Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 3 năm 2022 | 14:58

Triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép

Trước hành vi khai thác cát, đá trái phép ngành chức năng địa phương cần phát huy tốt vai trò, triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép, góp phần giữ ổn định địa bàn.

Khai thác cát, sỏi trái phép
 
Mới đây, tại khu cụm cảng công nghiệp Kim Sơn, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an thị xã Đông Triều, đã kiểm tra tàu HD-1620, tải trọng 730 tấn do ông Vũ Bá Tâm (SN 1986, ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) là thuyền trưởng đang vận chuyển hơn 50m3 cát san lấp bốc xúc từ bãi tập kết của Công ty CP Vật liệu xây dựng tổng hợp Đức Cường xuống tàu. Tại thời điểm kiểm tra, những người liên quan không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với số cát trên.
 
Lực lượng chức năng đã tạm giữ tang vật, phương tiện liên quan và phối hợp với Công ty CP than Mạo Khê - TKV đo khối lượng cát trên bãi tập kết Công ty CP Vật liệu xây dựng tổng hợp Đức Cường, cũng như trên tàu HD-1620, đề nghị trưng cầu giám định.
cát.jpg
(Ảnh minh họa)
Căn cứ kết quả giám định cho thấy, Công ty CP Vật liệu xây dựng tổng hợp Đức Cường có hành vi tàng trữ hơn 1.000m3 cát san lấp tại khu cụm cảng công nghiệp Kim Sơn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và ông Vũ Bá Tâm, thuyền trưởng tàu HD-1620 đã thực hiện hành vi vận chuyển hơn 50m3 cát không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
 
Theo đó, Phòng Cảnh sát môi trường đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Vật liệu xây dựng tổng hợp Đức Cường số tiền 140 triệu đồng và 4 triệu đồng đối với ông Vũ Bá Tâm cùng về hành vi khai thác cát trái phép.

Cánh đồng lúa biến thành mỏ đá trái phép

Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ cử lực lượng kiểm tra hiện trạng việc khai thác đá trái phép tại cánh đồng lúa thuộc xã Ia Dêr, huyện Ia Grai.

Động thái này của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai được thực hiện sau khi phóng viên Báo Người Lao Động cung cấp thông tin việc khai thác đá trái phép quy mô lớn tại khu vực nêu trên.

Được biết, từ nhiều năm trước, cánh đồng lúa xã Ia Dêr đã có một số diện tích được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch để khai thác khoáng sản. Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp phép cho nhiều đơn vị tiến hành khai thác tại khu vực trên.

Đến nay, đa số các đơn vị này đã hết thời gian hoạt động. Hiện tại, khu vực này chỉ còn Công ty cổ phần Thăng Long (Công ty Thăng Long) được phép khai thác đá xây dựng đến năm 2029.

Từ năm 2006, Chi nhánh Công ty Thăng Long có đơn xin khai thác và UBND tỉnh Gia Lai đã cấp giấp phép khai thác đá cho đơn vị này với diện tích 8,15 ha trong thời hạn 5 năm, công suất 40.000m3/năm.

 

nhiều-diện-tích-quy-hoạch-đất-lúa-có-chính-sách-bảo-vệ-của-nhà-nước-vẫn-bị-đào-bới-để-khai-thác-đá.jpg
Nhiều diện tích quy hoạch đất lúa có chính sách bảo vệ của nhà nước vẫn bị đào bới để khai thác đá.

Tới năm 2011, Công ty Thăng Long tiếp tục có đơn xin khai thác và cũng được UBND tỉnh Gia Lai cho phép khai thác đá xây dựng trên diện tích 8,15 ha, trong thời gian 5 năm, công suất 40.000m3/năm.

Đến tháng 6/2014, UBND tỉnh Gia Lai điều chỉnh, bổ sung khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2014-2015. Sau đó 3 tháng, Công ty Thăng Long có "Báo cáo thăm dò mỏ đá xây dựng tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai" và được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo này.

Tiếp đó, Công ty Thăng Long có đơn và hồ sơ đề nghị khác thác khoáng sản tại khu vực xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cũng có tờ trình đề nghị cấp phép khai thác cho Công ty Thăng Long.

Từ các căn cứ trên, tháng 11/2014, ông Đào Xuân Liên, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thăng Long với diện tích 5,5 ha, trong thời gian 15 năm.

Tại các giấy phép này, UBND tỉnh Gia Lai đều yêu cầu công ty khai thác đúng tọa độ, diện tích được cấp phép. Tuy nhiên trong thời gian qua, rất nhiều diện tích là ruộng lúa tiếp giáp khu vực mà Công ty Thăng Long được phép khai thác đá cũng đã bị lấy để khai thác đá.

Qua đó, các diện tích này đều được mua bán giấy tay với nhau, sau đó tiến hành khai thác đá. Trong khi đó, Điều 134, Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Người sử dụng đất trồng lúa không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản… và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quy hoạch đất của huyện Ia Grai trong năm 2021, một diện tích đất mênh mông được quy hoạch trồng lúa lại khu vực trên đã bị khai thác khoáng sản.

Ông Đặng Lương Minh Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, cho biết cánh đồng lúa xã Ia Dêr là cánh đồng rộng nhất của huyện Ia Grai. Từ những năm trước, khi thấy người dân nhờ xác thực việc mua bán ruộng lúa, xã đã vận động, tuyên truyền để người dân không bán ruộng lúa. Do đó, sau này khi bán thì chỉ viết giấy tay với nhau, không thông qua chính quyền địa phương nên không thể nắm rõ bao nhiêu diện tích đã được sang nhượng.

 

theo-kế-hoạch-sử-dụng-đất-năm-2021-diện-tích-lớn-đất-trồng-lúa-khoanh-đỏ-đã-bị-khai-thác-đá-trái-phép.jpg
Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2021, diện tích lớn đất trồng lúa (khoanh đỏ) đã bị khai thác đá trái phép.

Riêng việc diện tích lớn quy hoạch đất trồng lúa đã bị khai thác đá thì chính quyền xã không có phương tiện để đo đạc, xác định tọa độ cụ thể nên không nắm được.

Trong khi đó, ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, cho biết hàng năm đều tiến hành kiểm tra việc khai thác đá của Công ty Thăng Long 1-2 lần nhưng không phát hiện việc khai thác ngoài tọa độ, lấy đất quy hoạch trồng lúa để khai thác đá. Riêng năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên không tiến hành kiểm tra được.

Với các thông tin khai thác đá ngoài tọa độ, tại diện tích quy hoạch đất trồng lúa thì ông Tuấn nói sẽ cho kiểm tra và thông tin phản hồi.

Riêng ông Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty Thăng Long tại Gia Lai, thì bảo tại khu vực trên chỉ còn duy nhất đơn vị mình đang khai thác đá, thời hạn đến năm 2029. Tuy nhiên, về "cơ bản" công ty không khai thác đá ngoài phạm vi cho phép?!

Ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép

Với đặc điểm tự nhiên có nhiều tuyến kênh, sông và vùng biển Cần Giờ, tình hình tội phạm khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên cát tại thành phố Hồ Chí Minh mặc dù không xuất hiện điểm nóng nhưng luôn diễn biến phức tạp. Ngày 23/2 vừa qua, Ðồn Biên phòng Long Hòa và Ðồn Biên phòng Cần Thạnh phối hợp lực lượng chuyên môn của Bộ đội Biên phòng thành phố đã phát hiện, bắt giữ nhiều sà-lan vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Trước đó, vào ngày 8/2, tổ tuần tra của Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng phối hợp Ðội Ðặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện khoảng 20 đối tượng điều khiển phương tiện ghe lặn, không có số đăng ký, hút cát dưới sông Ðồng Nai bơm lên các phương tiện ghe tải. Khi phát hiện tổ tuần tra, các đối tượng điều khiển ghe quyết liệt chống đối và nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường. Tổ công tác đã tạm giữ 5 phương tiện…

Trung tá Phan Vĩnh Phú, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Long Hòa cho biết, do lợi nhuận lớn nên hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lợi dụng khu vực có nhiều nhánh sông để dễ trốn tránh khi bị phát hiện. Nhiều trường hợp còn sử dụng các phương tiện vừa di chuyển vừa bơm, hút cát để qua mặt cơ quan chức năng. Ðơn vị đã chủ động đấu tranh quyết liệt, nhưng vào thời điểm lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên việc ngăn chặn gặp không ít khó khăn…

 

cán-bộ-chiến-sĩ-ðồn-biên-phòng-cần-thạnh-cần-giờ-kiểm-tra-tang-vật-trên-tàu-vận-chuyển-cát-trái-phép-bị-tạm-giữ.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cần Thạnh (Cần Giờ) kiểm tra tang vật trên tàu vận chuyển cát trái phép bị tạm giữ.

Thực tế cho thấy, các đối tượng thường lợi dụng giấy phép khai thác cát hợp pháp, giấy phép nạo vét luồng lạch để khai thác vượt phạm vi, quá số lượng và sử dụng sai mục đích. Khi bị bắt giữ thì tìm cách hợp thức hóa giấy tờ thông qua hợp đồng mua bán, thuê khai thác, thuê vận chuyển hoặc lấy lý do trời tối, sóng, gió to nên khó xác định chính xác tọa độ, dẫn tới khai thác nhầm vị trí, phạm vi.

Theo Ðại tá Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh), lợi dụng tình hình dịch Covid-19, các đối tượng manh động tổ chức khai thác cát trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Chúng thường hoạt động vào ban đêm, lúc chạng vạng hoặc rạng sáng, thời tiết xấu, ở địa bàn giáp ranh để trốn tránh lực lượng tuần tra, kiểm soát; khi có nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng thông báo cho nhau nhanh chóng rút vòi bơm, xả bỏ cát và chạy trốn. Cá biệt, một số đối tượng khi bị phát hiện đã liều lĩnh chống trả, nhấn chìm hoặc vứt bỏ phương tiện, nhảy xuống sông bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Ðể ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái pháp luật, Bộ đội Biên phòng thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện đúng chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản. Tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực kênh, sông, biển nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phát hiện và thông tin đối tượng vi phạm cho lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, chia sẻ, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên là của cả cộng đồng. Tuy nhiên, lâu nay mới chỉ có lực lượng chức năng, mà chủ yếu là bộ đội biên phòng, công an đảm nhiệm. Gần đây, sau mỗi đợt bộ đội và địa phương tuyên truyền, người dân chúng tôi dần nhận thức được trách nhiệm của mình, tích cực tham gia ngăn chặn đối tượng vi phạm pháp luật; chủ động cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử lý nhằm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…

Với chủ trương quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép, các ngành, các lực lượng đã tích cực vào cuộc; trong đó, Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các lực lượng liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng và hành vi sai phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chung tay thực hiện phương án bảo vệ tài nguyên, khoáng sản; triển khai hiệu quả quy chế phối hợp ở địa bàn giáp ranh. Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố và chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức tham gia theo chức năng, nhiệm vụ để quản lý chặt chẽ, quyết tâm đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương…

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top