Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 6 năm 2015 | 7:42

Cao Lộc: Lò gạch thủ công nhả khói ngày đêm

Thị trấn Cao Lộc (Cao Lộc - Lạng Sơn) rộng 2,75km2, có trên 8.000 nhân khẩu nhưng có khoảng 40 lò gạch thủ công thi nhau nhả khói ngày đêm (trên 3 vạn gạch/năm). Điều đáng nói là, các lò gạch tự phát này tồn tại ở đây đã trên nửa thế kỷ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, làm hư hỏng hoa màu nhưng chưa thấy địa phương có chủ trương dẹp bỏ, chưa đơn vị, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Thiệt đơn, thiệt kép

Lò gạch thủ công nhả khói ngày đêm ở thị trấn Cao Lộc.

40 lò gạch thủ công của Cao Lộc nằm ở phía Đông thị trấn; ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp được cấp phép sản xuất gạch như: Công ty Gạch ngói Hợp Thành; Công ty CP Chương Dương. Nguyên liệu chính để sản xuất gạch là đất sét, đất đồi.

Vì các lò gạch tồn tại hơn nửa thế kỷ nên hiện tại nguồn đất sét, đất mặt trên các quả đồi đã bị khai thác cạn kiệt. Lò gạch nhả khói ngày đêm làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa, hoa màu và cây cối của người dân; sức khỏe bà con cũng không được đảm bảo.  

Do các lò gạch nằm sát khu dân cư và ruộng lúa nước nên nếu mất mùa  thì hai bên tự thỏa thuận đền bù; thỏa thuận không xong mới nhờ chính quyền can thiệp. Thiệt thòi nhất là các trang trại ở đây. Ông Hồ Hữu Hải cho biết, phải mất nhiều công sức ông mới đem được cây dẻ từ Trùng Khánh (Cao Bằng) về trồng ở Lạng Sơn, nhưng chỉ có hạt vài năm, sau đó cây không ra hoa, đơm trái. Chuyển sang trồng đào cảnh, bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng đào cũng không ra hoa, gần đây, ông phải chuyển sang trồng sưa.

Ông Hoàng Văn Chàng (người Nùng, khối 9, thị trấn Cao Lộc) cho biết, ông có trang trại trồng cây ăn trái và trên 10 tổ ong: “Gây dựng đàn ong thì mất nhiều thời gian nhưng chỉ một sớm, một chiều khói lò gạch thổi ngang là ong bay đi hết. Nay không còn hy vọng khôi phục đàn ong khi lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nhả khói”, ông chia sẻ.

Ngoài việc ảnh hưởng cây cối, hoa màu, bà con khối 9, nơi có nhiều lò gạch thủ công nhất, phản ánh, thường xuyên phải đưa con nhỏ, bố mẹ già đi bệnh viện do  mắc bệnh hô hấp nhưng không biết kêu ai.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bạch, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cao Lộc, cho biết: “Mỗi khi có đơn thư của bà con, chúng tôi mời hai bên đến để thương lượng. Vài năm trở lại đây, trồng trọt không cho thu hoạch nên hầu hết người dân hai khối 8-9 đã cho lò gạch thuê đất, không còn ruộng sản xuất, bà con thì đi làm thuê cho chủ lò gạch hoặc buôn bán bên ngoài. Về vấn đề sức khỏe  bà con phản ánh là đúng, chủ yếu bị các bệnh về đường hô hấp. Không những chỉ sản xuất gạch, nguy hiểm nhất, năm 2014, Công ty CP Chương Dương còn sản xuất quặng, thị trấn đã lập biên bản (có sự can thiệp của huyện, tỉnh) yêu cầu ngừng sản xuất, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”.

Chính quyền đứng ngoài cuộc?

Ông Bạch cho biết thêm, thời gian gần đây, thị trấn phải giải quyết những việc phức tạp như: trước kia 1 quả đồi 3- 4ha, 3-4 hộ cùng sản xuất, nhưng nay 1 hộ bán, các hộ còn lại không sản xuất được cũng phải bán theo, kết quả là cả 4 hộ cùng bán, chủ lò gạch múc đất, sập đồi, mất ranh giới, dân lại đến kêu, đây cũng là vấn đề nhức nhối, mất an ninh trật tự trong thị trấn. Chúng tôi cũng mong bức xúc của nhân dân sớm được giải quyết, song chưa có sự chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công từ cấp trên nên  chưa biết giải quyết như thế nào.

Dạo một vòng quanh các lò gạch thủ công, chúng tôi được người dân phản ánh, các chủ lò đã khai thác nguồn đất mặt sâu vào lòng đất 2-3m, sau đó lại đổ quặng xỉ, gạch vỡ xuống san phẳng. Nguồn tài nguyên đất bị lãng phí suốt hơn nửa thế kỷ qua, nhưng chính quyền các cấp vẫn đứng ngoài cuộc. Điều đáng nói là, nếu sau này đền bù để xây dựng Khu Công nghiệp Hợp Thành, người dân chỉ được hưởng với giá đất nông nghiệp 34.000 đồng/m2; nhưng khi trở thành khu công nghiệp, hoặc khu dân cư, giá đất trong thị trấn như thế này phải lên đến 500.000 - 1.000.000 đồng/m2. 

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi điện thoại đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, phụ trách kinh tế. Ông Đông cho biết, phải gặp Văn phòng UBND huyện để xếp lịch. Sau đó, phóng viên liên hệ với ông Đàm Văn Hải, Chánh văn phòng UBND huyện Cao Lộc, ông Hải cho biết: “Việc này anh Đông đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mời đồng chí về Phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc”.

Theo chỉ dẫn của ông Hải, chúng tôi xuống Phòng Tài nguyên và Môi trường Cao Lộc, nhưng Trưởng phòng Nguyễn Thế Tập đi vắng. Không chờ được, chúng tôi phải quay về, sau đó gọi điện nhiều lần hẹn gặp làm việc nhưng ông Tập nói: Chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo của huyện, nếu huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thì phải có văn bản và hẹn sẽ trả lời sau. Nhưng đến nay, trước khi báo chuyển cho nhà in, phóng viên không thể nào liên hệ với ông Tập, bởi ông không nghe điện thoại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top