Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 1 năm 2014 | 9:40

Tiếp bài "Không chịu trả tiền, DN muốn có đường đi": Sự thật dần hé lộ…

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, sau khi Công ty TNHH Đại Xuân thi công xong tuyến đường và cung cấp số lượng lớn nguyên vật liệu thì Công ty CP Xi măng Thanh Liêm bị ngân hàng phát mại tài sản. Trong khi chưa xác định được “chủ nợ” thực sự, Công ty Đại Xuân buộc phải quản lý, giữ nguyên hiện trạng tuyến đường…

Tỉnh Hà Nam mời Công ty Đại Xuân đối thoại


Ngày 15/1/2014, liên ngành tỉnh Hà Nam cùng UBND huyện Thanh Liêm có cuộc làm việc với Công ty Đại Xuân. Đại diện các sở, ban ngành liên quan đều nhất trí việc Công ty Đại Xuân đòi quyền lợi là chính đáng và cần được giải quyết dứt điểm.

Chưa nghiệm thu, bàn giao…

Đại diện Công ty Đại Xuân cho rằng: Công ty xi măng Thanh Liêm được UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng với thời hạn 03 năm và đồng ý cho làm tuyến đường từ ngã tư đường rẽ vào nhà máy xi măng Thanh Liêm (nay là Nhà máy xi măng Thành Thắng) đến khu mỏ T36 để sử dụng làm đường chuyên chở nguyên liệu từ mỏ đá đến nhà máy xi măng. Công ty xi măng Thanh Liêm đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Đại Xuân để san lấp và làm tuyến đường trên. Hiện nay, tuyến đường đã hoàn thành, Công ty Đại Xuân đã nhiều lần liên hệ với Công ty xi măng Thanh Liêm để tiến hành việc nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao nhưng không liên hệ được.

Công ty Đại Xuân khẳng định, tuyến đường trên và các tài sản, trang thiết bị trên tuyến đường thuộc quyền quản lý và sở hữu hợp pháp của Công ty. Công ty Đại Xuân chỉ bàn giao cho Công ty Thanh Liêm sau khi đã nghiệm thu, thanh quyết toán theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật, hoặc bàn giao cho tổ chức/cá nhân nào chấp nhận kế thừa tất cả các quyền và nghĩa vụ của Công ty Thanh Liêm.

Ngoài phần thi công đường, Công ty Đại Xuân còn cung cấp một khối lượng lớn đá nguyên liệu cho Công ty Thanh Liêm để sản xuất xi măng. Tuy nhiên, khi thi hành án, đơn vị bán đấu giá tài sản chưa bàn giao, giải quyết các vướng mắc, công nợ giữa Công ty Đại Xuân và Công ty Thanh Liêm.

UBND huyện phải bồi thường

Trong hội nghị ngày 15/1, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nam cho rằng: Việc đòi hỏi quyền lợi của Công ty Đại Xuân là hoàn toàn chính đáng. Phần mà Công ty Đại Xuân đòi hỏi quyền lợi là phần đường, chứ không phải phần mỏ. Phần mỏ với diện tích 21,9 ha của Công ty Thanh Liêm hiện Bộ Tài nguyên Môi trường chưa cấp phép, hiện đang làm thủ tục. Bây giờ phải làm rõ, nếu Công ty xi măng Thanh Liêm phá sản rồi thì ai là người kế thừa quyền và nghĩa vụ? Người kế thừa phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Công ty Đại Xuân.

Hôm nay (17/1), UBND tỉnh Hà Nam sẽ chủ trì buổi đối thoại giữa các sở,
ban ngành tỉnh, UBND huyện và các doanh nghiệp.


Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Liêm cho biết: Đối với tuyến đường lên mỏ của Xi măng Thanh Liêm đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Thông báo số 82 ngày 01/9/2006 cho phép Công ty Thanh Liêm khảo sát, lập dự án tuyến đường chắn núi vào đến mỏ T36 (trạm đập đá). Sau đó, UBND tỉnh có Quyết định số 942 ngày 09/8/2007, thu hồi và giao cho Công ty xi măng Thanh Liêm thuê đất để xây dựng tràn đập đá vôi và tuyến đường lên mỏ. Sau này, Công ty Xi măng Thanh Liêm có ký hợp đồng với Đại Xuân để thi công và giờ con đường đấy đã hiện hữu ở đấy. Thời hạn thuê này là 30 năm. Mới đây, Xi măng Xuân Thanh có đề nghị mở rộng dây chuyền, ngày 04/4/2013, UBND tỉnh có Thông báo số 22 cho phép Xi măng Xuân Thành khảo sát, lập dự án mở rộng và lấy cả vào tuyến đường đã giao cho Công ty Thanh Liêm. Xi măng Xuân Thành có trách nhiệm làm con đường mới. Hiện, Công ty xi măng Xuân Thành cũng chưa giải phóng mặt bằng được tuyến đường này.

Đồng quan điểm với ý kiến các Sở, ban ngành, đại diện Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh Hà Nam cho biết: Việc đấu giá không liên quan đến mỏ. Chúng tôi đề nghị các ban, ngành báo cáo UBND tỉnh để có can thiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho Công ty Đại Xuân, nếu không sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp.

Không cần tranh luận nhiều, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam sử dụng ngay văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó để đưa ra quan điểm: “Văn bản số 825 của UBND tỉnh Hà Nam ngày 27/5/2013 có nêu “UBND huyện Thanh Liêm thực hiện, làm việc với chủ sở hữu Nhà máy xi măng Thanh Liêm về phương án bồi thường do thực hiện quy hoạch mở rộng vào phần diện tích đất làm đường vào mỏ đá (trường hợp nếu giải quyết bồi thường bằng tiền thì phải xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ trước khi thu hồi đất)”. Văn bản này đã thấy rõ được trách nhiệm của UBND huyện Thanh Liêm là phải lên phương án bồi thường, hỗ trợ trước khi có quyết định thu hồi đất.

Như vậy, qua cuộc đối thoại giữa các sở, ban ngành, UBND huyện Thanh Liêm với doanh nghiệp, trách nhiệm phải hỗ trợ, bồi thường tuyến đường dần dần đã hiện rõ. Phải chăng, UBND huyện Thanh Liêm đã cố tình phớt lờ trách nhiệm của mình để doanh nghiệp phải ngày đêm kêu cứu?

Hải Ninh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top