Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 11 năm 2014 | 8:50

Bài 16: Hàng trăm doanh nghiệp cầu cứu… Chính phủ

KTNT - Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương vừa bị chính quyền địa phương niêm phong lò gạch, hủy hóa đơn thuế, thu hồi giấy phép kinh doanh… Ngoài ra, lãnh đạo địa phương còn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chặn bắt xe chở vật liệu, sản phẩm liên quan đến sản xuất, mua bán gạch Hoffman khiến cho hàng trăm cơ sơ kinh doanh cùng người lao động khốn đốn.
 

>> Bài 15: Bác nguyện vọng của doanh nghiệp

 
Điều đáng nói là địa phương viện dẫn nguyên nhân của các hành động quyết liệt nêu trên là do các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman đã xây dựng không phép, hoạt động “chui” trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến những địa bàn không được quy hoạch sản xuất vật liệu đất sét nung…
 
Trước  xúc của người dân, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên tỉnh Bình Dương "bặt vô âm tín"


Làm một đằng, nói một nẻo

 Ngày 25-9-2014, ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ra Thông báo 208/TB – UBND, trong đó nêu rõ: Sau khi nghe lãnh đạo Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã thông báo về tình hình xử lý các lò gạch thủ công và lò gạch Hoffman xây dựng không đúng quy định, không có phép trên địa bàn, tỉnh giao UBND các huyện, thị xã xét mức độ và lĩnh vực vi phạm của các cơ sở, doanh nghiệp tiến hành xử lý vi phạm.
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, vừa qua, các huyện, thị xã của tỉnh Bình Dương đã ra hàng loạt quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn. Điều này khiến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman hết sức bức xúc. Họ cho rằng, lãnh đạo địa phương đã “làm một đằng, nói một nẻo”.
 
Bà Võ Thanh Hiền, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở huyện Phú Giáo, cho biết: Tất cả các cơ sở - doanh nghiệp của chúng tôi khi hoạt động sản xuất, đều được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận với ngành nghề sản xuất gạch xây dựng. Trong lúc chúng tôi xây dựng lò, chuyển đổi công nghệ sản xuất thì UBND tỉnh cũng như chính quyền địa phương không có ý kiến gì. Họ vẫn chấp nhận để cho chúng tôi bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng lò với công nghệ sản xuất mới mà không yêu cầu chúng tôi phải thay hoặc đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bây giờ, chính quyền lại bảo rằng chúng tôi hoạt động sản xuất không phép, sai phép, để từ đó có cớ cưỡng chế, không cho chúng tôi hoạt động nữa là sao? Như vậy có đúng với pháp luật không? Nếu bảo chúng tôi hoạt động “chui” thì tại sao trong chừng ấy năm, chẳng có cơ quan chức năng nào “sờ gáy”; tại sao vẫn “nhắm mắt cho qua” khi hàng trăm cơ sở, sản xuất gạch Hoffman hoạt động, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu gạch xây dựng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Và đặc biệt, nếu chúng tôi hoạt động “chui” thì tại sao ngành Điện lực lại cung cấp điện cho chúng tôi hoạt động, ngành Thuế vẫn thu thuế của chúng tôi đều đều, không thiếu một xu… Phải chăng, từ trước đến nay, các cơ quan của tỉnh đã “đồng lõa” với những cơ sở, doanh nghiệp “vi phạm”? Phải chăng nhiều công trình xây dựng, nhiều hoạt động phúc lợi phải nhờ tiền thuế của những đơn vị “sai phạm” như chúng tôi mà có?...
 
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các hộ dân mà chính quyền tỉnh Bình Dương nói họ hoạt động không có giấy phép.
 
Bà Bùi Ngọc Ảnh, chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman khác cũng cho hay: Ngày 23-3-2008, UBND huyện Phú Giáo ra quyết định cấp giấy phép xây dựng cho chúng tôi mở rộng lò gạch. Thế mà, ngày 21-10-2014, theo chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Phú Giáo lại ra hàng loạt quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nói chúng tôi không có giấy phép kinh doanh, không giấy phép xây dựng. Nếu vì lý do này thì chúng tôi không phục. Nếu chúng tôi không giấy phép kinh doanh thì sao dám bỏ ra hàng chục tỷ động xây dựng lò gạch Hoffman và hoạt động tới đây. Trách nhiệm đóng thuế cho địa phương mỗi năm hàng tỷ đồng, chúng tôi cũng không hề xao nhãng. Sao giờ đây lãnh đạo tỉnh lại làm việc theo cảm tính thế!
 
Liên quan đến lý do, các lò gạch xây dựng ở nơi không đúng quy hoạch của địa phương, ông Lâm Thành Nhung, chủ cơ sở sản xuất gạch ở xã Khánh Bình, thị xã Tân Uyên phân tích: Thực tế, huyện Tân Uyên chỉ mới lên thị xã hơn một năm nay, thậm chí nhiều người dân còn chưa biết việc này vì đời sống dân cư ở đây còn quá nghèo nàn, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn. Trước đây, Tân Uyên lại là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Sông Bé, chính quyền đã vận động, kêu gọi người dân, cùng các cơ sở sản xuất gạch về đây sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, địa bàn này là nơi có số lượng lò sản xuất gạch nhiều nhất tỉnh Bình Dương. Chúng tôi đã theo quy hoạch đến đây để sinh sống, hoạt động sàn xuất kinh doanh gạch với số lượng lớn, đóng góp không nhỏ cho nguồn thu ngân sách huyện. Chúng tôi đã góp phần cùng với địa phương biến huyện vùng sâu, vùng xa trở thành huyện năng động đầy sức sống. Nay, huyện vừa mới lên thị xã đã “tham bát bỏ mâm”, “qua cầu rút ván”, yêu cầu chúng tôi phải dẹp ngay lò gạch trong khu thị xã, thị tứ, phải chăng là quá bất công? Như thế này mà UBND tỉnh cho là không đúng quy hoạch là đúng hay sai?
 
 
Chính phủ đã có lộ trình, sao Bình Dương không làm theo?
 
Theo ông Lâm Thành Nhung, gần 10 tháng nay, chủ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã liên tục gửi đơn từ Trung ương đến địa phương cầu cứu nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi. Tình trạng này nếu cứ kéo dài, các cơ sơ, doanh nghiệp tất yếu sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản, hàng chục ngàn lao động mất việc làm, đi vào con đường nghèo đói. Chưa kể, việc thiếu hụt một lượng lớn nguồn cung từ gạch Hoffman sẽ khiến giá gạch đất sét nung bị đẩy lên cao, dẫn đến thị trường gạch ở tỉnh Bình Dương mất ổn định. Gạch Tuynel ở thế độc quyền thì tình trạng làm giá, ép người tiêu dùng sẽ diễn ra.
 
Các ngành chức năng tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận xây dựng cho các hộ kinh doanh
 
Vừa qua, Chính phủ đã có các quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman ổn định hoạt động đến năm 2018-2020. Điển hình như Quyết định số: 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ; trước đó là Công văn số: 896/BXD-VLXD ngày 1-6-2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương lại có Thông báo số: 169ATB-UBND ngày 2-7-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh và Thông báo số: 208/TB-UBND ngày 25-9-2014 của Phó Chủ tịch tỉnh, chỉ đạo chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh. Về thời gian, các quyết định của Chính phủ và công văn của Bộ Xây dựng đều ra và có trước các thông báo của UBND tỉnh Bình Dương, vậy phải chăng UBND tỉnh đã không tuân thủ các quyết định của Thủ Tướng và Bộ Xây dựng hay quyết định của cấp tỉnh cao hơn quyết định của Trung ương? 
 
Một số chủ doanh nghiệp bức xúc: Chúng tôi sản xuất, kinh doanh không vi phạm pháp luật, còn chính quyền lại làm trái pháp luật, ngang nhiên niêm phong lò gạch không cho chúng tôi hoại động. Nghĩa vụ nộp thuế chúng tôi thực hiện đầy đủ thì tại sao các chi cục thuế ngang nhiên không cung cấp hóa đơn theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời tiến hành thu hồi hóa đơn mà cơ sở - doanh nghiệp đang sử dụng. Việc làm này của ngành thuế đã trái với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, làm thiệt hại không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi. Trong khi chúng tôi cần hoạt động để trả nợ ngân hàng, nuôi công nhân, người lao động để chờ Chính phủ có ý kiến chỉ đạo giải quyết thì Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Giáo dựa trên cơ sở nào để công bố quyết định cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt hành chính chúng tôi. Chúng tôi không hiểu và khẳng định rằng không nhận được quyết định xử phạt hành chính nào cả? Gần 10 tháng nay, tất cả cơ sở, doanh nghiệp cùng người lao động của chúng tôi đều sống trong thấp thỏm, lo sợ, nợ nần, thiếu đói, vì sự o ép của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và địa phương. Ngay cả việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Liêm tổ chức họp báo hứa sẽ trợ cấp thất nghiệp hoặc đào tạo nghề, hỗ trợ cho những lao động làm việc tại lò gạch Hoffman có công ăn việc làm để ổn định cuộc sống thì trên thực tế, đã 5 tháng trôi qua, vẫn chưa có cơ quan nào đến đề cập vấn đề hay nắm danh sách công nhân để hỗ trợ. Trong lúc chính quyền hành xử theo kiểu “đem con bỏ chợ” thì các chủ lò gạch vẫn cưu mang công nhân hàng ngày. Giờ chính quyền bảo dẹp, dẹp hết thì họ sống bằng gì?
 
Các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman kiến nghị: Nếu thực hiện lộ trình thì phải bố trí cho chúng tôi một nơi quy hoạch mới. Chúng tôi thiết tha mong UBND tỉnh cho chúng tôi tiếp tục sản xuất gạch Hoffman theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Xây dựng đến năm 2018 và chậm nhất 2020 để có thêm thời gian trả nợ ngân hàng, ổn định đời sống cho người lao động. Chúng tôi cam kết đến năm 2020 sẽ tự nguyện chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung để thực hiện lộ trình gạch không nung của Chính phủ.

 
Ngày 20-10-2014, xét đề nghị của Văn phòng Luật sư Phạm Sơn tại Công văn số: 12/2014/LSPS ngày 22-9-2014 về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, xem xét và giải quyết đề nghị của Văn phòng Luật sư Phạm Sơn theo quy định, báo cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Nhưng trên thực tế, đến nay tỉnh Bình Dương chưa đả động đến vấn đề này.
 
       Nhóm PV điều tra
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nhập lậu gia cầm vẫn tiếp diễn phức tạp

    Nhập lậu gia cầm vẫn tiếp diễn phức tạp

    Trước tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện và xử lý.

  • Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Ngày 26/5, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên ban hành kết luật điều tra, đề nghị VKS cùng cấp truy tố 22 nguyên cán bộ, công chức ở thị xã Đông Hòa, trong đó có Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND TX Đông Hòa; Lê Tấn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã vì vi phạm về quản lý đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

  • Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

Top