Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 2 năm 2022 | 22:17

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi

Một số người phản ánh về hình thức lừa đảo trắng trợn nhưng hết sức tinh vi. Đó là các đối tượng cố tình chuyển 1 khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân mà chúng nhắm tới, sau đó tìm cách đòi lại như một khoản cho vay nặng lãi.

Giả chuyển nhầm tiền để lừa đảo

Mới đây, một chủ tài khoản ngân hàng bất ngờ nhận được khoản tiền chuyển khoản 30 triệu đồng với ghi chú "vay 30 triệu đồng trong 45 ngày". Trong lúc chưa biết ai gửi tiền thì chủ tài khoản nhận được điện thoại với nội dung chuyển nhầm và đề nghị trả lại số tiền. Tuy nhiên, người gọi điện không cung cấp được thông tin chủ tài khoản, ngân hàng chuyển hoặc các giấy tờ chứng mình giao dịch.

 

 Gần đây, các đối tượng xấu sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi.

 

Một trường hợp khác, vào cuối tháng 12/2021, tài khoản ngân hàng của anh Chính bỗng nhận được số tiền 20 triệu đồng, không rõ người gửi. Cuối giờ chiều cùng ngày, có một tài khoản Zalo lạ, chủ động nói chuyện và cho biết anh đã được một công ty tài chính giải ngân số tiền trên. Qua trao đổi, anh Chính bỗng trở thành "con nợ" của đối tượng này.

Trong khi đó, anh Chính chưa từng thực hiện khoản vay nào trên mạng xã hội. Sau khi đòi tiền không thành, một loạt những hình ảnh, thông tin anh Chính nợ tiền, chiếm đoạt tài sản được gửi cho người thân, bạn bè qua mạng xã hội Facebook và Zalo.

Được biết, chiêu thức lừa đảo này được kẻ gian nhắm vào những người hay truy cập tìm hiểu về các dịch vụ vay tiền trên mạng. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của người đang có ý định vay tiền nhưng chưa dám vay. Sau đó, đối tượng giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay nặng lãi hoặc tìm cách lấy thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi chiếm đoạt tiền trong đó.

Theo cơ quan công an hình thức lừa đảo có tổ chức này đang diễn ra khá nhiều. Nếu người nhận ngay lập tức trả tiền lại thì trước mắt sẽ không bị gì, nhưng sau đó hết thời hạn 45 ngày, đối tượng chuyển nhầm tiền sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 30 triệu đồng cùng tiền lãi "cắt cổ". Thậm chí nếu không trả, các đối tượng sẽ quấy phá vì chỉ cần có bằng chứng có nhận tiền, là có nợ.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, những đối tượng này thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin cho nên người nhận chuyển khoản tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này.

 

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện giống với website của ngân hàng. Sau đó, chúng tìm kiếm những trường hợp khách hàng nhận được tiền chuyển khoản nhầm, đang có nhu cầu trả lại tiền cho người chuyển nhầm rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo để người bị hại khai báo. Sau đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, trước tình huống nhận được tiền chuyển khoản nhầm, các chuyên gia khuyến cáo chủ tài khoản nên liên hệ với ngân hàng để yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại, tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình cho các giao dịch trên mạng để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của mình.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các chiêu trò lừa đảo vay tiền online. Cụ thể, đối tượng gọi điện đến cho người dân và xưng là nhân viên ngân hàng, hỏi nếu có nhu cầu vay tiền thì kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo. Sau đó, người dân được yêu cầu chuyển tiền đóng phí mới được giải ngân khoản vay. Một số người nhẹ dạ, cả tin đã đóng phí nhưng không nhận được khoản vay.

Ngày 23/1, Công an phường Phúc Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị T.N (sinh năm 1990, trú tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội) về việc có một đối tượng gọi điện đến, xưng là nhân viên ngân hàng và hỏi nếu có nhu cầu vay tiền thì kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo. Sau đó, theo yêu cầu của đối tượng, chị T.N đã chuyển gần 30 triệu đồng nhưng không nhận được khoản vay. Lúc này chị T.N mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

 

 Nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lừa đảo để khách hàng nâng cao cảnh giác.

 

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội. Những lời mời chào vay vốn với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí để giải ngân có thể là "bẫy" của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hoan (SN 1995), trú tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, khoảng 12h45 ngày 11/1/2022, Công an quận Hoàn Kiếm nhận tin báo của hai người bị hại ở TP Hà Nội về việc bị kẻ gian giả mạo Zalo của người quen nạn nhân nhắn tin lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Công an quận Hoàn Kiếm đã làm việc với các ngân hàng để xác minh chủ tài khoản và phong tỏa tài khoản. Đồng thời, xác định được đối tượng gây án là Nguyễn Văn Hoan nên đã tiến hành bắt giữ. Được biết, đối tượng đã có tiền án tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan Công an, Hoan khai nhận thông qua mạng xã hội, người này đăng tải bài viết lên các trang, nhóm mua bán thẻ tài khoản ngân hàng với số tiền là 2,5 triệu đồng/tài khoản ngân hàng. Sau khi đăng thông tin, qua nhiều khâu trung gian trên mạng xã hội, Hoan đã mua của một người không rõ lai lịch 4 thẻ, tài khoản ngân hàng.

Khi có tài khoản trên, đối tượng sử dụng Facebook để tìm kiếm những người có nhiều mối quan hệ, thành công trong cuộc sống, thường đăng ảnh đi du lịch, mua sắm tài sản có giá trị. Sau đó Hoan lập tài khoản Facebook giả mạo, sử dụng hình ảnh đại diện của những người khác, gửi lời kết bạn với những người trong danh sách bạn bè của họ để lừa gửi tiền qua tài khoản ngân hàng.

Thủ đoạn của Hoan gửi mã độc để lấy cắp mã xác nhận Zalo. Sau đó, Hoan đăng nhập Zalo của nạn nhân nhắn tin với những người trong danh sách bạn Zalo do anh ta đã hack được và yêu cầu chuyển tiền.

 

 Đối tượng Hoan bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Khi Công an quận Hoàn Kiếm bắt Hoan, đã thu giữ được 4 thẻ tài khoản ngân hàng, 1 điện thoại iPhone 6, là công cụ đối tượng sử dụng gây án. Kết quả điều tra ban đầu xác định, Hoan đã chiếm đoạt tổng số tiền đã chuyển đến là 510 triệu đồng.

Hiện nay, một số đối tượng xấu còn lừa đảo thông qua việc mạo danh các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Kẻ lừa đảo tự nhận là nhân viên của sàn TMĐT, yêu cầu hỗ trợ đổi trả về đơn hàng mà khách hàng đã đặt trước đó (hứa thu hồi và hoàn tiền gấp 3 lần) bằng cách đăng ký vào link giả mạo và chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản Internet banking và số tiền trong tài khoản ngân hàng.

Kẻ lừa đảo giả mạo tin nhắn của sàn TMĐT thông báo khách hàng trúng thưởng quà tặng tri ân sau khi mua sắm. Nội dung tin nhắn có chứa liên kết lừa đảo, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (thông tin thẻ tín dụng/tài khoản Internet banking, bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu và/hoặc OTP). Kẻ lừa đảo nghiễm nhiên chiếm đoạt được quyền truy cập tài khoản và chiếm đoạt tiền của Khách hàng.

Trước những chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi, người dân nên cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web lạ, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số CMND, CCCD, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử; thông tin xác thực giao dịch; thông tin về tài khoản ví liên kết để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép. Cùng với đó, không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top