Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 11 năm 2023 | 21:36

Người nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong mong sớm tìm được đầu ra

Những ngày này, người dân nuôi tôm hùm bông ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) như ngồi trên đống lửa vì không có thương lái nào đến mua hay đặt tiền cọc như những năm trước.

Tôm hùm bông tồn đọng hàng trăm tấn

Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh được xem là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của tỉnh Khánh Hoà với 35.000 lồng nuôi. Khác với những năm trước cứ đến vụ thu hoạch tôm hùm bông là mờ sáng xe cộ, ngư dân, thương lái nói chuyện rôm rả về chuyện thu mua tôm hùm bông thì những ngày gần đây, nơi đây lại ảm đạm, vắng vẻ do thương lái dừng thu mua. Người nuôi tôm hùm bông như ngồi trên đống lửa khi không có thương lái nào đến mua hay đặt tiền cọc.

Ông Phùng Văn, người nuôi tôm hùm bông tại vịnh Vân Phong cho biết, gia đình ông thả 4.000 con tôm hùm bông giống chia làm 2 đợt, mỗi đợt thả cách nhau nửa tháng. Giờ lứa đầu đã đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được do không có đầu ra và cộng với giá đang giảm mạnh. Gia đình đang tìm cách “cầm cự” bởi chi phí nuôi tôm tăng mỗi ngày.

Việc không có đầu ra đang khiến người nuôi tôm lao đao.

Theo người dân, cách đây một tháng, tôm hùm thương phẩm tiêu thụ khá thuận lợi, giá thương lái thu mua từ 1,9-2,1 triệu đồng/kg loại 1 và từ 1,6-1,7 triệu đồng/kg loại 2. với giá này, người nuôi sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng từ 500 - 600 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây thương lái dừng thu mua. Việc không có đầu ra đang khiến người nuôi tôm lao đao. Một nỗi lo nữa của người nuôi tôm hùm là mùa mưa bão đang đến, nếu tôm không bán được mà gặp bão thì nguy cơ trắng tay rất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Hoà, một ngươi dân nuôi tôm hùm bông gần đó cho biết, nghề nuôi tôm hùm đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn bởi thời gian nuôi tôm hùm bông kéo dài từ 18-20 tháng, khi đó tôm mới đạt kích cỡ khoảng 0,8 - 1 kg/con. Vì vậy, việc thương lái chỉ mua tôm hùm xanh mà không mua tôm hùm bông đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con. Tôm đến kỳ xuất bán mà không bán được khiến chi phí tăng lên, bà con càng nuôi càng lỗ. “Người nuôi tôm hùm bông đang trông chờ cơ quan chức năng tìm giải pháp tiêu thụ, bởi tôm đã đạt trọng lượng xuất bán nhưng không có người mua và nếu tồn lâu ngày có bán giá cao cũng sẽ lỗ vì chi phí đội lên”, ông Hoà nói.

Theo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 35.000 ô lồng nuôi tôm hùm các loại; trong đó, khoảng 50% số ô lồng nuôi tôm hùm bông. Hiện nay tôm loại 1 cơ bản đã tiêu thụ được hơn 70%, còn tôm loại 2 dưới 1kg/con mới chỉ bán được khoảng 150 tấn. Tổng sản lượng tôm hùm bông còn tồn đọng là khoảng 500 tấn.

Trước tình hình này, địa phương khuyến cáo người nuôi tập trung chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của thị trường. Hiện nay, mùa mưa bão đến rất gần, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đã được hướng dẫn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Trung Quốc sửa luật, tôm hùm xuất khẩu khó khăn

Thị trường tiêu thụ tôm hùm các loại chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, cấm bắt và buôn bán tôm hùm bông thiên nhiên. Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2. Điều này khiến việc bán tôm hùm bông phục vụ xuất khẩu càng thêm khó khăn, bởi con giống của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu và khai thác tự nhiên, trong nước chưa sản xuất nhân tạo được.

Những lồng tôm của ngư dân đến kỳ thu hoạch

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 2.700 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng 900 hộ nuôi tôm hùm bông với số lượng gần 100.000 lồng, tương đương 1.000 tấn. Đối với mặt hàng tôm hùm, không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều thị trường khác trên thế giới đều muốn Việt Nam xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Do đó, các doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.

Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top