Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 12 năm 2022 | 10:7

Quyết liệt “đẩy lùi” vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và tạm giữ nhiều lô hàng, mặt hàng giả, kém chất lượng, thuộc hàng cấm… Vi phạm xuất hiện ở nhiều nơi và được bày bán tràn lan tại các cửa hàng tạp hóa.

Liên tục phát hiện, tạm giữ nhiều lô hàng thuốc lá lậu

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 phối hợp với Phòng PC 03 - Công an tỉnh Bình Dương thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Tại trạm thu phí cầu Phú Cường thuộc địa bàn phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp Công an TP Thủ Dầu Một phát hiện ô tô nhãn hiệu Toyota Innova, biển kiểm soát 51G-086.31 có dấu hiệu nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra.

Thời điểm kiểm tra, trên xe có chứa 15.000 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu các loại với số lượng cụ thể gồm: 13.000 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu nhãn hiệu JET và 2.000 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu nhãn hiệu HERO.

Số thuốc lá lậu bị cơ quan chức năng Bình Dương thu giữ. Ảnh: QLTT

Toàn bộ số lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trên bị tạm giữ và hồ sơ vụ việc do Đội Cảnh sát Kinh tế và Ma tuý Công an thành phố Thủ Dầu Một thụ lý, thiết lập để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.

Tương tự, trước đó tại Kiên Giang, Đội QLTT số 5, Cục QLTT Kiên Giang nhận được thông tin về hành vi vi phạm buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Đội QLTT số 5 đã tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin trên.

Qua thẩm tra, xác minh, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh P.T, có địa chỉ tại xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Kết quả kiểm tra tại hộ kinh doanh có bán thuốc lá điếu nhập lậu các nhãn hiệu Hero, Jet, 555, số lượng 393 bao. Hộ kinh doanh không xuất trình được các chứng từ có liên quan đến lô hàng trên.

Đội QLTT số 5 đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ 393 bao thuốc lá và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Vụ việc đã được Đội trưởng Đội QLTT số 5 trình Cục trưởng Cục QLTT Kiên Giang đề nghị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 15 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật theo quy định.

Cũng liên quan đến thuốc lá lậu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Đặng Văn Hiệp (ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) để điều tra về hành vi vận chuyển hàng cấm là 14.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Qua đó, Hội đồng tiêu hủy thuốc lá của Ban Chỉ đạo Chống Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức tiêu hủy 54.929 bao thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điếu giả các loại.

Thực tế trên cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, thu giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, thuốc lá lậu vẫn tiếp cận người dùng dễ dàng với giá cả cạnh tranh hơn.

Số lượng hàng hóa vi phạm xuất hiện ở nhiều nơi

Điểm lại một số vụ việc điển hình gần đây, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, vụ việc kiểm tra, phát hiện vi phạm tại cửa hàng Trang Nemo vừa qua là một ví dụ. Số lượng hàng hóa vi phạm tại đây rất lớn.

Trước đó, cuối tháng 11-2022, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra, bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu ở xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh, TP.HCM. Qua đấu tranh, lực lượng phát hiện, lượng lớn hàng giả, hàng nhái sản xuất trong nước nhưng lại vận chuyển, đưa sang biên giới, rồi nhập lại về Việt Nam.

Trước đó, tại Tuyên Quang hay Thanh Hóa, lực lượng Quản lý thị trường cũng phát hiện, xử lý nhiều cơ sở, kho hàng "khủng" đang kinh doanh, chứa trữ nhiều hàng hóa vi phạm, không rõ nguồn gốc.

“Lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra ở nhiều địa phương nhận thấy rằng, nạn hàng giả, gian lận thương mại xuất hiện ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương lớn, cả địa bàn hẻo lánh với những vụ việc quy mô lớn, liên tỉnh”, ông Trần Hữu Linh nói.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hơn 2.000 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu

Đáng chú ý, năm 2022, tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở hầu như không có. Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả lại chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí hàng giả còn vận chuyển ra phía Bắc.

Đại tá Vũ Như Hà- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cũng cho hay, trong năm 2022, lực lượng công an đã bắt giữ 3.670 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, trong , trong đó đã khởi tố 1.250, tạo sức răn đe phòng ngừa đối với các loại hình tội phạm. Đặc biệt, thời gian qua, các loại hình tội phạm đã dùng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết với tội phạm hình sự như lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển mua bán ngoại tệ… đòi hỏi lực lượng phải phối hợp nhiều hơn nữa.

Theo đại diện các Bộ, ngành, năm 2022, dù hàng trăm nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện song đây vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nguyên nhân là do với hàng chục ngàn cây số đường biển, đường biên giới, hàng trăm ngàn cây số đường bộ, đường sắt, đường hàng không…

Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho vi phạm

Lực lượng QLTT cho biết, từ đây đến cuối năm 2022, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, hàng hóa lưu thông, cung ứng ra thị trường phục vụ dịp Lễ, Tết sẽ tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Lực lượng QLTT khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh không tiếp tay kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không đạt chất lượng.

Cùng đó, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường giám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, nhất là đối với các mặt hàng trọng điểm như thực phẩm, thuốc lá, đường cát, xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo kế hoạch, toàn lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết thêm, Ban chỉ đạo sẽ thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu thẩm lậu sâu vào nội địa.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top