Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 8 năm 2015 | 3:10

Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thu phí nhưng không xuất hóa đơn: Đúng hay sai?

Dù thu các khoản thu lát sàn gỗ, ốp trần thạch cao, sửa lại nhà… nhưng chỉ sử dụng phiếu thu mà không xuất hóa đơn hợp pháp.

>> Tréo ngoe những khoản phí ở chung cư Mường Thanh

Báo Kinh tế nông thôn ngày 30/7/2015 đăng bài: “Tréo ngoe những khoản phí vô lý ở chung cư Mường Thanh”, phản ánh những bức xúc của nhiều cư dân tại các toàn nhà thuộc Khu đô thi Linh Đàm (do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư) khi phải “còng lưng” nộp những khoản phí bất hợp lý mà Ban quản lý dự án đưa ra.

Theo đó, khi bắt đầu dọn đồ đến đây ở, các cư dân phải nộp các khoản phí như: Ốp trần thạch cao: 500.000 đồng/căn, lát sàn gỗ: 500.000 đồng/căn; cải tạo xây dựng căn hộ: gần 2 triệu đồng/m3

Trả lời phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Đặng Hữu Kỳ, Phó giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thừa nhận đã tự thu những khoản phí trên mà không thông qua lãnh đạo. Vị cán bộ này cho hay, những khoản phí này chỉ có phiếu thu và không hề xuất hóa đơn. Vấn đề đặt ra là: Liệu Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm có trốn thuế?

Ông Đặng Hữu Kỳ, Phó giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm trong buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn. 

Giải thích cho hành động “tận thu” này, ông Kỳ nói, khi chủ đầu tư đã hoàn thiện căn hộ thì người dân mới làm sàn gỗ, trần thạch cao…, tuy nhiên, qua một số chung cư mà công ty đã quản lý, các hộ vứt rác thải ra hành lang. “Chúng tôi không có lực lượng nào để đảm bảo chuyển đi. Nếu gia đình nào không cam kết nộp phí này thì chúng tôi kiểm soát, họ phải tự làm, tự chuyển, phải lau từ hành lang đến thang máy và tự vận chuyển không bằng thang máy”, ông Kỳ nói.

Cũng theo ông Kỳ, việc thu này không dựa vào bất kỳ quy định nào của pháp luật mà chỉ dựa vào thực tế tại các chung cư do Mường Thanh làm chủ đầu tư. “Văn bản thì không có vì chúng tôi thu để đảm bảo vệ sinh môi trường, không còn cách nào khác chúng tôi mới phải làm việc này”, ông Kỳ nói.

Qua tìm hiểu, nguồn tiền thu được sẽ được dùng để thuê công ty vệ sinh môi trường chở rác thải đi đổ. Tuy nhiên, làm sao để cư dân có thể biết số tiền này thu, chi như thế nào. Bản thân ông Kỳ cũng thừa nhận cư dân chưa giám sát được những khoản thu, chi này. “Sau khi thành lập Hội đồng quản trị thì mới rõ ràng, còn trước mắt là để giải quyết cho dân ở đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi chịu trách nhiệm thu chi, còn dân chưa kiểm soát được cái này”, ông Kỳ phân trần.

Bên cạnh đó, ông Kỳ cũng cho biết thêm, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm chưa hề báo cáo thuế những khoản thu vì chỉ phục vụ tại chỗ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã liên hệ lấy ý kiến lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nhưng sau khi đặt lịch làm việc qua 2 tuần, đến nay Sở này vẫn chưa hồi âm, trả lời vụ việc.

Đồng thời, phóng viên sẽ liên hệ trao đổi với cơ quan thuế, các luật sư... về việc tận thu này.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Lê Duy 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top