cây được trồng trước khi có kế hoạch, quyết định thu hồi đất;

- Đúng quy hoạch, đúng kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện.

Thứ hai, cây trồng đó đã gánh chịu những thiệt hại do việc thu hồi đất của Nhà nước. Nói cách khác, hoạt động thu hồi đất chính là nguyên nhân gây ra trực tiếp những thiệt hại cho cây trồng. Thiệt hại này là hậu quả trực tiếp của hoạt động thu hồi. Có mối quan hệ nhân quả giữa hai vấn đề này.

 

 

Linh Trang/Luatvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Top