Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2016 | 5:57

Gần 20 năm đi tìm công lý

Gặp chúng tôi dưới cái nắng giữa trưa tháng 4, ông Trần Minh Nhuần (khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), người từng tham gia “chiến trường K” năm nào, trình bày việc ông đã nhiều năm đi khiếu nại “đòi” lại mảnh đất hơn 5.000m2 được chính quyền xã Thạnh Phú thời đó cấp để xây nhà ở, canh tác và cải thiện đời sống cho cán bộ trong đơn vị khi trở về quê hương công tác.

Ông Nhuần bên mảnh đất đang tranh chấp.

Đùn đẩy trách nhiệm

Theo trình bày của ông Nhuần, ông nguyên là sĩ quan quân đội, cấp bậc thượng úy. Sau khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia trở về quê hương, ông nhận công tác làm xã đội phó xã Thạnh Phú.

Lúc đó, do hoàn cảnh kinh tế gia đình ­khó khăn, ngày 24/02/1989 ông có làm đơn xin chính quyền xã Thạnh Phú cấp đất để cất nhà ở và canh tác; đến ngày 01/3/1989, ông Võ Thành Yêm, Bí thư Đảng ủy xã đã chấp thuận đơn đề nghị của ông và được Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú ký duyệt cấp cho phần đất 2.000m2, vị trí thửa đất nằm ở hướng Đông, giáp ranh Trường PTTH Văn Ngọc Chính.

Đến ngày 16/4/1989, tại biên bản họp, cơ quan quân sự xã Thạnh Phú đã thống nhất cấp cho ông thêm 3.000m2 đất để canh tác và cũng nhằm cải thiện điều kiện sống cho cán bộ trong đơn vị, biên bản được Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thơ ký xác nhận vào ngày 17/4/1989. Cũng trong thời gian này, một hộ dân gần đó biết được gia cảnh khó khăn của ông nên cho thêm gần 1.000m2 đất lung biền (cho miệng không có giấy tờ) để mở rộng sản xuất.

Thực hiện chính sách ruộng đất, ngày 20/11/1993, đoàn giải quyết ruộng đất xã Thạnh Phú đã lập biên bản về việc giải quyết trả hoa lợi cho hộ (A) gốc đối với phần đất 2.000m2 được UBND xã Thạnh Phú ký cho vào tháng 3/1989 giữa ông Nhuần và bà Liêu Thị Phel (là chủ đất gốc). Đến ngày 25/11/1993, bà Phel đã làm biên nhận, nhận đủ 452kg lúa là tiền hoa lợi của diện tích đất 2.000m2 và kể từ đó, ông Nhuần đã quản lý, sử dụng ổn định khoảng 6.000m2 đất, không có tranh chấp với ai. Đến khi Trường Văn Ngọc Chính xây dựng, mở rộng thì “lấn” hơn 2.000m2 đất của ông, từ đó phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Qua điều tra, xác minh, phóng viên được biết: Vào năm 1988, UBND tỉnh Hậu Giang có quy hoạch khoảng 2ha để xây dựng trường cấp 2-3 Văn Ngọc Chính tại xã Thạnh Phú. Đến ngày 06/5/1994, UBND huyện Mỹ Xuyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Văn Ngọc Chính với diện tích 20.210m2, tọa lạc tại khu 3, xã Thạnh Phú.

Quyết định số 115/QĐ.HC.98 ngày 09/7/1998 của UBND huyện Mỹ Xuyên về việc giải quyết khiếu nại Ban giám hiệu Trường cấp 2-3 Văn Ngọc Chính, cho rằng, 5 hộ dân, trong đó có hộ ông Nhuần, đã tự chiếm đất cất nhà để ở trong phạm vi của trường và buộc phải di dời. Nội dung quyết định nêu rõ: “05 hộ dân đều không có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất và quyền sử dụng đất, nhưng lại tự ý chiếm đất…”. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì trước đó ông Nhuần đã trình ra các văn bản, biên bản họp cấp đất, trả hoa lợi cho chủ đất gốc có xác nhận của UBND xã Thạnh Phú, nhưng không được chính quyền huyện Mỹ Xuyên xem xét?

Nguồn gốc đất hợp pháp!

Qua hồ sơ phóng viên thu thập được, ngày 24/02/1989, ông Nhuần có “Đơn xin cất nhà” gửi UBND và Đảng ủy xã Thạnh Phú trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, xin chính quyền xã tạo điều kiện giúp đỡ, xem xét duyệt cấp cho một phần đất để cất nhà cho vợ con làm ăn sinh sống. Ngày 01/3/1989, được sự nhất trí của ông Võ Thành Yêm, Bí thư Đảng ủy, ông Trần Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, đã ký chấp thuận cho ông “miếng đất biền, ngang đầu trường cấp ba hướng mặt trời mọc” và chuyển cho khu vực giải quyết. Sau đó, ngày 04/3/1989, ông Huỳnh Trí Thức, Bí thư Ban nhân dân ấp ký chấp thuận cho ông Nhuần “01 nền thổ cư ở cặp mé biền giáp ranh trường Văn Ngọc Chính, hiện bỏ hoang, không canh tác được. Nay được thống nhất của Đảng ủy cấp cho đồng chí Nhuần 2.000m2 (hai ngàn mét vuông)”.

Bên cạnh đó, theo biên bản họp cơ quan quân sự ngày 16/4/1989 tại xã đội xã Thạnh Phú: biểu quyết “thống nhất 100% cho đồng chí Nhuần 3.000m2 ủy ban cho cơ quan”, biên bản buổi họp này cũng được ông Trần Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú ký xác nhận vào ngày 17/4/1989.

Ông Trần Văn Thơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú.

Để có thêm những thông tin chứng minh phần đất trên thuộc sở hữu của gia đình ông Nhuần, chúng tôi đã làm việc với ông Trần Văn Thơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, sau là Bí thư Đảng ủy xã, ông nhấn mạnh: “Hôm rồi tôi nghe nói nhà trường kiện ông Nhuần chiếm đất quy hoạch của nhà trường là không đúng, vì hồi đó tôi và anh Hai Trung, Chủ tịch huyện (ông Sử Thành Trung -PV) trực tiếp cầm thước dây căng đo, cắm ranh để cấp đất cho trường…”.

Ngoài ra, ông  Thơ còn khẳng định việc cấp đất cho ông Nhuần là hợp pháp: “Cái nào tôi cho, tôi ký, tôi chịu trách nhiệm. Tôi ký là hợp pháp, hợp lệ ở thời điểm đó vì chủ tịch xã có quyền cấp cho dân đất hoang hóa, kể cả đất quỹ”.

Ông Thơ cũng cho biết thêm, nếu ông Nhuần đang sử dụng, quản lý phần đất nằm ngoài diện tích đất được cấp là do ông Nhuần tự khai phá thêm, vì thời điểm đó nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân khai hoang phục hóa để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nếu nhà nước có thu hồi sử dụng thì phải thỏa thuận với ông Nhuần, phải trả thành quả lao động, công khai phá, quản lý.

Qua đó, có thể khẳng định, phần đất mà ông Trần Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú thời đó ký cấp cho ông Nhuần nằm ngoài diện tích đất quy hoạch xây dựng Trường Văn Ngọc Chính, bởi lẽ chính ông Thơ là người rõ nhất việc ông là người “cầm bút” trực tiếp ký tên cấp đất cho ông Nhuần thì không có chuyện cùng trên một diện tích đất vừa cấp cho trường, vừa cấp cho ông Nhuần. Vì vậy, ông Nhuần khiếu nại yêu cầu bồi thường việc Trường Văn Ngọc Chính “lấn” của ông hơn 2.000m2 đất, đồng thời đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 3.000m2 còn lại cho ông là có cơ sở.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc,  tránh để khiếu kiện kéo dài.

Thái Đào - Hoàng Thơ

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top