Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2022 | 11:26

Thu giữ số lượng lớn hàng phân bón giả, không rõ nguồn gốc

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021-2025 của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, QLTT các địa phương đã vào cuộc, thu giữ số lượng lớn hàng phân bón giả, hàng không rõ nguồn gốc...

Vi phạm trong kinh doanh phân bón

Thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) vừa tiến hành kiểm tra đối với 01 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Gò Công Tây.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh phân bón có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, Đoàn kiểm tra có lấy 02 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, cả 02 mẫu này đều là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 70 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 kiểm tra các thông tin trên nhãn phân bón

Do hành vi buôn bán phân bón giả có dấu hiệu tội phạm nên sau khi lập biên bản vi phạm, Đội QLTT số 4 chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Gò Công Tây để điều tra, xử lý.

Tiếp đó, Công an huyện Gò Công Tây đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ cho Đội QLTT số 4 để xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về 03 hành vi vi phạm nêu trên với tổng số tiền gần 180 triệu đồng. Đến nay, cá nhân này đã nộp tiền phạt theo quy định.

Tạm giữ nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Đội QLTT số 3 vừa phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 01 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sơn La) và Đội cảnh sát điều tra về kinh tế - chức vụ Công an huyện Vân Hồ đã tiến hành khám xe ô tải mang BKS 26H-004.12 do tài xế Lềm Văn Biên, thường trú tại bản Đứa Muội, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, điều khiển. Tại thời điểm khám, lực lượng chức năng đã phát hiện một số hàng hóa không rõ nguồn gốc và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, (gồm: Hàng không rõ nguồn gốc là 135 đôi giày thể thao các loại, 20 cái chăn chữ vạn, 18 nồi nấu ăn các loại, tổng giá trị hàng hóa là 12.290.000 đồng và 170 đôi giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS đang được bảo hộ tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa là 18.700.000 đồng).

Tạm giữ nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bày bán cho bà con vùng cao

Ngoài ra, Đội QLTT số 3 còn phối hợp với Đội cảnh sát điều tra về kinh tế - chức vụ (Công an huyện Mộc Châu) kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh Giầy dép tại Tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu do Ông Phan Văn Lợi làm đại diện. Qua kiểm tra thực tế, Đội QLTT số 3 phát hiện cửa hàng bày bán 160 đôi giày thời trang, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hoá là 22.800.000 đồng.

Qua làm việc các đối tượng trình bày toàn bộ hàng hóa nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa mới nhập đang trên đường vận chuyển và trưng bày để bán thì bị lực lượng kiểm tra, bắt giữ.

Đội QLTT số 3 đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thu giữ 6 tấn gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Theo thông tin phản ảnh của quần chúng nhân dân thì có một số loại gạo đang lưu thông trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác giám sát và quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhằm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thu giữ 6 tấn gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại 03 cơ sở kinh doanh ở Bạc Liêu

Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra đột xuất 03 cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Qua kiểm tra thực tế tại 03 cơ sở kinh doanh phát hiện 6 tấn gạo (loại 25kg/bao và loại 50kg/bao) trên bao bì không có thông tin để xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, chủ cơ sở không xuất trình giấy tờ có liên quan đến hàng hóa để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cũng như nơi sản xuất của số gạo này, tổng trị giá ước tính 71 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở vi phạm, đồng thời tạm giữ và niêm phong toàn bộ số gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tịch thu 3 tấn đường cát nhập lậu qua địa bàn Phú Yên

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 2 – Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an huyện Phú Hòa kiểm tra đột xuất tại Hộ kinh doanh Hoàng Tuấn do ông Lê Tuấn Hợi là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ: Thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Kết quả kiểm tra: Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa gồm 3.000kg đường kính trắng do Thái Lan sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; trên nhãn hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Qua làm việc ông Lê Tuấn Hợi khai số đường trên mua lại của nhiều người, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Hoàng Tuấn về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt tiền: 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng chẵn) và tịch thu tang vật vi phạm hành chính là 3.000 kg đường kính trắng, do Thái Lan sản xuất.

Xử phạt khi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc theo quy định như thế nào?

Theo quy định của pháp luật tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau:

"Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp
...
12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
..."
Như vậy đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không biết rõ xuất xứ hàng hóa thì pháp luật quy định hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và mức cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân.

Còn đối với tổ chức thì sẽ phạt gấp đôi theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.

Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Tại khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:

"Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
...
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Theo Điều 33 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, cụ thể như sau:

"Điều 33. Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện."
Từ quy định nêu trên, đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thì áp dụng biện pháp khắc hậu quả đó là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hạ, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top