Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 5 năm 2009 | 1:52

Phí đại học chỉ bằng nửa tiền mua con bò sữa

Người gửi: Tung Nguyen

Tôi đã học 12 năm phổ thông và 5 năm đại học ở Hà Nội. Bây giờ tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Cùng chung những suy nghĩ lo lắng về vấn đề học phí và chất lượng giáo dục của Việt Nam, tôi cũng muốn đóng góp một số ý kiến như sau.

Trước hết, tôi cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, chỉ khi nào bạn đầu tư xứng đáng thì sản phẩm thu lại mới có giá trị. Tôi chỉ lấy ví dụ, một sinh viên ĐH Bách Khoa, mỗi tháng đóng học phí 180.000 đồng trong 5 năm là 9 triệu đồng. Nói đau lòng, nhưng có lẽ chỉ bằng phân nửa tiền mua con bò sữa.

Nếu tạm cho rằng giá thành đào tạo một cử nhân bằng một con bò sữa (có lẽ đây là ngành đầu tư siêu lợi nhuận nhất mà thế giới từng biết đến) thì tiền học ít nhất cũng phải gấp đôi hiện nay. Nghịch lý này chỉ tồn tại trong xã hội mà bằng cấp quan trọng hơn giá trị thực chất của con người.

Ở đây tôi chưa nói đến việc tăng học phí chất lượng có tăng hay không, vì điều đó còn phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo của chúng ta sử dụng khoản tiền đó thế nào. Nhưng tôi cũng khẳng định luôn, không tăng học phí thì chất lượng chắc chắn không thể tăng được.

Cái bạn Vy muốn rõ ràng không phải là tri thức, mà là tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Nói thật, phần lớn các bạn sau khi tốt nghiệp đều có trình độ thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Đã đến lúc phải lật lại vấn đề, đào tạo ra 10 ông kỹ sư kiểu nửa con bò, hay đào tạo ra một ông kỹ sư giá trị bằng 100 con bò.

Qua rồi cái thời chạy theo số lượng để đạt đủ chỉ tiêu. Nếu muốn nâng cao chất lượng, nhất thiết phải đầu tư. Đầu tư không nhất thiết phải là tiền, có thể là chất xám (ví dụ như cách quản lý, cơ chế...) nhưng đồng thời, vẫn phải là tiền (cơ sở vật chất, lương bổng).

Tôi nói ví dụ cụ thể thế này, sinh viên các ngành khoa học tự nhiên ở Việt Nam thiếu trầm trọng khả năng đọc và cập nhập thông tin mới từ các tạp chí chuyên ngành trên thế giới. Đây là điểm mấu chốt để các bạn tư duy sáng tạo và tìm tòi song hành cùng thế giới. Vậy lấy ở đâu ra? Xin lỗi bạn Vy, bạn Hera Nguyen, hay bạn Le Lien, chúng ta phải bỏ tiền ra để mua.

Hay chuyện sinh viên ngành Y làm thí nghiệm. Cơ sở vật chất thiếu thốn dẫn đến tay nghề kém là chuyện chắc chắn. Thầy có nhiệt tình, trò có hiếu học đến mấy cũng vô ích thôi. Tay nghề kém không sao. Vẫn có bằng. Cùng lắm thì chỉ sơ sẩy chết người thôi phải không? Xin nhắc cho các bạn nhớ, một phần quan trọng để nâng cao chất lượng học, đó là cơ sở vật chất.

Đành rằng việc tăng học phí có thể làm nhiều bạn phải bỏ học. Nhưng có lẽ, đào tạo thêm một cử nhân chất lượng tốt hơn hay đào tạo ra 10 cử nhân chất lượng kém? Câu hỏi này sẽ do sự vận động của xã hội trả lời các bạn.

Nhưng tôi hy vọng trong tương lai chất lượng đào tạo của chúng ta sẽ tăng lên ngang bằng với thế giới, cho dù số lượng có giảm đi 10 lần hay 100 lần không quan trọng.

Ý kiến của bạn?

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top