Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 9 năm 2014 | 3:52

Cục THA Bắc Giang: Kê biên tràn lan là do Giám đốc Cty đề nghị!

KTNT - Theo đại diện Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc kê biên hàng loạt hạng mục tài sản của Công ty CP Xây lắp thủy lợi Bắc Giang ngoài nội dung bản án của Tòa là đúng quy định của pháp luật. Bởi, trước khi kê biên, chấp hành viên đã thông báo hợp lệ, tiến hành xác minh tài sản của công ty và làm việc với ông Lưu Minh Hải là Giám đốc doanh nghiệp.
 
Như Kinh tế nông thôn đã thông tin, tại Quyết định số 01/2012/QĐST-KDTM ngày 03/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về quan hệ hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn của Công ty CP Xây lắp thủy lợi Bắc Giang tại Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Bắc Giang thì tài sản thế chấp được ghi rõ gồm: Nhà văn phòng 02 tầng; Nhà xưởng; Nhà hành chính; Nhà kho cấp 4; Nhà xưởng sản xuất; Nhà ở công nhân; Nhà đa chức năng; Nhà văn phòng 03 tầng; 5 hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ giá trị khối lượng xây lắp và một số ô tô.
 
Tuy nhiên, khi tiến hành kê biên thi hành án, Chấp hành viên Trần Văn Thùy đã "tiện thể" kê biên hàng loạt hạng mục không thuộc Quyết định của TAND tỉnh Bắc Giang gồm: Nhà để xe, nhà kho các đội, tường rào, tường hoa, giếng nước cổ, gần 30 cây cối trong khuôn viên công ty. Toàn bộ số tài sản ngoài Quyết định của Tòa án này đã được Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang mang bán đấu giá và bàn giao cho người trúng đấu giá bất chấp sự phản đối từ phía doanh nghiệp.
 

Theo đại diện doanh nghiệp, đây là tài sản ngoài bản án bị Cục THA tỉnh Bắc Giang kê biên
 
Điều khó hiểu là trong Quyết định số 01 của TAND tỉnh Bắc Giang ghi rõ 05 hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ giá trị khối lượng xây lắp (KLXL) với tổng số tiền khi vay vốn là hơn 8,9 tỷ đồng. Tuy nhiên Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang lại không thực hiện thi hành án các nội dung này.
 
Trả lời về cách làm cho là khó hiểu trên, Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 260/QĐ-CTHADS ngày 24/3/2013 gửi công ty xác nhận: Ngày 9/1/2013, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của công ty được ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Công ty CP Xây lắp thủy lợi Bắc Giang cung cấp tài sản của công ty gồm: 1 xe ô tô BKS 98K-1899, 1 xe ô tô biển kiểm soát 98K-4247, trụ sở làm việc của công ty (nhà văn phòng 3 tầng), nhà xưởng, nhà hành chính mái bằng, nhà kho cấp 4, nhà ở công nhân, nhà đa năng.
 


Cục THA Bắc Giang thừa nhận việc kê biên tài sản ngoài bản án
 
Ngoài ra còn có một số tài sản công ty không thế chấp tại ngân hàng gồm: Cầu cống công ty, giếng + bể nước, hàng rào bảo vệ, khu vệ sinh, hàng rào cổng, nhà để xe máy mái tôn, nhà kho mái tôn, sân đổ bê tông cơ quan, sân đổ bê tông xưởng cơ khí, đường nhựa.
 
Công văn lý giải nguyên nhân Chấp hành viên kê biên toàn bộ những tài sản của công ty do: Trước khi kê biên, Chấp hành viên đã thông báo hợp lệ, tiến hành xác minh tài sản của công ty và làm việc với ông Lưu Minh Hải là Giám đốc công ty. Tại biên bản xác minh ngày 9/1/2013, ông Lưu Minh Hải đã xác định rõ những tài sản thế chấp và tài sản không thế chấp nằm trên đất của công ty, đồng thời ông Lưu Minh Hải đề nghị khi kê biên tài sản thì kê biên cả tài sản thế chấp và tài sản không thế chấp để đảm bảo thi hành án. Qua đó, Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang cho rằng, đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
 
Lí giải về quyết định trên, Chấp hành viên Trần Văn Thùy khẳng định: việc kê biên tất cả các hạng mục tài sản là do những tài sản này gắn liền với thửa đất đã thế chấp vào ngân hàng.
 
Tuy nhiên, ông Thùy cho rằng: có hạng mục tài sản nhà kho các đội đang được xác định có phải tài sản của công ty hay tài sản cá nhân (không có trong nội dung Quyết định của Tòa án - PV) vẫn được kê biên bán đấu giá là do đề xuất của lãnh đạo công ty. Và số tiền được khoảng 300 triệu đồng, Cục THA Bắc Giang vẫn đang gửi ngân hàng chờ kết luận cuối cùng sẽ "hạ hồi phân giải".
 
Về việc Công ty CP Xây lắp thuỷ lợi Bắc Giang là công ty có vốn nhà nước gồm 28,75% nhưng toàn bộ tài sản đã bị kê biên, cưỡng chế thi hành án, ông Thùy cho biết đã xác định giá trị số vốn nhà nước là hơn 1 tỷ đồng. Hiện Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang vẫn đang giữ số tiền này, đồng thời báo cáo xin ý kiến xử lý từ Tổng cục Thi hành án hướng giải quyết. 
 
Phản ứng về cách làm trên của THA tỉnh Bắc Giang, ông Tạ Văn Xuyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây lắp thuỷ lợi Bắc Giang cho rằng: việc làm trên của Chấp hành viên Trần Văn Thùy và Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang là trái pháp luật. Phía công ty chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục khởi kiện các quyết định của Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang.
 

LS Vi Văn Diện, Giám đốc Cty Luật Thiên Minh
 
Quan điểm về vụ việc, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Đối với trả lời của Cơ quan THA liên quan đến vụ việc kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản nằm ngoài bản án, quyết định của TAND tỉnh Bắc Giang, tài sản không nằm trong thỏa thuận của hợp đồng thế chấp (không phải là tài sản bảo đảm cho khoản vay). Vậy mà cơ quan này cho rằng chỉ người đại diện của doanh nghiệp đồng ý là được, trong khi người đại diện của doanh nghiệp, người phát ngôn của doanh nghiệp không có bất cứ nội dung nào được ủy quyền đối với việc đồng ý cho Cơ quan THA kê biên những tài sản đó. Thế nhưng, trong trường hợp này Cơ quan THA đã mặc nhiên thừa nhận và xác định ngay quyết định của người không được doanh nghiệp ủy quyền là hợp pháp.
 
Như vậy, có nghĩa bất chấp việc người đại diện của doanh nghiệp có được ủy quyền hay không, có biên bản họp Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp về việc giao cho người phát ngôn này quyền hạn được quyết định nội dung đó hay không, cũng không cần thẩm định tư cách cũng như xem xét quyền hạn của người đại diện giao dịch, tôi cho rằng đó là quyết định vội vàng, thiếu sót thậm chí có phần tắc trách của cơ quan này vì nếu người tham gia giao dịch không có thẩm quyền nghĩa là giao dịch không có giá trị pháp lý nên nội dung đó sẽ trở nên vô hiệu.
 
Như vậy, tại vụ việc này các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét lại những văn bản, quyết định có liên quan, cần hiểu rõ chi tiết quy định của pháp luật để xử lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, đặc biệt cần xem xét lại biên bản và quyết định cưỡng chế, bán đấu giá và bàn giao tài sản của doanh nghiệp, nếu làm sai quy định sẽ gây thiệt hại nặng nề về tài sản, quyền lợi của doanh nghiệp, có thể đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạnh phá sản do những quyết định không đính thẩm quyền, vi phạm pháp luật từ những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành" .
 
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.
 
Thành Vinh
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top