Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 8 năm 2010 | 4:2

Bình Dân: Mua đất - bán trái phép

Gom đất bằng mọi cách

Bình Dân từng được coi là điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, thế nhưng khi chúng tôi về Phong Nội thì cảnh tượng hoàn toàn trái ngược. Đối lập với cảnh người dân cả xã bận rộn với vụ dưa thì ở Phong Nội, từng tốp người tụ năm, tụ ba tán chuyện. Hỏi ra mới biết, người dân đã bán hết đất nông nghiệp cho chủ lò gạch.

Gần một năm trước, Phong Nội xuất hiện hai “thiếu gia” là Phan Văn Chinh (người cùng thôn) và Đào Văn Mạnh (quê ở Hưng Yên) làm nghề đóng gạch về làng, đi đến các hộ có đất nông nghiệp mua gom.

Bà Vũ Thị K. (85 tuổi) kể lại: “Nghe cán bộ thôn, xã mời ra nhà văn hóa thôn họp nói về phát triển dự án lò gạch gì đó và thông báo ai có ruộng thì bán cho chủ lò gạch với giá hơn 30 triệu đồng/sào. Chẳng biết chữ nghĩa gì, thấy mọi người bán nên tôi cũng điểm chỉ vào tờ giấy mấy anh đó (đầu nậu - PV) đưa”.

Ông Bùi Văn C. (63 tuổi) vẫn giật mình khi nhắc lại câu chuyện bán đất. Hơn 4 sào ruộng hai lúa, một màu tại cánh đồng Phong Nội của nhà ông chỉ sau một ngày đã thành hoang hoá. ông tâm sự: “Có một nhóm người suốt ngày đến gạ tôi bán ruộng, cũng chẳng biết họ mua đất với mục đích gì. Lúc đầu tôi cương quyết không bán nhưng thấy cả xóm, thôn đua nhau bán nên vợ chồng tôi cũng làm theo”.

Là một trong những gia đình kiên quyết không bán đất, bà Bùi Thị Tuyên không khỏi lo lắng: “Nhà chỉ có mấy sào ruộng làm tài sản, những kẻ đi mua đất gạ bán không thành lại “dọa” nhà tôi, nếu không bán, họ phun cát, thuốc trừ sâu vào cánh đồng để dìm chết lúa”. Chỉ tay ra phía cánh đồng, ông Nguyễn Quốc Phiên, chồng bà Tuyên bức xúc: “Gần đây nhất (ngày 18/07/2010), thấy ruộng lúa nhà mình đang xanh tốt bỗng cháy đỏ do thuốc diệt cỏ quá liều, tôi hớt hải lên báo cán bộ thôn, xã và gọi ông Đồng Văn Cương, Trưởng thôn làm chứng”.

Có sự tiếp tay của chính quyền (?)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả thôn Phong Nội có 278 hộ với 1.262 khẩu thì 2/3 số hộ trong thôn đã bán đất ruộng cho chủ lò gạch với diện tích gần 20ha. Từ khi bán đất, nhiều hộ đã khăn gói vào miền Nam mưu sinh.

Mặc dù việc mua bán đất trồng lúa là sai quy định, mục đích sử dụng đất trái với Chỉ thị 69 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về đất hai lúa nhưng UBND xã Bình Dân không những thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn mua bán mà còn có hành động tiếp tay khi mời người dân lên nhà văn hóa thôn Phong Nội làm công tác vận động nhân dân kí giấy bán đất (?).

Qua điều tra, chúng tôi thấy, Phong Nội chưa hề có dự án nào được phê duyệt, cũng chưa đơn vị nào được cấp phép xây dựng, thông tin về dự án nhà máy sản xuất gạch ở đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Ông Vũ Đình Tĩnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành khẳng định: “Việc đất sản xuất nông nghiệp của người dân Phong Nội, sau khi chuyển nhượng đã không sử dụng đúng mục đích, không canh tác, bỏ đất hoang hoá gây lãng phí là sai. Bình Dân không vận động người dân sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích (cả người mua và người bán) là trách nhiệm của xã”. Trao đổi với phóng viên, luật sư Vũ Hải, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhìn nhận: “Việc mua bán đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi công năng của đất là sai pháp luật. Những người mua đất lén lút, trái phép đã vi phạm Luật Đất đai, Nghị định 69 của Chính phủ mới ban hành, đặc biệt là với loại đất hai lúa”.

Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương vào cuộc làm rõ, sớm ngăn chặn tình trạng trên.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top