Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 8 năm 2017 | 10:20

Nhiều dự án nhà, khu đô thị chậm tiến độ: Huyện Mê Linh đề nghị thu hồi

KTNT - Trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) hiện có 46 dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị, trong đó có 16 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) và đang đầu tư xây dựng; 16 dự án GPMB dở dang; 14 dự án chưa GPMB. Trước thực trạng trên, huyện đề nghị UBND TP.Hà Nội thu hồi 8 dự án nhà ở/khu đô thị.

Theo UBND huyện Mê Linh, hiện có 19 dự án đang đầu tư hạ tầng dở dang (chủ yếu đang san lấp mặt bằng).

Trao đổi với báo Kinh tế nông thôn, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn huyện có 46 dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị, với tổng diện tích khoảng 1.650ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 85%, còn lại là đất UBND xã quản lý. Diện tích đã GPMB khoảng 758ha, diện tích chưa GPMB khoảng 892ha.

Trong 14 dự án chưa GPMB, có 3 dự án có mức đầu tư lớn là: Khu đô thị  Golf Vinashin do Công ty CP Đầu tư và Vận tải dầu khí VINASHIN (đã đổi tên thành Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải) làm chủ đầu tư (217,6ha); Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư (141,8ha); Khu đô thị mới Vinalines do Công ty CP Bất động sản Vinalines - Vĩnh Phúc (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) làm chủ đầu tư (114,9ha).

Theo UBND huyện Mê Linh, nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ là sau khi huyện sáp nhập về Hà Nội, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung của thành phố (22 dự án). Việc thay đổi chính sách đền bù GPMB sau khi chuyển về Hà Nội so với Vĩnh Phúc khiến công tác GPMB khó khăn hơn.

Đối với các dự án chậm tiến độ triển khai công tác GPMB và đầu tư xây dựng, huyện Mê Linh đã rà soát, có văn bản đôn đốc và đề nghị thành phố xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có 8 dự án đề nghị thu hồi.

Mê Linh có 16 dự án chưa đầu tư hạ tầng.

UBND huyện Mê Linh cho biết, việc các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ của huyện mà đã gây ra nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Các dự án chậm triển khai còn làm lãng phí nguồn nguyên liệu sản xuất của nông dân và Nhà nước, không thu được các khoản thuế phải nộp từ các chủ đầu tư này.

UBND huyện Mê Linh cho biết, để đảm bảo hiệu quả đầu tư vào địa bàn, trước hết, huyện đề nghị thành phố yêu cầu các chủ đầu tư chưa điều chỉnh quy hoạch lập hồ sơ gửi thành phố phê duyệt và xem xét tạo cơ chế thuận lợi về chính sách GPMB đối với các dự án đang dở dang.

Danh sách 8 dự án UBND huyện Mê Linh đề nghị thành phố Hà Nội thu hồi do chậm triển khai GPMB.

Đối với các dự án mà nhà đầu tư cam kết triển khai, UBND huyện Mê Linh đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lại kế hoạch, chứng minh năng lực tài chính, cam kết tiến độ, bảo đảm thực hiện dự án để thành phố xem xét cho phép tiếp tục triển khai... Thời gian để nhà đầu tư thực hiện các công trình này chậm nhất là đến hết tháng 12/2017. Trường hợp đến hết thời hạn, nếu nhà đầu tư không thực hiện các yêu cầu nêu trên hoặc không đủ điều kiện để cho phép tiếp tục, UBND huyện sẽ báo cáo thành phố tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.

Đối với những dự án đã được thành phố cho phép cơ chế đặc thù về GPMB, huyện sẽ quyết tâm chỉ đạo GPMB sớm giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Khi có sự chỉ đạo của huyện mà các chủ đầu tư vẫn cố tình không triển khai thì sẽ sớm báo cáo Thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm.

Hoàng Văn

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top