Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 7 năm 2009 | 2:0

Ai đền bù cho người dân và doanh nghiệp khi cắt điện?

Cắt điện, doanh nghiệp kêu trời

Mấy ngày gần đây, hàng chục doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) như ngồi trên đống lửa khi nhận được thông báo từ Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước sẽ cắt điện 4 ngày cuối tháng 7/2009 để phục vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thi công đường dây 220kV từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về TP.Hồ Chí Minh. Vấn đề trở nên bức xúc đến nỗi, ngày 15/7, Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước phải tổ chức họp gấp để bàn biện pháp đối phó. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, việc cắt điện trong 4 ngày (25 – 28/7) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) cho biết, việc cắt điện trong 4 ngày của Điện lực Hiệp Phước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công cảng container của SPCT. Dự kiến, Công ty này thiệt hại khoảng 530.000 – 550.000 USD. Trong khi đó, theo tính toán của ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó giám đốc Công ty Hai Thanh Food, 60 doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước sẽ thiệt hại khoảng 9 triệu USD. Lãnh đạo Công ty Dầu thực vật Cái Lân nêu ra khó khăn khi mất điện: “Do đặc thù sản xuất tinh dầu là máy phải chạy 24/24 giờ nên khi cắt điện, việc khởi động lại hệ thống máy móc là rất khó”.

Cắt điện không báo trước, bị phạt 7 triệu đồng

Đó là một trong những nội dung chính trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực của Bộ Công Thương. Theo dự thảo, đơn vị điện lực có thể bị phạt đến 7 triệu đồng nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo trước cho khách hàng.

Các đơn vị điện lực cũng có thể bị phạt đến 3 triệu đồng nếu không kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện sau năm ngày làm việc kể từ khi bên mua điện yêu cầu bằng văn bản. Đơn vị điện không hướng dẫn về an toàn điện cho khách hàng cũng bị phạt đến 3 triệu đồng.

Dự thảo cũng tăng mức phạt đối với hành vi trộm cắp điện. Người sử dụng điện sẽ bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng nếu có hành vi trộm cắp điện để dùng sinh hoạt, tùy theo số lượng điện trộm. Hiện nay, hành vi này chỉ bị phạt từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng. Nếu trộm cắp điện không phải để dùng cho mục đích sinh hoạt mà dùng mục đích khác thì mức phạt sẽ từ 5 đến 40 triệu đồng, trong khi hiện nay chỉ phạt đến 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hán, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước cho rằng, Điện lực Hiệp Phước hoàn toàn có thể vừa cung cấp điện cho hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong KCN mà vẫn có thể cắt đường dây 110kV vì trên thực tế đường dây 11kV và đường dây cấp cho doanh nghiệp là hai hệ thống riêng. Trong khi đó, ông Henry Lin, Phó tổng giám đốc Điện lực Hiệp Phước chỉ đưa ra lời xin lỗi chung chung và tuyên bố vẫn cắt điện vì nếu phát điện sẽ không bảo đảm an toàn.

Điều khiến các doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước băn khoăn chính là nếu sự cố cắt điện xảy ra thì phương án đền bù cho những thiệt hại của doanh nghiệp là như thế nào? Ai chịu trách nhiệm cho những thiệt hại ấy?

Cắt điện vẫn chưa chấm dứt

Trong cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với cung – cầu điện mùa khô 2009 mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tình hình cung ứng điện đang vào giữa mùa cao điểm và tình trạng thiếu điện vẫn có thể xảy ra do diễn biến bất thường của thời tiết, hoặc hệ thống điện gặp sự cố. Theo EVN, hiện nay công suất nguồn điện đang chênh lệch, đặc biệt là tại miền Bắc. Hệ thống điện luôn trong tình trạng thiếu công suất từ 17,2 - 20,3%, nên phải nhận điện với cường độ lớn tải từ Nam ra qua đường dây 500kV Bắc – Nam. Đại diện EVN cũng cho rằng, trong trường hợp bất khả kháng, nếu việc thiếu điện quá căng thẳng sẽ buộc phải cắt điện luân phiên.

Điều đó có nghĩa là, người dân và doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đối phó với tình trạng mất điện, cắt điện triền miên. Trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực của Bộ Công Thương, nếu cắt điện không báo trước sẽ bị phạt tiền. Đây là việc làm cần thiết để nâng cao trách nhiệm của ngành điện. Nhưng vấn đề là những thiệt hại do việc cắt điện gây ra đã nhìn thấy nhãn tiền ở nhiều địa phương nhưng người dân vẫn tự khắc phục hậu quả mà chưa nhận được sự đền bù nào từ ngành điện. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự “độc quyền”; ngành điện đưa ra lý do hệ thống điện xuống cấp là do không đủ vốn để nâng cấp nhưng EVN vẫn “lấn sân” sang những lĩnh vực khác. Cốt lõi của vấn đề vẫn là sự quản lý còn quá lỏng lẻo, dẫn đến thiệt hại chỉ người dân và doanh nghiệp gánh chịu.

Phương Nguyên

Bắc Giang: Nhiều trang trại lao đao vì mất điện

Ông Lê Văn Hiến, Xí nghiệp chăn nuôi Hoàng Hường (TP. Bắc Giang - Bắc Giang) cho biết: “Tính đến nay, xí nghiệp đã có hơn 300/1.000 con lợn bị chết hoặc rối loạn sinh sản. Số còn lại cũng đang có hiện tượng khó thở, thở dốc,... Nguyên nhân chính là do hệ thống điện lưới quá yếu. Thêm vào đó, nắng nóng khiến hệ thống làm mát, đường nước của xí nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Anh Nguyễn Văn Luân, Chủ TT thuộc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, xã Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội):

Cần báo trước khi cắt điện!

Thời gian qua, việc cắt điện triền miên, không báo trước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho HTX, hàng ngàn con lợn, gà không bệnh mà chết. Nguyên nhân là do chúng tôi đang áp dụng hình thức nuôi khép kín, tức là vật nuôi sẽ được làm mát về mùa hè hoặc sưởi ấm về mùa đông bằng quạt thông gió và hệ thống nước tưới chạy quanh chuồng. Khi mất điện, hệ thống này ngừng hoạt động, vật nuôi bị ngạt thở do trong chuồng nóng hơn bên ngoài. Điều đáng nói là vật nuôi có trọng lượng lớn thường dễ chết hơn.

Có lẽ thiệt hại sẽ không lớn nếu ngành điện chủ động báo trước cho người chăn nuôi. Nhưng do không được báo trước nên mỗi lần mất điện, chúng tôi đều bất ngờ. Mong mỏi lớn nhất của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông là trong thời gian tới, ngành điện nên thông báo trước khi có sự cố mất điện cũng như cần có chính sách ưu tiên đối với những hộ chăn nuôi tập trung.

Diệp An (ghi)

Ông Trần Lê Văn, chủ trang trại ở thôn I, xã Bảo Sơn (Lục Nam) có 400 con lợn thì 10% trong số này đã chết, nhiều con đang ở tình trạng bị ảnh hưởng sinh sản, đẻ yếu, lưu thai... Mặc dù đã tìm mọi biện pháp cứu vãn đàn lợn nhưng điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng thêm nguồn điện “phập phù” nên mọi cố gắng của ông đều trở nên vô nghĩa. Dù phải chi các khoản như xăng dầu, máy móc, hệ thống phông bạt, làm mát gấp 1,5 - 2 lần so với bình thường nhưng trang trại vẫn không khác nào “lò bát quái”.

Không chỉ ở TP. Bắc Giang, Lục Nam mà người dân ở Lục Ngạn, Việt Yên, Lạng Giang... cũng khốn đốn do mất điện, chăn nuôi đình đốn, làm ăn thua lỗ. ông Bùi Văn Thắng, chủ trang trại ở Hố Vầu (Tân Hưng - Lạng Giang) tâm sự: “Mặc dù trang trại thiết kế theo kiểu chuồng hở và luôn có máy phát điện độc lập nhưng cũng khó chống được với việc mất điện đột xuất. Thực trạng này gây thiệt hại rất lớn trong chăn nuôi mà đáng sợ nhất là tốc độ lợn chết rất nhanh. Điều này dẫn tới việc xử lý quá tải, chúng tôi chủ yếu chọn giải pháp chôn lấp tại chỗ, vẫn biết đây chính là nguy cơ khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào nhưng chẳng ai biết lựa chọn phương án khả quan hơn”.

Hiện tại, việc chăn nuôi ở các trang trại đang gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng mất điện vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện. Người chăn nuôi đang rất cần sự vào cuộc của ngành điện và chính quyền địa phương. Biện pháp hữu hiệu đầu tiên để không bị xoá sổ các trang trại chăn nuôi là cần ưu tiên cấp điện, đồng thời cần có bảng giá điện phù hợp, tránh việc nhập nhằng của ngành điện trong việc tính giá điện.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top