Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 2 năm 2022 | 23:33

Nhiều hecta đất rừng bị khai thác trái phép chưa được cơ quan chức năng xử lý?

Xuất hiện nhiều hecta đất rừng sản xuất bị san lấp, khai thác, vận chuyển đi tiêu thụ với danh nghĩa "cải tạo trang trại” và hoạt động rầm rộ nhiều năm nay nhưng không bị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Trước tiên phải nói đến vụ việc của người dân xã Thạch Bình, huyện Nho Quan và xã Ngọc Lương (huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) phản ánh về tình trạng hàng loạt xe tải chở đất chạy trên các tuyến đường dân sinh của xã. Những chiếc xe tải chở đất không được che chắn, gây bụi bặm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Tại đây, người dân phản ánh về hoạt động khai thác đang diễn ra khá rầm rộ. Có rất nhiều xe tải đang nối đuôi nhau chờ đến lượt vào đồi Bòng chở đất. Khu vực khai thác đất là nơi giáp danh giữa xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) với xã Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình) sau khi khai thác tài nguyên đất các xe vận tải trở qua địa bàn Xã Ngọc Lương (Hòa Bình) san lấp và bán cho một số nhà máy gạch.
 
Được biết, địa điểm khai thác đất kể trên là dự án trang trại, được Công ty Thành Nam đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp này được cấp phép hạ độ cao, san gạt mặt bằng, tức là lấy đất chỗ cao đổ vào chỗ thấp để tạo thành một mặt bằng trang trại. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này đã lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất đồi trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn đến đời sống của người dân xung quanh và đã nhiều năm nay, người dân chỉ thấy tình trạng doanh nghiệp này "khoét đồi" lấy đất đem đi bán chứ chưa thấy có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi nào.
cả-quả-đồi-bị-công-ty-thành-nam-khai-thác-nham-nhở.jpg
Cả quả đồi bị Công ty Thành Nam khai thác nham nhở.
Cũng theo người dân nơi đây, hoạt động khai thác, vận chuyển đem đất đi bán trái phép tại dự án trang trại của Công ty Thành Nam diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không thấy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp nào ngăn chặn xử lý, làm thất thu ngân sách nhà nước, "chảy máu" tài nguyên quốc gia.
 
Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể:
 
Về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản: tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.
 
- Tại khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu như sau:
 
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.
 
Trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.
 
Mức phí cụ thể của từng loại khoáng sản tại từng địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
 
- Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên...”.
 
Về thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật thuế tài nguyên 2009 quy định khung thuế suất tài nguyên đối với Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thuỷ tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.
 
Bên cạnh đó, tại điểm 2.4 Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tài nguyên quy định:
 
“2.4. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công, không có giấy phép tài nguyên, nhưng trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác tiêu thụ (như nhận thầu nạo vét kênh, mương, hồ, đầm có phát sinh sản lượng cát, đất, bùn bán ra; khai thác đá dùng chế biến làm vật liệu xây dựng thi công công trình) thì đều phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương khai thác tài nguyên”.
 
Được biết, liên quan tới vụ việc này, về phía UBND xã Thạch Bình và UBND huyện Nho Quan hiện vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin chính thống nào với báo chí cũng như người dân. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cần sớm vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật.
 
 
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh; Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
 
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép và việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, như: chậm đưa mỏ vào khai thác; khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ đã lập và phê duyệt, chưa cắt tầng, trên đỉnh và sườn tầng còn để lại đá treo, hàm ếch tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế khai thác: chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định; nộp ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ (đặc biệt đối với khoản thu về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); xe vận chuyển quá tải trọng quy định, phóng nhanh gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Đối với các doanh nghiệp nếu có vi phạm trong quá trình khai thác UBND tỉnh sẽ không cấp mỏ, không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.

 

Nhiều héc ta đất rừng sản xuất bị san lấp trái phép

Nhiều héc ta đất rừng sản xuất tại khu vực xóm Nếp, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang bị san lấp một cách ngang nhiên mà chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Hiện trạng tại xóm Nếp, xã Tây Phong, khu vực đồi cao cách Quốc lộ 6 khoảng 300m, xung quanh được bao phủ bởi nhiều diện tích cây cối. Tại đây, một diện tích rộng khoảng 2 héc ta đã bị đào bới nham nhở.

Người dân xóm Nếp, xã Tây Phong cho biết: “Khu vực này được san lấp trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Thời điểm đó, tại đây có nhiều máy xúc công suất lớn cùng hàng chục phương tiện máy móc như ô tô tải, máy lu đang rầm rộ đào đắp, vận chuyển đất để tiến hành san gạt, làm mặt bằng. Khi có đoàn kiểm tra xuống thì đơn vị dừng hoạt động.

"Khu vực này được san lấp nhằm xây dựng homestay hoặc khu nghỉ dưỡng du lịch" - một số người dân ở huyện Cao Phong cho biết.

 

toàn-cảnh-khu-vực-san-lấp-đất-rừng-sản-xuất-tại-huyện-cao-phong-tỉnh-hòa-bình-thời-điểm-trước-tết-nguyên-đán.jpg
Toàn cảnh khu vực san lấp đất rừng sản xuất tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Ảnh: Minh Chuyên.

Thông tin báo chí về vụ việc này, ông Bùi Văn Bền - Chủ tịch UBND xã Tây Phong, huyện Cao Phong cho biết: "Khu vực san lấp trên là đất rừng sản xuất của gia đình ông Phan Văn Thương (trú tại xã Tây Phong) và tại đây chưa có dự án nào được cấp phép".

Theo ông Bền, việc san lấp này cũng không được sự cho phép của địa phương, thời điểm phát hiện ra sự việc, khu vực nêu trên đã được san lấp khoảng vài nghìn mét vuông.

"Hiện, UBND xã đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ hoạt động và đang hoàn thiện, củng cố hồ sơ. Nếu sai phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật", ông Bền cho biết thêm.

Khi được hỏi khu vực san lấp này có phải phục vụ việc xây dựng homestay hoặc khu nghỉ dưỡng hay không, thì ông Bền cho biết: “Chắc là họ san lấp để cải tạo vườn tược và làm nông nghiệp, còn việc làm khu dưỡng hay homestay thì chưa nắm được".

Ông Nguyễn Văn Dụ - Phó Trường Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong cho biết: “Khu vực san lấp tại xã Tây Phong mà PV đề cập chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Trực tiếp tôi đã xuống kiểm tra, yêu cầu UBND xã Tây Phong lập biên bản đình chỉ hoạt động san lấp và xử lý vi phạm hành chính theo quy định”. Theo ông Dụ, nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm của UBND xã thì huyện sẽ trực tiếp xử lý.

Doanh nghiệp ngang nhiên san lấp mỏ

Mỏ đá Núi Voi (tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) thuộc Công ty Cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác theo Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 01/3/2006 hết hiệu lực từ ngày 01/3/2021.

Trước việc đó, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên đã ra thông báo “về việc giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực” vào ngày 26/2/2021 với nội dung yêu cầu Công ty có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành, đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đất đai…

Ngày 27/7/2021, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên có văn bản thông báo về việc thời hạn khai thác mỏ đá Núi Voi, phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên và yêu cầu Công ty Cơ điện luyện kim phải lập đề án đóng cửa mỏ trước khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực về Sở TN-MT. Ngày 20/12/2021 Sở TN-MT lại tiếp tục thông báo tới công ty này về việc nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên vẫn chưa thực hiện những yêu cầu của Sở TN&MT &MT tỉnh Thái Nguyên.

Không những vậy, trên khu vực đất của công ty, của mỏ đá Núi Voi lại diễn ra hoạt động san lấp, đổ đất và hợp tác tập kết nghiền chuyển quặng sắt và đã bị Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản… yêu cầu 2 công ty dừng mọi hoạt động tại khu vực mỏ đã hết hạn khai thác, di dời máy móc thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực, yêu cầu Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên và Công ty TNHH Đông Việt Thái Nguyên cung cấp bản sao hợp đồng nghiền quặng sắt và mua bán, san gạt đất. Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên báo cáo các nội dung liên quan đến việc lập đề án đóng cửa mỏ hoặc tiến độ hoàn thiện hồ sơ xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định trước ngày 15/1/2022.

Đến thời điểm hết hạn theo yêu cầu của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nhưng Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên vẫn không thể thực hiện được những nội dung liên quan đến lập đề án đóng cửa mỏ trước ngày 15/1/2022.

Khi được hỏi về lý do, ông Nguyễn Đức Hậu - Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên mới cung cấp thông tin về văn bản của Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên được đề ngày 31/12/2021 với nội dung: Hiện tại công ty đang hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ đá Núi Voi. Do dịch bệnh Covid-19, công ty đang bị ảnh hưởng, bị cách ly toàn bộ khối văn phòng nên chưa hoàn thiện hồ sơ, phương án đóng cửa mỏ nộp về Sở TN&MT trước ngày 31/12/2021 được và xin được nộp trước ngày 28/1/2022.

Theo tìm hiểu và có sự xác nhận của cán bộ được giới thiệu ủy quyền của Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên thì công ty này và công ty TNHH Đông Việt Thái Nguyên cùng là một chủ đầu tư cổ phần. Vậy việc Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên nghiền quặng thuê và mua đất san lấp của Công ty TNHH Đông Việt Thái Nguyên san gạt vào vị trí mỏ hết hạn khai thác nhằm mục đích gì?

Việc khai thác quặng tại mỏ, nghiền tuyển quặng một nơi khác, mang đất san lấp san gạt vào vị trí mỏ đã hết hạn khai thác nhưng chưa lập đề án đóng cửa mỏ… liệu có đúng với Luật khoáng sản, đất đai, môi trường hay không và có được cơ quan chức năng cho phép hay xử lý ra sao?

Hơn nữa, việc ký hợp đồng hợp tác có đúng với bản chất của vấn đề và quy định bởi những năm trước đó, về những tồn tại trong hợp tác, sử dụng đất và mọi vấn đề đến nay Công ty Cổ phần cơ điện luyện kim Thái Nguyên vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, nhưng một mặt Công ty Cổ phần cơ điện luyện kim Thái Nguyên vẫn có hợp đồng, hợp tác với một pháp danh công ty khác để thực hiện việc chuyên chở, nghiền quặng sắt.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần sớm có biện pháp, chỉ đạo để làm rõ về hợp đồng hợp tác cho thuê đất nghiền tuyển quặng, nguồn gốc quặng vận chuyển và nghiền tuyển, việc san gạt đất khi chưa thực hiện đóng cửa mỏ, chế tài và các mức độ vi phạm, đúng sai để được minh định, để có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top