Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 10 năm 2021 | 21:11

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo hậu dịch Covid-19

Lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp, thông qua cho vay tín dụng chưa bao giờ là hết nóng. Tuy nhiên, khi các địa phương nới lỏng giãn cách chiêu trò lừa đảo này lại hoạt động tinh vi hơn. Nếu khách hàng không tỉnh táo sẽ sập bẫy.

Người tiêu dùng cảnh giác với đa cấp bất chính

Hiện nay, các địa phương đã dỡ bỏ giãn cách xã hội, cũng là lúc các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng có dấu hiệu hoạt động trở lại. Điều mày không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác, đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

 

 Người tiêu dùng cần cảnh giác với bán hàng đa cấp bất chính.

 

Theo quy định hiện nay, các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Một số nhận biết về các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có dấu hiệu biến tướng, lừa đảo khi kêu gọi người tham gia. Người tham gia nên tìm hiểu kỹ, cân nhắc, tránh vướng tình cảnh “tiền mất tật mang”.

Hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn. Bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư, do đó người chuẩn bị tham gia cần cân nhắc khi nghe những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận. Bạn chỉ có thu nhập nếu bạn thực sự bán được hàng hóa và những người do bán giới thiệu bán được hàng hóa.

Chủ yếu tập trung tuyển dụng. Khi bạn được giới thiệu về một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bạn cần quan sát các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp đó chỉ chú trọng tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì bạn cần cẩn trọng.

Khi tuyển dụng, doanh nghiệp bằng các cách khác nhau khiến người tham gia mua hàng hoặc đóng tiền. Khi bạn được mời tham gia một doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần lưu ý, việc tiêu dùng hoặc bán hàng hóa của doanh nghiệp là tùy thuộc nhu cầu, khả năng của bản thân, doanh nghiệp không được tìm cách làm cho bạn phải bỏ tiền ra mua để được tham gia.

Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.

Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa.

Sản phẩm không tốt. Bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp là giới thiệu, chia sẻ về các sản phẩm chất lượng tốt để bán các sản phẩm đó cho người tiêu dùng. Như vậy, nếu sản phẩm không tốt thì bạn không có gì để giới thiệu, chia sẻ và do đó sẽ khó bán được hàng, khó có thể kiếm được tiền hoa hồng.

Không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng. Do đó, một doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm thì bạn cần suy nghĩ doanh nghiệp đó có tồn tại được lâu dài hay không, và tồn tại dựa trên nguồn doanh thu nào.

 

Gần đây, nở rộ thủ đoạn lừa đảo người dùng Facebook bằng cách gửi tin nhắn mời chào mua hàng và thông báo trúng thưởng. Theo đó, các đối tượng thông qua tính năng Messenger để nhắn thông tin khuyến mại hoặc trúng thưởng đến người sử dụng Facebook. Sau đó, sẽ dẫn dụ người sử dụng Facebook truy cập các trang web giả mạo để điền thông tin nhận trả thưởng.

Bằng thủ đoạn này, các đối tượng sẽ dụ nạn nhân khai báo các thông tin cá nhân như số điện thoại, mật khẩu tài khoản Facebook, email, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng... hòng chiếm đoạt với mục đích xấu.

 

Lừa đảo qua vay tín dụng

Lợi dụng sau giãn cách xã hội do Covid-19, hiện trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo quảng cáo cho vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân. Các đối tượng lừa đảo nắm bắt tâm lý của các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đưa ra mức giải ngân và lãi suất cho vay. Do nóng lòng giải ngân, khách hàng nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Theo đó, chúng xây dựng các ứng dụng giả mạo giao diện giống ứng dụng quản lý cho vay tiền của các nhà cung cấp dịch vụ vay trực tuyến có uy tín trên thị trường, thường các đối tượng hứa hẹn cho khách hàng vay được số tiền lớn từ 20-500 triệu tùy nhu cầu, lãi suất chỉ 15-18%/năm. Với 10 khách hàng đầu tiên được lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm, tương đương 0,5%/tháng nên khách hàng đều muốn được đăng ký sớm để hưởng lãi suất ưu đãi.

Khi khách hàng đồng ý, các đối tượng yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng giả mạo cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, ảnh chụp chứng minh nhân dân và địa chỉ chỗ ở. Trên ứng dụng sẽ hiện thị các khoản vay tùy lựa chọn của khách hàng. Sau khi khách hàng cung cấp thông tin, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển trước 2-3 triệu đồng để làm thủ tục hồ sơ. Số tiền này sẽ được giải ngân ngược lại cho khách hàng khi hoàn thành thủ tục vay tiền.

 

 Nhiều app cho vay online giăng bẫy lừa đảo người dân (ảnh minh hoạ).

 

Do tin tưởng, khách hàng làm theo. Sau đấy các đối tượng gửi cho khách hàng một thông báo giả xét duyệt khoản vay của công ty tài chính uy tín và một quyết định giả phê duyệt khoản vay của các ngân hàng Việt Nam để lấy niềm tin cho khách hàng. Khách hàng bấm vào ứng dụng để rút tiền về tài khoản thì không nhận được tiền, liên hệ thì đối tượng lừa đảo giả là nhân viên hỗ trợ lấy lý do khách hàng cần phải chuyển thêm 20-30 triệu để chứng tỏ năng lực tài chính bản thân, sau đấy giải ngân sẽ được hoàn trả số tiền này.

Trên ứng dụng giả cũng có yêu cầu tương tự. Đến lúc này, khách hàng rơi vào trạng thái tâm lý nếu không nạp tiền thì sẽ bị mất đi 2-3 triệu đã chuyển trước đấy. Nếu chuyển thêm 20-30 triệu có thể được giải ngân theo hứa hẹn của bọn lừa đảo nên tiếp tục chuyển tiền cho bọn chúng. Sau khi nhận được 20-30 triệu đồng từ khách hàng vay tiền, đối tượng lừa đảo lại sử dụng thủ đoạn tương tự yêu cầu khách hàng đóng thêm 50-100 triệu đồng với lý do khác nhau. Giai đoạn này khách hàng rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn vừa cảm thấy có thể bị mất 20-30 triệu đồng đã đóng trước đấy hoặc đóng tiếp tiền để được chấp nhận giải ngân.

Lúc này, người vay tiền thường lo lắng, đánh mất lý trí, rất dễ dẫn dụ và làm theo mọi yêu cầu của bọn lừa đảo. Có thể đóng thêm tiền cho bọn chúng lên đến 200 triệu, 500 triệu đồng, đến lúc không thể xoay xở tiền được nữa và chia sẻ với mọi người xung quanh thì mới được thức tỉnh.

Đây là một thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi mà nếu thiếu cảnh giác dễ bị vấp phải. Các đối tượng sử dụng ảnh chứng minh nhân dân giả, sim rác để tạo lập tài khoản mạng xã hội facebook, zalo, mua tài khoản ngân hàng trôi nổi trên không gian mạng hoặc tinh vi hơn các đối tượng mua lại tài khoản facebook bị hack từ các đối tượng khác để tương tác với bạn bè có trong danh sách facebook để quảng cáo dịch vụ. Lập ứng dụng giả các công ty cho vay trực tuyến uy tín làm cho khách hàng dễ nhầm tưởng là dịch vụ cho vay uy tín, lãi suất hấp dẫn nên mất cảnh giác sập bẫy bọn lừa đảo. Quá trình lừa đảo kéo dài một vài ngày, thậm chí là vài tuần chúng vẫn thường xuyên online giả hỗ trợ khách hàng để dẫn dụ người bị hại tiếp tục nộp tiền để giải ngân đến khi bị hại thức tỉnh thì bọn chúng mới chặn liên lạc.

Vay tín chấp bằng hình ảnh khiêu dâm

Công an quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh (sinh năm 1992); Bùi Ngọc Thủy (sinh năm 1984) cùng trú tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Khương Thị Tuyến (sinh năm 1992) trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội để điều tra về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh Cưỡng đoạt tài sản .

Trước đó, Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện N.T.N. (quê Nghệ An) có hành vi mua, bán và môi giới mại dâm tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Đối tượng này khai nhận phải đi bán dâm và môi giới bán dâm để có tiền trả lãi cho Vân Anh. Ngoài số tiền nợ Vân Anh, N. cũng "bốc bát họ" của Thuỷ và Tuyến ở khu vực quận Long Biên. Cơ quan công an xác định N. đã bốc 12 bát họ của 2 nhóm nói trên.

 Vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy tại cơ quan Công an.

 

Công an làm rõ, các đối tượng yêu cầu khách vay phải có tài sản thế chấp. Tài sản này là ảnh chân dung, chứng minh nhân dân, ảnh giao diện trên Facebook cá nhân. Đặc biệt, các đối tượng yêu cầu khách vay phải "thế chấp" các hình ảnh, video riêng tư nhạy cảm, mang tính chất khiêu dâm. Mục đích sử dụng của các đối tượng này là để khống chế, phòng khi con nợ trốn sẽ gây sức ép, gửi cho người thân, đăng lên mạng xã hội, tạo áp lực để con nợ phải trả tiền.

Lực lượng chức năng xác định, từ đầu tháng 5, vợ chồng Vân Anh đã cho chị N.T.N vay tiền 7 lần với tổng số tiền 163 triệu đồng, lãi suất 10.000-20.000 đồng/triệu mỗi ngày (khoảng 365-730%/năm). Tổng số tiền thu lợi bất chính từ khoản vay này là hơn 131 triệu đồng.

Quá trình vay nợ, do lo sợ bị công khai hình ảnh nhạy cảm nên N. đã tiếp tục vay lãi của Bùi Ngọc Thủy để trả nợ cho vợ chồng Vân Anh. Sự việc bị vỡ lở khi công an kiểm tra một nhà nghỉ tại phường Mễ Trì, phát hiện chị N. bán dâm để kiếm tiền trả lãi cho chủ nợ.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỷ đồng. Công an quận Nam Từ Liêm, đây là thủ đoạn phạm tội mới, lần đầu xuất hiện trên địa bàn. Nạn nhân là những cô gái làm "dịch vụ", cần tiền nhưng không có tài sản để tín chấp . Cơ quan công an sẽ điều tra, ngăn chặn triệt để hành vi biến tướng này.

Thông qua các trường hợp cảnh báo cụ thể nói trên, khi khách hàng có nhu cầu vay tiền, trước khi tham gia vào bán hàng đa cấp nên tìm kỹ trước khi vay, trước khi vào bán hàng, tránh bị lừa đảo, tiền mất, tật mang.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top