Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 3 năm 2021 | 9:34

Sai phạm tại Ban Quản lý DAMT-BĐKH TP Đồng Hới: Bản kết luận giám định tư pháp "ẩu"?

Bản kết luận giám định tư pháp (GĐTP) về 2 gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ với nhiều số liệu chỉ mang tính “tham khảo, giả định và có dấu hiệu tăng khống, làm khống…” nhưng đã vội kết tội nhiều lãnh đạo, cán bộ, quân nhân; có dấu hiệu gây oan sai.

Nguyên lãnh đạo và cán bộ Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (DAMT-BĐKH) TP Đồng Hới vừa có đơn kêu cứu gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Bình cùng các ban ngành liên quan tố cáo ông Nguyễn Phước Khoa, giám định viên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình có hành vi “làm khống” trong bản kết luận GĐTP về 2 dự án gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ: “DH-3.1” và “DH/NC1”.
 
ảnh-1.jpg
ảnh-2.jpg

Ông Nguyễn Phước Khoa thuê 2 người dân không có trình độ chuyên môn đi thu thập lại chứng cứ giám định sau khi nhiều ống nhựa phát lộ tại hiện trường gói thầu DH-3.1. 

 

Số liệu chỉ mang tính “tham khảo”?
 
Năm 2018, gói thầu “DH-3.1” trị giá 11 tỉ đồng thực hiện trên phạm vi 3,7ha ở xã Đức Ninh; gói DH/NC1 trị giá trên 5 tỉ đồng với diện tích dò tìm 53ha ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới do UBND tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư; Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) là đơn vị thi công; Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 thực hiện khảo sát, thiết kế và trình Bộ Tư lệnh Công binh thẩm định phê duyệt.
 
ảnh-3.jpg 
ảnh-4.jpg
 
Sau khi hoàn thành thi công và bàn giao mặt bằng dự án, ngày 30/12/2018, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã có giấy cam kết an toàn với nội dung: “Đơn vị đã cam kết thi công sạch bom mìn, vật nổ và chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, pháp luật về toàn bộ mặt bằng trong khu vực đã được dò tìm xử lý…”. 
 
Dự án bàn giao, Cơ quan CSĐT tỉnh Quảng Bình bất ngờ tổ chức trưng cầu giám định lại toàn bộ 2 gói thầu vì có đơn tố giác cho rằng:“Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công “làm khống” khối lượng. Lãnh đạo Ban Quản lý DAMT-BĐKH TP Đồng Hới, đơn vị quản lý dự án vẫn ký thanh toán nghiệm thu”.
 
Thời điểm đó, ông Nguyễn Phước Khoa đã hợp đồng với Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình tổ chức GĐTP tại hiện trường 2 gói thầu trên và kết luận: “làm khống khối lượng, không thi công tại gói thầu thuộc dự án này”. Tuy nhiên, trong bản kết luận GĐTP ngày 29/11/2019 của ông Khoa gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình chứa nhiều nội dung có ý nghĩa “tham khảo”, giả định.
 
Cụ thể, kết quả tính toán khối lượng giá trị đơn vị thi công đã thực hiện tại các trụ T3, T4, Mố M1, khoan tạo lỗ gia cố nền đất từ cọc 116 đến cọc MM0…. chỉ mang tính tham khảo. Mặt khác, một số vị trí trong bản kết luận, ông Khoa còn nêu: “bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng, không tiến hành kiểm đếm được…”. Tuy vậy, ông Khoa vẫn cho rằng đơn vị thi công làm khống?
 
Tháng 12/2019, VKSND tỉnh Quảng Bình phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Thuận - nguyên giám đốc; ông Lê Anh Tuân - Phó giám đốc và 2 cán bộ Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh thuộc Ban Quản lý DAMT - BĐKH TP Đồng Hới về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 2 gói thầu trên.
 
Ngày 31/3/2020, làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình, Binh đoàn 12 một lần nữa khẳng định chất lượng rà phá bom mìn, vật liệu nổ đảm bảo 100% từ ngày bàn giao mặt bằng của 2 dự án này. Căn cứ hiện trường thi công các gói thầu từ khi bàn giao mặt bằng, đến nay đã chứng minh chất lượng thi công, không xảy ra bất cứ vấn đề gì.
 
 
Thiếu chuyên môn, giám định “ẩu”
 
Theo hồ sơ mà PV có được, trong bản kết luận GĐTP tại Bút lục số 4044 và 4057, ông Nguyễn Phước Khoa khẳng định: “Bộ Tư lệnh Công binh chỉ kế thừa kết quả của Viện Kinh tế và chưa xem kỹ tính chính xác và hợp lý của diện tích rà phá bom mìn cũng như số lượng các lỗ khoan phục vụ rà phá diện tích này…”.
 
ảnh-5.jpg Hình ảnh chứng minh đơn vị quân đội từng thi công tại hiện trường gói thầu DH-3.1.

 

Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý, cho biết, ông Nguyễn Phước Khoa chỉ là giám định viên xây dựng, không đủ điều kiện và năng lực chuyên môn để thực hiện giám định gói thầu về rà phá bom mìn, vật liệu nổ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông Khoa lại khẳng định, Bộ Tư lệnh Công binh thẩm định sai gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ dẫn đến Bộ Quốc phòng phê duyệt chưa hợp lý về 2 gói thầu DH-3.1 và gói DH/NC1 này là không đúng pháp luật. 

ảnh-6.jpg
Hình ảnh chứng minh đơn vị quân đội từng thi công tại hiện trường gói thầu DH-3.1.
 
Trong khi đó, nhiều bằng chứng mà các luật sư thu thập được, trong quá trình giám định tại hiện trường, ông Khoa hợp đồng lại với Trung tâm Kiểm định chất lượng Sở Xây dựng và thuê 2 người dân không có trình độ, chuyên môn để thực hiện giám định. Toàn bộ quá trình thực hiện giám định, ông Khoa không hề sử dụng thiết bị toàn đạc, máy kinh vĩ, thước ngắm để định vị vị trí khoan sâu để dò tìm bom mìn… nên kết quả giám định hoàn toàn 100% là giả định, tham khảo.
 
“Ông Khoa đưa số liệu “có ý nghĩa tham khảo” và giá trị nghiệm thu vượt thực tế 5,6 tỉ đồng là có dấu hiệu làm khống, tăng khống nhưng vẫn gửi Cơ quan Công an; việc này trực tiếp gây oan sai cho lãnh đạo, cán bộ và quân nhân. Theo quy định, cần phải lập hội đồng những người có chuyên môn, tổ chức trưng cầu GĐTP theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp”, luật sư Thành nói.
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên cán bộ Ban Quản lý DAMT - BĐKH TP Đồng Hới - cán bộ quản lý hợp động gói thầu DH-3.1, khẳng định, đơn vị thi công thực hiện thi công đúng hợp đồng, đúng tiến độ và bàn giao mặt bằng sạch. Tuy nhiên, không hiểu sao, ông Nguyễn Phước Khoa không có nghiệp vụ chuyên mồn về bom mìn, vật liệu nổ lại “làm thay” việc của quân đội dẫn đến bản kết luận oan trái.
 
“Mặt khác, trong thời gian thực hiện giám định, ông Khoa mắc bệnh sốt xuất huyết không có mặt tại hiện trường nhưng vẫn đưa ra kết luận GĐTP, trong đó chỉ tham khảo giá trị và cho rằng đơn vị quân đội làm khống. Như vậy, toàn bộ giá trị được quy kết chỉ là thiệt hại giả định, không có cơ sở để xác định giá trị thiệt hại theo quy định của pháp luật về GĐTP; vi phạm nguyên tắc giám định là phải trung thực, khách quan, chính xác và kịp thời” - ông Tuấn bức xúc.
 
Sau khi các bị can có đơn thư tố cáo về kết quả giám định “vu vơ” này, Viện KSND tỉnh Quảng Bình đã trả toàn bộ hồ sơ lại cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình để điều tra, xác minh lại.
 
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã có hồi âm gửi các bị can và bác đơn khiếu nại, giữ nguyên bản kết luận điều tra vụ án hình sự và khẳng định, trong đó có nội dung: “Việc ông Nguyễn Phước Khoa thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu là đúng với quy định pháp luật. Đối với kết luận tư pháp số 29/KLGĐ-KHĐT ngày 29/11/2019, ông Khoa phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết quả giám định”.
 
Ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, khẳng định: Sở không hề điều động ông Nguyễn Phước Khoa tham gia giám định tại dự án “DH-3.1; rà phá bom mìn, vật liệu nổ”, mà đây thuộc vấn đề cá nhân ông Khoa vì GĐTP cá nhân độc lập.
 
 
 
Võ Khánh
Ý kiến bạn đọc
Top