Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 3 năm 2020 | 21:55

Thành Thắng Group bị tố gây ô nhiễm: Cơ quan chức năng vào cuộc

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam vừa ban hành Quyết định số 67/QĐ-TNMT về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản đối với Công ty cổ phần đầu tư Thành Thắng (Thành Thắng Group) .

Trước thông tin Báo Kinh tế nông thôn phản ánh về việc Thành Thắng Group bị tố gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm - Hà Nam), ngày 12/3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-TNMT về việc: “Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản đối với Công ty cổ phần đầu tư Thành Thắng tại dự án khai thác mỏ đá sét tại xã Liên Sơn và thị trấn Tân Thanh”.

 

 Quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam

Theo Quyết định số 67/QĐ-TNMT, Đoàn kiểm tra gồm 7 thành viên, do ông Đinh Xuân Thông, Phó giám đốc Sở TN&MT làm Trưởng đoàn; ông Lại Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TN&MT, Phó Trưởng đoàn; ông Hà Sơn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT, thành viên; ông Ngô Duy Hùng, Phó Chánh Thanh tra, Sở TN&MT, thư ký; ông Lê Thanh Quang, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục BVMT (Sở TN&MT), thành viên; lãnh đạo Phòng TN&MT huyện và lãnh đạo xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, thành viên.
 
Nhiệm vụ của đoàn phải: “Xây dựng chương trình, nội dung kiểm tra và tổ chức thực hiện cuộc kiểm tra theo quy định; trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các vi phạm pháp luật về môi trường, khoáng sản, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý; đối tượng được kiểm tra có các quyền hạn và nghĩa vụ theo các quy định của pháp luật hiện hành”.
 
Việc kiểm tra sẽ tiến hành đột xuất trong thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định.
 
“Đoàn kiểm tra làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trưởng đoàn kiểm tra được sử dụng con dấu của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam để phục vụ cho quá trình hoạt động kiểm tra; Giao trung tâm trắc phân tích tài nguyên và môi trường lấy và phân tích mẫu khi đoàn kiểm tra yêu cầu”, quyết định nêu rõ.

Khu khai thác của Thành Thắng Group thuộc địa bàn xã Liên Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm 

 

Như Báo Kinh tế nông thôn phản ánh, mặc dù Thành Thắng Group mới được cấp phép khái thác khoáng sản vào ngày 11/01/2018, nhưng theo người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh  tố đơn vị này đã khác thác từ trước đó, đồng thời cũng tố cáo từ khi khai thác đến nay đơn vị này đã làm hỏng đường, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc dòng chảy ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân, đồng thời dự án này vẫn chưa chi trả bồi thường cho người dân thôn Cẩm Du trong khi đã chi trả cho người dân thuộc xã Liêm Sơn.
 
Mỏ đá sét thuộc 2 xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh trước đây thuộc quyền khai thác của Công ty cổ phần xi măng Thanh Liêm. Tại Văn bản số 108/UBND-DN&XTĐT ngày 23/01/2009 của UBND tỉnh Hà Nam về việc giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần xi măng Thanh Liêm UBND tỉnh Hà Nam đã đồng ý cho công ty này thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu mỏ sét tại địa bàn xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm và cho phép khai thác tận thu phần diện tích bìa núi Dốc Bưởi… Giao cho UBND huyện Thanh Liêm phối hợp với Công ty cổ phần xi măng Thanh Liêm thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định…

 Người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh phản ánh sự việc với phóng viên

Sau đó một thời gian, Công ty cổ phần xi măng Thanh Liêm phá sản. Mỏ đá sét này đã được Bộ TN&MT cấp phép cho  Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group (Thành Thắng Group-PV) tại Văn bản số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018. Nhưng người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh lại tố Thành Thắng Group đã khai thác từ trước đó và từ khi đi vào khai thác các xe quá tải chạy từ sáng sớm đến đêm gây tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày. Hơn thế, các xe quá tải đã làm nứt, vỡ mặt đường bê tông đường dân sinh và đất đá rơi xuống khu vực canh tác làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đặc biệt là 35 hộ dân thôn Cẩm Du chưa nhận được tiền đất và tiền hỗ trợ sản xuất. Trong khi đó những người dân cùng dự án thuộc xã Liêm Sơn đã nhận đủ số tiền này.
 
Giấy phép khoáng sản số71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018 của Bộ TN&MT cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét tại khu vực xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm, Hà Nam): Diện tích khu vực khai thác 9,53 ha được giới hạn các điểm ghép góc có tọa độ xác định theo phụ lục 1 và bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tại phụ lục 2; Độ sâu khai thác thấp nhất đến mức +20m; Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 4.303.000 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Trữ lượng khai thác 2.641.562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Công suất khai thác từ 31.562 tấn/năm đến 90.000 tấn/năm công suất khai thác chi tiết tại phụ lục 3; Thời gian khai thác 30 năm trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ.

 Cán bộ địa chính thị trấn Tân Thanh chia sẻ với phóng viên

Thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án…, ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định. Trước khi tiến hành khai thác Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018; nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
 
Để có thông tin đa chiều về những tố cáo của người dân, phóng viên đã làm việc với Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh Nguyễn Văn Toản. Ông Toản cho biết, vì thị trấn mới được thành lập mà trước đó ông làm lĩnh vực khác nên không nắm bắt được sâu và giao cho cán bộ địa chính.
 
Trao đổi với phóng viên cán bộ địa chính cho biết ngay khi có ý kiến của người dân UBND thị trấn đã thành lập tổ công tác xuống thôn Cẩm Du để tìm hiểu và xác nhận có việc người dân phản ánh đúng có việc người dân phản ánh hơi quá với thực tế. Cán bộ địa chính thị trấn Tân Thanh khẳng định, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group khi thực hiện dự án không xây dựng khu thu gom nước nên khi mưa nước có chảy lên mặt đường…
 
Trước khi tiến hành khai thác, Thành Thắng Group phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam để kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; phải thực hiện mục đích chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
 
Trong giấy phép quy định là vậy nhưng dư luận đang hoài nghi về việc có hay không việc buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát khai thác khoáng sản của các phòng chuyên môn cũng như trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam. Chỉ khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng mới vào cuộc mà đáng lẽ những tài liệu liên quan đến việc khai thác của doanh nghiệp Sở Tài nguyên và Môi trường đã phải cập nhật trước đó và hàng năm sở phải kiểm ta giám sát việc khai thác này.
 
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
 
 
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top