Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 6 năm 2020 | 13:34

Thành lập Quỹ phòng chống thiên tai, rất cần thiết

Dù còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV, các đại biểu đều cho rằng, việc thành lập Quỹ về phòng chống thiên tai

thien-tai.jpg
Lực lượng vũ trang tại tỉnh Bình Định xúc cát giúp người dân xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn gia cố nhà cửa chống bão số 6. Ảnh: Nguyên Linh.
 

Bổ sung cháy rừng do tự nhiên là thiên tai

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định, đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao (cấp IV - nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng.

Thực tế, các vụ cháy rừng lớn đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, cần bổ sung thêm hiện tượng cháy rừng do tự nhiên và sương mù vào Luật. Còn đối với Luật Phòng chống thiên tai hiện hành, đại biểu Linh cho rằng, một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong Luật đã gây khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai ở một số địa phương trong thời gian qua.

Đồng bộ hóa nội dung Luật và Nghị định   

Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phương án ứng phó thiên tai đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Nghị định số 114 ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước quy định: “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ thủy lợi có trách nhiệm lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp”.

Nếu theo quy định Điều 22 Luật Phòng, chống thiên tai thì phương án ứng phó thiên tai có rất nhiều nội dung cần có sự phối hợp giữa chủ đập và chính quyền địa phương các cấp như sơ tán, ứng cứu, bảo đảm an ninh trật tự và vật tư phương tiện…

“Nếu để chủ đập tự lập và phê duyệt thì không khả thi. Đề nghị nghiên cứu lại để đồng bộ hóa các nội dung giữa Nghị định 114 và Luật Phòng, chống thiên tai”, ông Gia nêu ý kiến.

Cần thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương

Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu thực tế về kinh phí cho công tác Phòng chống thiên tai đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, kinh phí cho phòng chống thiên tai đang được ghi chung vào mục chi khác dẫn đến khó bố trí hoặc không được ưu tiên bố trí và không đáp ứng được yêu cầu, không được thể hiện chi tiết nên có thể gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện.

“Trên thực tế, việc kiến nghị để bổ sung điều chỉnh văn bản dưới Luật cũng có khó khăn và kéo dài, tôi kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 26 của Luật Ngân sách, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để rà soát, chỉ đạo các ngành liên quan sớm tham mưu để quy định bổ sung một số hạng mục chi đặc thù trong mục ngân sách chi của các địa phương đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn”, ông Tùng phân tích.

Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương mà thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp; ngược lại, một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ ở cấp tỉnh. Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai và được quốc tế đánh giá cao trong phòng, chống thiên tai, nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tại 63 tỉnh, thành đều có quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Nguồn quỹ trung ương là nơi tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ khẩn cấp của quốc tế trong trường hợp nước ta xảy ra thiên tai. Do vậy, thiết kế quỹ trung ương không trùng lặp với cấp tỉnh, việc sử dụng Quỹ nhanh nhất, hiệu quả nhất, bên cạnh việc thành lập bộ phận chuyên trách nhưng không hình thành bộ máy mới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thống nhất và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết để tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; đồng thời đề nghị cần quán triệt nguyên tắc không phát sinh thêm đơn vị, tổ chức, biên chế khi một Luật có hiệu lực.

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 điều, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai và quy định quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định với cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.

Trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 (từ ngày 8-18/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nội dung này.

 

 


 

V.N
Ý kiến bạn đọc
Top