Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2022 | 0:42

Lực lượng chức năng quyết liệt xử lý tình trạng nhập lậu kit test Covid-19

Để tránh việc lợi dụng tình trạng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp kinh doanh các loại hàng hóa, vật dụng, trang thiết bị y tế không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ…, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt.

Tạm giữ 1.395 bộ kit test Covid-19
 
Sau khi nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xe ô tô BKS 89A-123.15 đang dừng đỗ tại khu vực khu công nghiệp Quế Võ, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
1-copy.jpg
Tạm giữ 1.395 bộ kit test Covid-19 có dấu hiệu vi phạm.

 

 

Bước đầu xác định, chủ phương tiện là ông Tạ Quân Anh, có địa chỉ tại Chợ Nam Sơn, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đang vận chuyển hàng hóa là mặt hàng kit test Covid-19 có dấu hiệu vi phạm.  Đoàn kiểm tra đã đưa phương tiện về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 1 để thực hiện khám phương tiện theo quy định.
Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe có 1.395 bộ Kit test Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Ông Tạ Quân Anh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa.
Hiện, đội QLTT số 1 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ tình tiết theo đúng quy định của pháp luật.

Đối tượng Q.Đ.Th và số hàng hóa bị thu giữ.

 

Hà Nội phát hiện lô hàng kit test nhanh Covid-19 nhập lậu

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tại trước cửa nhà số 8 đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phát hiện lô hàng đang tập kết gồm 5 thùng giấy, bên trong có chứa 3.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Q.Đ.Th (sinh năm 1991, ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

 

Hòa Bình tăng cường kiểm tra các mặt hàng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 

Để đảm bảo sức khoẻ cũng như tính mạng của người dân không bị ảnh hưởng xấu do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa được kiểm định, chứng nhận của cơ quan chức năng.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hoà Bình chỉ đạo Đội QLTT phối hợp cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra kiểm soát trên khâu lưu thông cũng như tại các cửa hàng thuốc tân dược bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong đó

Vừa qua, Đội QLTT số 2 Cục QLTT phối hợp với Đội 3 - PC 05 Công an tỉnh tiến hành kiểm tra quầy thuốc tại địa chỉ thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tại thời điểm kiểm tra quầy thuốc đang bán 54 hộp giới thiệu là liên hoa thanh ôn (hỗ trợ sức khoẻ), 100 kit test nhanh Covid-19 (toàn bộ số hàng hoá này không có hoá đơn, chứng từ). Qua làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Hiền đại diện quầy thuốc trình bày, do dịch bệnh bùng phát người dân có nhu cầu bà đặt trên mạng xã hội facebook của một người không rõ tên tuổi địa, thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ và kit test nhanh Covid-19 để về kinh doanh, tổng giá trị hàng hoá 15 triệu đồng, số hàng hoá này không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng kiểm tra tạm giữ số hàng hóa trên để tiến hành xử lý theo quy định.

22222255555.png Lực lượng chức năng kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc.

 

 

Qua tin báo của quần chúng nhân dân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 Cục QLTT phối hợp với Đội 3 PC 05 Công an tỉnh phát hiện Ông Bùi Thanh Bình, trú tại TP. Hoà Bình đang vận chuyển 1.400 kit test nhanh Covid-19 (số hàng hoá này không có hoá đơn, chứng từ), tổ công tác đã mời ông Bình về trụ sở Công an tỉnh làm việc, qua đấu tranh ông trình bày có đặt mua của một người không rõ tên tuổi địa, tổng giá trị hàng hoá 30 triệu đồng toàn bộ số hàng hoá này không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng kiểm tra tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

 

Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ

Thực hiện chỉ đạo của Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn, lực lượng QLTT trên địa bàn đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, tổ chức tiến hành, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với nhũng đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp để kinh doanh các loại hàng hóa, vật dụng, trang thiết bị y tế không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, nhận được thông tin từ cơ sở cung cấp có 01 đối tượng là nam giới đang tập kết hàng hóa là các thùng carton có chứa hàng hóa nhập lậu tập kết tại khu vực cổng sau Bến xe phía Bắc Lạng Sơn, thuộc thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi thẩm tra, xác minh thông tin, Đội QLTT số 6 đã tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 03 thùng carton.

bcc732ca5f9e90c0c98f.jpg
Công chức Đội QLTT số 7 kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Bình Nguyên.

Tại thời điểm khám bên trong 03 thùng carton nêu trên có cất giấu 1.200 bộ kiểm tra nhanh kháng nguyên Covid-19 (Bộ kit test nhanh Covid-19) loại ngoáy dịch mũi sản xuất ngoài Việt Nam (qua quan sát trên bao bì sản phẩm đều có in chữ nước ngoài).

Kết quả khám đồ vật, ông Vũ Đức Tuấn có địa chỉ tại: Khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn khai nhận là chủ sở hữu của số hàng hóa trên và cho Đoàn Kiểm tra biết số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không có giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của cơ quan y tế.

Giá trị ước tính trị giá số hàng hóa trên khoảng gần 50.000.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 6 đã tạm giữ toàn bộ số tang vật trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 960/CĐ-BCT ngày 01/3/2022 gửi Tổng cục QLTT, Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột giữa Nga - U-crai-na.
Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn ra hết sức phức tạp cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động do xung đột vũ trang tại U-crai-na. Những vấn đề này đã làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh… cho đến những mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm hằng ngày của người dân tăng cao, ảnh hướng không nhỏ đến tình hình thị trường trong nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:

1. Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường

- Chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

- Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang tại U-crai-na.

- Phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

2. Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và thiết bị, vật tư y tế; báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.

- Chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

- Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường. Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi gian lận thương mại bị các cơ quan chức năng hay người dân phản ánh, phát hiện mà không được xử lý.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ (qua Văn phòng Bộ) vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.
 
Hữu Thắng - Tổng Hợp
Ý kiến bạn đọc
Top